Công ty đứng sau TikTok phát triển dịch vụ nhạc số cạnh tranh Apple Music và Spotify
Ứng dụng stream nhạc của ByteDance có tên là Resso.
Tung ra một dịch vụ stream nhạc mới trong năm 2019 có vẻ là một trò chơi đầy mạo hiểm. Nhiều dịch vụ như vậy hiện nay có danh mục nhạc cùng các tính năng tương tự nhau, do đó hầu hết mọi người sẽ chọn một "bến đỗ" an toàn là Spotify hay Apple Music.
Nhưng công ty đứng sau TikTok, ByteDance, cho rằng giải pháp của họ có thể sẽ mang lại kết quả khả quan hơn: họ tạo ra một mạng xã hội tích hợp ứng dụng stream nhạc.
Ứng dụng chúng ta đang nói đến ở đây là Resso, một dịch vụ stream mới trông khá giống TikTok. Resso được tung ra từ 6 tháng trước, nhưng đến gần đây người ta mới biết nó thuộc sở hữu của ByteDance. Ứng dụng này hiện có mặt tại Ấn Độ và Indonesia, hai thị trường lớn nhất và hot nhất châu Á. Nhưng tính đến thời điểm này, Resso chỉ có khoảng 27.000 người dùng mà thôi.
Bố cục của Resso khá tương đồng với Apple Music
Mới nhìn qua, giao diện và cách sử dụng của Resso rất giống với các đối thủ, với tập hợp nhiều tính năng vay mượn từ Spotify, Apple Music, và YouTube Music. Nhưng bạn sẽ thấy "màu sắc" của TikTok khá rõ nét ở đây - dù sao thì TikTok cũng là ứng dụng nổi trội nhất của ByteDance mà!
Spotify, thứ người ta nhắc đến đầu tiên khi nói về stream nhạc hiện nay, cũng đã ra mắt tại Ấn Độ trong năm 2019. Cả hai đều có gói trả phí tháng giá 1,68 USD, nhưng Spotify còn có gói gia đình giá 2,53 USD/tháng. Apple Music cũng hiện diện tại đây và vừa giảm giá tháng xuống chỉ còn 1,4 USD, ngang với giá của YouTube Music.
Vì là một cái tên không được nhiều người biết đến, Resso buộc phải dựa vào các tính năng độc đáo và mối liên hệ với TikTok để thu hút người dùng. Và có vẻ như ứng dụng này đang tận dụng điều này khá tốt.
Resso không chỉ là một ứng dụng stream nhạc đơn giản nhờ vào các tính năng mạng xã hội được tích hợp bên trong. Người dùng có thể bình luận vào các bài hát và tạo các video/ảnh GIF có kèm nhạc. Bạn còn có thể nhanh chóng chia sẻ một đoạn ngắn lời bài hát lên các nền tảng mạng xã hội khác.
Đây chính là "bí kíp" của Resso. Trong khi các dịch vụ stream khác, trải nghiệm âm nhạc nhìn chung chỉ tập trung vào tìm và nghe nhạc, thì trên Resso, bạn được khuyến khích chia sẻ và tham gia bình luận với cộng đồng người dùng.
Một trong những tính năng độc quyền của Resso là Vibe. Tính năng này cho phép bạn thêm ảnh GIF, ảnh tĩnh, hay video vào bất kỳ bài hát nào đang nghe. Sau đó, bạn có thể tiếp tục tận hưởng, và nội dung bạn vừa tạo ra có thể được nhiều người dùng Resso khác xem qua nếu họ cũng đang nghe cùng bài hát với bạn.
Tính năng Vibe của Resso
Nhạc trên Resso còn được đồng bộ lời bài hát để bạn có thể ngân nga hát theo các giai điệu yêu thích. Và nếu thấy thích một bài cụ thể nào đó, bạn có thể trích một đoạn ngắn lời bài hát đó và chia sẻ nó cùng với một hình minh họa do chương trình tự động tạo ra bằng cách lựa chọn trong một catalog ảnh bìa lên các nền tảng mạng xã hội khác.
Một nước đi thông minh khác của Resso là sao chép ngôn ngữ thiết kế của TikTok. TikTok là một hiện tượng toàn cầu, nên thiết kế của nó sẽ dễ dàng được nhiều người dùng nhận ra ngay lập tức. Đặc biệt điều này cực kỳ có ý nghĩa ở thị trường Ấn Độ, nơi TikTok có hơn 120 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Có nghĩa là nhiều yếu tố thiết kế và hệ thống điều khiển, như vuốt lên để chuyển sang bài tiếp theo, sẽ rất quen thuộc với người dùng TikTok, giúp họ có cảm giác như ở nhà khi dùng Resso.
Dùng Resso nhiều lúc chẳng khác gì TikTok
Không may là chúng ta chưa thể thử được mọi chức năng nói trên của Resso. ByteDance hiện không cho phép sử dụng dịch vụ này ngoài phạm vi các quốc gia đang thử nghiệm (bạn không thể dùng VPN hay bất kỳ giải pháp nào khác).
"Nó khá thú vị khi so sánh với Spotify" - Sunil Bishnoi, một chuyên gia ở Gurgaon, Ấn Độ, cho biết. "Resso trông hấp dẫn hơn - chức năng Vibes, lời bài hát, ngôn ngữ sử dụng trong các tùy chọn playlist được cá nhân hóa hơn".
Nhưng một ứng dụng mới với nhiều thứ hay ho không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự thành công. Nếu chỉ nghe nhạc, Resso không khác các ứng dụng stream khác. Font chữ, ảnh bìa, và bố cục sẽ gợi nhắc lại cho bạn ứng dụng Apple Music. Tab "Khám phá" cũng cung cấp các playlist được tuyển chọn như "Chill Top 20", giống như các dịch vụ stream khác. Và dù Spotify thiếu chức năng hiển thị lời bài hát đồng bộ hóa, thì đây lại là tính năng đã có từ lâu trên Apple Music.
Resso còn dựa vào các nội dung video, nhưng ứng dụng này không có bản quyền hiển thị mọi video ca nhạc bạn có thể tìm thấy trên YouTube Music. Có nghĩa là ứng dụng này sẽ phụ thuộc nhiều vào các nội dung do người dùng tạo ra.
Không chỉ không có bản quyền video, ByteDance còn không đạt được các hợp đồng nhượng quyền với các công ty như Warner Music Group Corp., Universal Music Group, hay Sony Music Entertainment - 3 công ty âm nhạc lớn nhất thế giới; dù rằng họ đã có bản quyền nhạc từ thương hiệu Ấn Độ là T-Series. Ngay cả Spotify cũng chật vật với bản quyền âm nhạc tại công ty này.
Resso có một gói miễn phí, có quảng cáo để lôi kéo người dùng, nhưng Spotify và YouTube Music cũng có. Do đó, thách thức lớn nhất đối với Resso vẫn là làm sao để mọi người biết đến nó nhiều hơn. Câu trả lời của TikTok đối với thị trường stream nhạc có thể hấp dẫn ở Nam và Đông Nam Á, nhưng chừng đó là chưa đủ.
"Cái tên Spotify nổi tiếng hơn trên quốc tế, Resso thì chưa" - Bishnoi nói.
Tham khảo: AbacusNews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4