Công ty thịt lợn lớn nhất thế giới đang tìm cách tận dụng nội tạng động vật để cấy ghép sang người
Hiện tại, việc ghép nội tạng từ lợn sang người vẫn là bất khả thi, nhưng tương lai đó đang ngày một gần.
Công ty cung cấp thị lợn lớn nhất thế giới, Smithfield Foods, nói rằng từ giờ họ không muốn nuôi lợn chỉ để ăn. Ngoài mục đích cho thịt, những con lợn còn có thể cung cấp mô và nội tạng mà nếu biết cách phát triển, chúng ta sẽ sớm sử dụng để cấy được sang người.
Cuối tuần trước, Smithfield Foods tuyên bố họ đã có kế hoạch để nuôi lợn vì mục đích y tế, bên cạnh hoạt động cung cấp thực phẩm truyền thống như hiện nay.
Công ty thịt lợn lớn nhất thế giới đang tìm cách tận dụng nội tạng lợn để cấy ghép sang người
Tính tới thời điểm hiện tại, việc ghép nội tạng từ lợn sang người vẫn là bất khả thi. Mặc dù vậy, ở vị thế của một công ty hàng đầu thế giới, Smithfield Foods hẳn đã nhận ra tương lai ấy sẽ sớm đến.
Nhiều đột phá khoa học và các công nghệ tiên tiến, điển hình là chỉnh sửa gen, đang ngày càng khiến cho việc sử dụng nội tạng và cơ quan trên động vật khả thi hơn với con người.
Courtney Stanton, Phó Giám đốc của Smithfield Bioscience, trả lời trong một phỏng vấn rằng công ty này hy vọng sẽ tìm cách nào đó tận dụng được các bộ phận ở lợn thịt thường bị lãng phí, chẳng hạn như tim và phổi, để phát triển các cơ quan cho con người.
“Đầu tiên vẫn phải nói rằng chúng tôi là một công ty thực phẩm”, cô nói. “Một phần trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo rằng toàn bộ những con vật được sử dụng và giảm thiểu lãng phí. Có rất nhiều phần của những con vật, thứ mà chúng ta không ăn đến, nhưng lại nhận ra chúng vẫn có giá trị chẳng hạn như với y học”.
Tháng 4 vừa rồi, Smithfield đã tham gia vào một công ty hợp tác với chính phủ Hoa Kỳ. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực thiết kế mô và được Bộ Quốc Phòng Mỹ tài trợ hơn 80 triệu USD. Bản thân Smithfield cũng thành lập một đơn vị riêng, nhắm đến mục đích cuối cùng của họ với công nghệ sinh học: Smithfield Bioscience.
Mỗi năm, Smithfield giết thịt khoảng 16 triệu con lợn. Một số lượng nội tạng tương tự như vậy thường bị lãng phí. Nhưng với dự án mới, công ty hy vọng sẽ có thể biến chúng thành những mặt hàng, bán cho các nhà nghiên cứu và công ty hoạt động trong lĩnh vực y tế, những người đang ấp ủ ước mơ cấy ghép nội tạng từ lợn sang người.
Stanton cho biết Smithfield cũng có kế hoạch tìm hiểu xem họ có thể sử dụng được tất cả nội tạng lợn và cả da của chúng để cấy ghép cho con người. “Có những điểm tương đồng nổi bật giữa lợn với người: ví dụ trong DNA và đường tiêu hóa”, cô nói.
Hiện tại, việc ghép nội tạng từ lợn sang người vẫn là bất khả thi, nhưng tương lai đó đang ngày một gần
Trở lại một số liệu từ Cơ quan Quản lý Tài nguyên và Sức khoẻ Hoa Kỳ. Hiện tại, có khoảng hơn 118.000 người Mỹ đang phải ở nhà xếp hàng trong một danh sách chờ ghép tạng. Khoảng 22 người trong số họ tử vong mỗi ngày trước khi nhận được cơ quan mới.
Năm 2016, các bác sĩ Mỹ đã đạt tới một kỷ lục, ghi nhận số ca ghép tạng nhiều nhất từ trước đến nay: 33.500 ca.
Cấy ghép nội tạng từ lợn sang người rõ ràng là một thách thức lớn. Khó khăn lớn nhất của công việc này là ngăn chặn quá trình chia sẻ và đồng bộ mầm bệnh từ lợn sang người. Bởi những con vật mang một mã gen cho phép virus ở lợn xâm nhập, nó có thể lây lan nhiều dịch bệnh mà trước đây chỉ có ở động vật cho con người.
Thách thức lớn thứ hai là vấn đề miễn dịch. Khi các bác sĩ đưa một cơ quan của lợn vào cơ thể người, hệ miễn dịch của chúng ta sẽ nhận diện nó là một phần tử ngoại lai và tự tấn công để phá hủy nó. Ngay cả cấy ghép nội tạng từ người sang người, bệnh nhân cũng phải đối mặt với tình trạng này.
Smithfield hiện là một công ty con, có giá trị hơn 14 tỷ USD, thuộc tập đoàn Shuanghui, Trung Quốc. Trước đây, họ cũng đã từng sử dụng nhiều bộ phận ở lợn như tuyến tụy và tuyến giáp cho các mục đích y tế.
Hiện tại thì thị trường nguyên liệu thịt lợn ở Mỹ, sử dụng cho các mặt hàng y tế, thức ăn vật nuôi và các mặt hàng phi thực phẩm, cũng có giá trị lên tới 100 tỷ USD.
Smithfield cũng tham gia vào thị trường này với các sản phẩm nguyên liệu thịt, làm thành phần cho thuốc điều trị khó tiêu và bệnh lý tuyến giáp.
Chẳng hạn, công ty này cung cấp các màng nhày trong ruột lợn cho các công ty chăm sóc sức khỏe. Từ đó, họ tạo ra heparin, một chất chống đông và làm loãng máu sử dụng trong các ca phẫu thuật.
Công ty cung cấp thị lợn lớn nhất thế giới, Smithfield Foods, nói rằng từ giờ họ không muốn nuôi lợn chỉ để ăn
Cũng phải nói rằng Smithfield không phải là công ty đầu tiên dám đi tiên phong vào lĩnh vực mạo hiểm, cấy ghép nội tạng lợn sang người.
Ngay hồi tháng 3 vừa rồi, Egenesis, một start-up công nghệ sinh học tại Mỹ cũng đã huy động được 38 triệu USD. Họ có kế hoạch phát triển những công cụ chỉnh sửa gen, thứ mà có thể làm cho nội tạng lợn cấy ghép sang người được.
Trong một nỗ lực tương tự, Revivicor, một công ty về y học tái tạo cũng đang thực hiện những thí nghiệm của mình trong một trạng trại tại Virginia. Các nhà khoa học của họ đã cố gắng bổ sung 5 gen người vào gan, thận và tim những con lợn.
Về phía Smithfield, Stanton nói rằng công ty mới chỉ bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực mới mẻ này, nhưng họ sẽ không ngừng học tập, và tích lũy kinh nghiệm cũng như công nghệ.
“Mặc dù vẫn còn trong giai đoạn bắt đầu của nghiên cứu mới này, chúng tôi hy vọng sẽ được góp phần vào việc tạo ra nhiều cơ quan nội tạng có thể cấy ghép cho con người, cũng như các giải pháp hồi phục những tổn thương cho cơ thể chúng ta trong tương lai”, Stanton nói.
Tham khảo Businessinsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming