Vài tháng qua là chuỗi ngày bận rộn đối với Bytedance, một trong những startup giá trị nhất thế giới và là công ty đứng sau ứng dụng video phổ biến toàn cầu TikTok.
Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này đã liên tục cập nhật danh sách ứng dụng của mình, với một công cụ làm việc nhóm mang tên Lark, một ứng dụng nhắn tin tức thời Feiliao, và một ứng dụng stream nhạc khác. Nay, có vẻ như hãng sắp bước một chân vào vùng đất phần cứng.
Theo đó, Bytedance đang dự định phát triển smartphone của riêng minh. Người phát ngôn của công ty này từ chối bình luận, nhưng tin đồn này thực ra cũng không hề bất ngờ, bởi việc tung ra những chiếc smartphone cài đặt sẵn phần mềm của hãng từ lâu đã là một cách khá phổ biến mà các công ty Internet Trung Quốc sử dụng để tăng cường lượng người dùng của mình.
Bên cạnh đó, Bytedance còn thực sự phải mở rộng các kênh thu hút người dùng. Sau một vài năm tăng trưởng nóng, vào năm ngoái, lần đầu tiên Bytedance đã thất bại trong việc đạt mục tiêu về doanh số trong bối cảnh các thương hiệu ngày càng đổ ít tiền hơn vào việc quảng cáo.
Một số công ty đi trước Bytedance, bao gồm nhà phát triển ứng dụng selfie Meitu, cũng từng sản xuất các smartphone cài sẵn bộ công cụ biên tập ảnh của họ, và mới đây công ty này đã bán mảng phần cứng cho Xiaomi, khi mà Xiaomi đang cố để thu hút nhiều hơn lượng người dùng là nữ giới cũng như thâu tóm các ứng dụng mới trên thị trường, bao gồm ứng dụng camera B612 của Snow và Faceu của Bytedance.
Nhiều hãng khác lại chọn một hướng đi ít phụ thuộc vào phần cứng hơn trong những ngày đầu của Internet tại Trung Quốc. Baidu, Alibaba và Tencent - bộ ba quyền lực thường được gọi tắt là BAT vì thế thống trị của họ trong ngành công nghệ Trung Quốc - đều tập trung phát triển các bản ROM Android tùy biến, tích hợp thêm một số tính năng so với các bản ROM gốc của các nhà sản xuất điện thoại.
Tham vọng của Alibaba còn thể hiện qua một thương vụ đầu tư trị giá 590 triệu USD vào Meizu hồi năm 2016, trong đó gã khổng lồ thương mại điện tử đảm nhiệm vai trò phát triển một hệ điều hành tùy biến dành riêng cho nhà sản xuất điện thoại này. Gần đây nhất, vào tháng 3 vừa qua, công ty sở hữu WeChat là Tencent đã hợp tác với nhà sản xuất smartphone chơi game Razor trong một loạt các dự án liên quan đến phần cứng.
Trước khi thông tin về việc Bytedance phát triển smartphone xuất hiện, đã có một số manh mối liên quan. Hồi tháng 1, công ty xác nhận đã nắm được một số bằng sáng chế và chiêu mộ nhiều nhân viên đến từ nhà sản xuất điện thoại Smartisan, dù vào thời điểm đó, Bytedance chỉ cho biết mục đích của việc này là để "khám phá cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục". Đó là một tuyên bố gây tò mò, bởi Smartisan chẳng liên quan gì đến giáo dục cả. Chỉ có một lý do cho việc hợp tác này: giúp startup Internet di động có được khả năng phát triển phần cứng.
Trên thực tế, một nguồn tin nói rằng nhà sáng lập Bytedance là Zhang Yiming "từ lâu đã mơ về một chiếc điện thoại được cài sẵn các ứng dụng của Bytedance". Tuy nhiên, cuộc dạo chơi trên lĩnh vực phần cứng của công ty sẽ không hề dễ dàng, ít nhất là tại Trung Quốc, nơi doanh số smartphone đang nguội lạnh dần, và tính cạnh tranh ngày một khốc liệt hơn giữa các công ty đã nổi danh như Huawei, Vivo, Oppo, Xiaomi và Apple.
Bytedance hiện có một lợi thế khá lớn tại quê nhà nhờ "đế chế" họ xây dựng nên từ các ứng dụng di động. Đây là một trong số ít các startup Internet Trung Quốc - nếu không muốn nói là đầu tiên - tìm được chỗ đứng khá vững chắc trên trường quốc tế. Ứng dụng TikTok của họ luôn đứng trong top các bảng xép hạng ứng dụng di động toàn cầu trong nhiều tháng qua, dù gặp một vài rào cản khó chịu tại một số thị trường lớn.
Cụ thể, ở Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang đã phạt TikTok xâm phậm luật bảo vệ quyền riêng tư trẻ em. Chính phủ Ấn Độ - một quốc gia đóng góp khá đáng kể cho sự tăng trưởng của TikTok thời gian qua - cũng tạm thời cấm ứng dụng này vì cáo buộc đăng tải các nội dung bất hợp pháp.
Trong khi thị trường Mỹ có thể nói là khá khó để xâm nhập, bởi những quan ngại của chính phủ nước này xoay quanh vấn đề an ninh mà các công ty Trung Quốc có thể gây ra, Ấn Độ lại là một sân chơi đầy màu mỡ cho các nhãn hiệu Trung Quốc. Một nghiên cứu được tiến hành bởi Counterpoint cho thấy trong quý 1/2019, các nhà sản xuất Trung Quốc - dẫn đầu bởi Xiaomi - đã kiểm soát đến 66% thị trường smartphone Ấn Độ. Điều đó có nghĩa là Bytedance cùng với đồng minh Smartisan sẽ không chỉ phải đối mặt với các đối thủ Ấn Độ mà còn gặp phải nhiều "gương mặt thân quen" đến từ thị trường quê nhà.
Tham khảo: TechCrunch
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?