Công ty Trung Quốc chê kính VR của Meta chỉ là 'đồ chơi', tuyên bố sản phẩm công ty mình mới mang lại trải nghiệm nhập vai metaverse hoàn hảo
CEO của StepVR cho biết sản phẩm mới của công ty ông sẽ cho phép người tiêu dùng trải nghiệm nhập vai thế giới ảo giống như trong bộ phim Ready Player One.
StepVR - nhà sản xuất phần cứng thực tế ảo (VR) của Trung Quốc - đang chuẩn bị tung ra một sản phẩm cho người dùng nhập vai thế giới ảo. Đây là thứ mà theo người sáng lập kiêm CEO Guo Cheng cho biết sẽ vượt xa tai nghe Oculus từ tập đoàn Meta của Mark Zuckerberg, vì cái mà đối thủ của ông đang sở hữu chỉ là một món "đồ chơi nhỏ".
Theo Guo, có tên gọi VR Gates01, sản phẩm mới của StepVR là một chiếc hộp lớn, có thể đặt ngoài trời, sẽ cho phép mọi người bước vào thế giới ảo và trải nghiệm nó theo cách mà một chiếc tai nghe đơn giản không thể làm được.
Bộ sản phẩm bao gồm tai nghe VR, áo cảm biến rung, găng tay chụp chuyển động và máy chạy bộ đa hướng, sẽ ra mắt vào tháng 7.
"Bạn có thể trút bỏ gánh nặng cho bản thân và thực hiện ước mơ của mình trong metaverse," Guo nói trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng công ty ở Bắc Kinh cuối tuần trước.
Tuy nhiên, "đắm chìm hoàn toàn" không phải là điều duy nhất phân biệt VR Gates01 với các sản phẩm của Oculus và các tai nghe VR khác.
Để trải nghiệm tầm nhìn tổng thể mang đậm tính tương lai của Guo, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ phải đến một trong những cửa hàng thực tế ảo truyền thống để trải nghiệm sản phẩm mới nhất của StepVR .
Đại diện công ty cho biết trong một thông cáo báo chí rằng phiên bản dành cho người tiêu dùng của Gates01 sẽ ra mắt sau đó. Còn hiện tại, CEO Guo không tiết lộ giá bán buôn của hệ thống hiện tại cho các doanh nghiệp, nhưng ông cho biết phiên bản cuối cùng dành cho gia đình có thể khiến người tiêu dùng phải chi từ 2.000 đến 2.500 USD.
Công ty có kế hoạch bắt đầu bán phiên bản hiện tại của sản phẩm tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, Bắc Mỹ và Châu Âu vào năm tới.
Guo gây dựng StepVR vào năm 2013 sau khi trải qua một thập kỷ làm việc trong lĩnh vực mạng cảm biến không dây ở Hà Lan. Cho đến nay, công ty đã huy động được 15,41 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm từ các nhà đầu tư tư nhân.
Tất nhiên, Gates01 không phải là sản phẩm đầu tiên của công ty hứa hẹn mang tới một trải nghiệm VR sống động. Vào năm 2019, công ty đã ra mắt Future Battlefield, một loại đấu trường thể thao điện tử nơi mọi người được trang bị thiết bị VR để cạnh tranh chiến đấu với nhau.
Sản phẩm đó đã được bán cho 140 nhà cung cấp game VR truyền thống ở Trung Quốc và nó đã phổ biến ở các thành phố không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế của Covid-19, theo Guo.
StepVR là một trong nhiều công ty đang tìm cách tận dụng sự quan tâm ngày càng tăng đối với metaverse, một khái niệm về thế hệ tiếp theo của internet bao gồm không gian ảo ba chiều. Các thiết bị thực tế ảo được kỳ vọng sẽ là cách chính để người tiêu dùng trải nghiệm metaverse.
Guo cho biết phần lớn công nghệ mà công ty của ông đã tích cóp trong 9 năm qua đã được dùng để phát triển VR Gates01.
Có diện tích 3 mét vuông, với chiều cao 2 mét, hệ thống này tương tự như các sản phẩm VR phức tạp khác đã được trưng bày tại các trung tâm mua sắm trên khắp Trung Quốc trong quá khứ. Các yếu tố khác của hệ thống Gates01 là định vị bằng tia laser và phản hồi lực để cho phép người chơi trải nghiệm các trò chơi VR giống như trong phim, theo Guo.
Guo đã so sánh trải nghiệm bước vào Gates01 với trải nghiệm thế giới hoàn toàn ảo được mô tả trong bộ phim bom tấn Ready Player One, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Ernest Cline.
Tất nhiên, tầm nhìn về tương lai như thế này cũng đang được nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới theo đuổi, trong quá trình tìm ra nền tảng tiêu dùng lớn tiếp theo sau điện thoại thông minh.
Mark Zuckerberg nhận thấy ý tưởng về metaverse hấp dẫn đến mức ông đã đổi tên công ty của mình thành Meta từ Facebook vào tháng 10 năm ngoái. Công ty đã mở cửa hàng đầu tiên trong tháng này để bán thiết bị VR như Oculus Quest 2.
Apple cũng được cho là sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường khi hãng này tung ra chiếc tai nghe VR của riêng mình. Các giám đốc điều hành của công ty được cho là đã giới thiệu một chiếc tai nghe thực tế hỗn hợp độc lập cho hội đồng quản trị trong tháng này.
Tại Trung Quốc, các gã khổng lồ công nghệ lớn cũng đang có những động thái tương tự. ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, chủ sở hữu của TikTok, đã mua lại nhà sản xuất tai nghe VR Pico vào năm ngoái. Gã khổng lồ trò chơi điện tử Tencent có trụ sở tại Thâm Quyến cũng đã thử nghiệm với VR bằng tai nghe của riêng mình kể từ năm 2018.
Tuy nhiên, Guo cho rằng cách tiếp cận toàn diện hơn của mình sẽ khiến StepVR trở nên khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Công ty, với khoảng 100 nhân viên, hứa hẹn nhắm tới mục đích cuối cùng là cung cấp trải nghiệm cho cả năm giác quan của con người, thậm chí cả khứu giác và vị giác.
“Không phải bằng cách chạm vào màn hình của một tấm bảng hoặc điện thoại thông minh, mà bằng cách nhập vai metaverse thông qua nhân vật đại diện, bạn có thể chạy, chạm vào mọi thứ, thậm chí ngửi thấy mọi thứ,” ông nói.
Khi thị trường smartphone toàn cầu ngày càng trở nên bão hòa, một số công ty công nghệ đã đặt cược lớn vào việc VR sẽ trở thành nền tảng lớn tiếp theo mà qua đó người tiêu dùng trải nghiệm cuộc sống kỹ thuật số của họ.
Ngân hàng đầu tư China International Capital Corporation (CICC) cho biết trong một ghi chú vào ngày 25/5 rằng VR dự kiến sẽ trở thành thiết bị đầu cuối phần cứng thế hệ tiếp theo và thị trường sẽ phát triển khi các công ty toàn cầu xây dựng nhiều sản phẩm hỗ trợ hệ sinh thái hơn. CICC cũng cho biết, các lô hàng thiết bị VR trên toàn cầu đã vượt 10,95 triệu chiếc vào năm ngoái, vượt qua ngưỡng quan trọng là 10 triệu chiếc.
Còn Guo, ông cho biết mình hy vọng sẽ mất ít nhất 5 đến 10 năm nữa để ngành công nghiệp thực tế ảo tương thích với hệ sinh thái mà Apple đã xây dựng cho điện thoại thông minh.
“Giải trí và giáo dục là những lĩnh vực nền tảng cho metaverse", Guo nói. “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra thế hệ thiết bị tiếp theo cho các nền tảng máy tính gia đình, thứ sẽ ra đời sau điện thoại thông minh.”
Tham khảo SCMP
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà toán học Việt Nam có khám phá kép, giúp trường đại học Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu thế giới về đại số
Giáo sư Phạm Hữu Tiệp cho biết các khám phá của ông thường sẽ nảy sinh tại thời điểm mà ông ít mong đợi nhất. "Đó có thể là lúc mà tôi đi dạo với các con, hoặc làm vườn với vợ, hoặc hí hoáy gì đó trong bếp", ông nói.
Vừa đoạt giải Nobel, “Cha đỡ đầu của AI” đã thẳng thừng chỉ trích Sam Altman, tuyên dương một học trò cũ vì từng sa thải CEO OpenAI