Tỷ lệ tử vong thực của Covid-19 có thể ở khoảng 2%, cao hơn gấp 20 lần so với các dòng cúm mùa đang lưu hành hiện nay.
Những cơn sốt, đau đầu, nhức mỏi và rát họng – mặc dù các triệu chứng của Covid-19 có thể giống với cảm cúm thông thường, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng bất cứ ai cũng không thể đánh đồng hai căn bệnh này với nhau.
Bệnh Covid-19 do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra nguy hiểm hơn cúm mùa rất nhiều. Tỷ lệ tử vong của nó hiện ở khoảng 3,5%. Và dựa trên những con số ấy, có thể nói Covid-19 nguy hiểm gấp hàng chục lần cúm mùa.
Trong so sánh, số người chết vì cúm mùa hằng năm chỉ bằng 0,1% tổng số ca nhiễm.
Mặc dù những con số thực thế có thể thay đổi, nhưng ngay cả khi tỷ lệ tử vong hiệu chuẩn của Covid-19 được tính chính xác, các chuyên gia dự báo nó cũng sẽ không dưới 2%.
"Vẫn còn một sự không chắc chắn xung quanh tỷ lệ tử vong của Covid-19 và nó có thể thay đổi tùy thuộc vào chất lượng chăm sóc sức khỏe của từng địa phương", Francois Balloux, Giáo sư Sinh học Hệ thống Điện toán tại Đại học College London cho biết.
"Nhưng có thể nói, tỷ lệ tử vong của Covid-19 trung bình vào khoảng 2%, cao hơn 20 lần so với các dòng cúm mùa đang lưu hành hiện nay".
Có rất nhiều ca bệnh nghiêm trọng
Mối nguy hiểm thực sự mà virus SARS-CoV-2 gây ra dường như không đến từ tổng số người nhiễm, hay tổng số ca tử vong. Các chuyên gia y tế cho rằng con số thực sự gây ra mối lo ngại là tổng số ca nhập viện có diễn biến nặng.
Các bệnh nhân này đã bị viêm phổi, cần thở máy và đôi khi là lọc máu. Trong điều kiện có hạn của hệ thống y tế, với số lượng máy thở, máy ECMO và nguồn nhân lực không thể huy động thêm, các ca bệnh này mới là con số ẩn mình phía sau số ca tử vong được ghi nhận.
Một phân tích trên 45.000 trường hợp mắc Covid-19 được xác nhận ở Trung Quốc cho thấy phần lớn các ca bệnh tử vong xảy ra ở người cao tuổi (tỷ lệ tử vong lên tới 14,8% trong nhóm những người trên 80 tuổi).
Nhưng một nghiên cứu khác của Trung Quốc đã chỉ ra một con số đáng ngại không kém, tới 41% số ca bệnh nghiêm trọng xảy ra trong nhóm nhiễm dưới dưới 50, so với 27% trong số những người trên 65 tuổi.
"Đúng là nếu bạn đã cao tuổi, bạn sẽ có nguy cơ cao hơn, nhưng những trường hợp nghiêm trọng cũng có thể xảy ra ở cả những người tương đối trẻ, không mắc các bệnh nền trước đó", Thứ trưởng Bộ Y tế Pháp Jerome Salomon nhấn mạnh.
Hệ số truyền nhiễm cao
Các chuyên gia bệnh học ước tính rằng mỗi người mắc Covid-19 sẽ lây nhiễm trung bình cho 2-3 người khác. Con số này được gọi là là R0, hay hệ số lây truyền cơ bản (basic reproduction number).
Trong so sánh với cúm mùa, căn bệnh này chỉ có hệ số lan truyền cơ bản R0=1,3. Nghĩa là một người nhiễm cúm chỉ lây trung bình cho 1-2 người khác.
Sự chênh lệnh nhìn thì có vẻ nhỏ, nhưng bạn hãy nhớ rằng điều chúng ta đang nói đến ở đây là một dịch bệnh lây theo cấp số nhân.
Adam Kucharski, một nhà dịch tễ học cho biết: "Khi dịch bệnh mới bùng phát, trung bình mỗi người mắc Covid-19 sẽ lây nhiễm cho khoảng 2,5 người khác. Có trung bình khoảng 5 ngày ủ bệnh để ca nhiễm tiếp theo xuất hiện. Vì vậy, chúng ta ước tính được sẽ có 2,5^6=244 ca nhiễm chỉ sau một tháng.
Nhưng nếu chúng ta có thể giảm hệ số lây truyền xuống một nửa, mỗi người khi đó chỉ lây nhiễm 1,25 người khác, chúng ta sẽ chỉ có 4 ca nhiễm mới trong cùng khoảng thời gian đó".
1,25 chính là một con số gần với R0 của cúm mùa. Và cấp số nhân chính là lý do giải thích tại sao ở một số quốc gia như Ý và Trung Quốc, nơi các biện pháp kiếm soát dịch được thực hiện quá muộn, chúng ta có cảm tưởng Covid-19 ban đầu lan truyền rất chậm, nhưng tại một thời điểm nào đó, dường như nó sẽ bùng lên một cách khủng khiếp.
Hãy suy nghĩ về một dãy cấp số nhân với cơ số 2: 1, 2, 4, 8, 16, v.v. Bạn sẽ phải đếm bao nhiêu lần để vượt qua mốc 1 triệu? Hóa ra chỉ là 20 lần. Và cần bao nhiêu bước để vượt qua con số 16 triệu? Chỉ thêm 4 lần nữa.
Chúng ta chưa có vắc xin và thuốc điều trị Covid-19
Salomon nói rằng con người đã sống với bệnh cúm trong hơn 100 năm nay. "Chúng ta đã nghiên cứu nó rất kỹ", ông nói. "Loại virus corona mới có các triệu chứng lâm sàng giống với bệnh cúm, nhưng chúng thực sự có những khác biệt rất lớn".
Đầu tiên là chúng ta chưa có vắc-xin chống lại Covid-19, hoặc thậm chí bất kỳ phương pháp điều trị nào được chứng minh là có hiệu quả nhất quán.
Mặc dù đã có một số thử nghiệm thuốc cho thấy kết quả hứa hẹn để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19, tuy nhiên, kích thước mẫu của các thực nghiệm này con quá nhỏ để kết luận chúng có hiệu quả với toàn bộ các bệnh nhân trên thế giới hay không.
Hàng trăm nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang làm việc điên cuồng để tìm ra vắc-xin cho Covid-19, nhưng quá trình phát triển vắc-xin phải mất nhiều tháng cho đến hàng năm. Và có lẽ trong đợt bùng phát đầu tiên này, con người sẽ không có được vắc-xin để chống lại Covid-19.
Chúng ta chỉ có thể mong đợi một loại vắc-xin sớm nhất sẽ có sẵn để chống lại các làn sóng tiếp theo của dịch bệnh trong tương lai. Ngay cả trong kịch bản sáng sủa nhất là chúng ta đã có vắc-xin Covid-19, việc tiêm chủng toàn dân cũng sẽ gặp phải nhiều trở ngại khác.
Các cơ quan y tế hiện nay vẫn thường xuyên phàn nàn rằng tỷ lệ người dân tiêm phòng cúm mùa quá thấp để có thể tạo ra miễn dịch quần thể.
Nhưng cũng có điểm tương đồng
Mặc dù có những khác biệt, virus corona mới vẫn có một số đặc điểm giống với cúm. Đáng chú ý nhất là các biện pháp mà người dân có thể thực hành để phòng ngừa và làm chậm tốc độ lây lan của nó.
Theo đó, bạn nên tránh tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với những người nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Hãy rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, tránh chạm tay lên mặt và đeo khẩu trang nếu bạn đã nhiễm bệnh.
Những hành động như vậy có thể giúp hạn chế những ca nhiễm mới Covid-19, giống như nó có thể hạn chế những ca nhiễm cúm, bệnh dạ dày và các bệnh truyền nhiễm khác.
*Để tìm hiểu xem bạn đã thực hành đúng các biện pháp phòng bệnh trong mùa dịch hay chưa, cùng làm bài trắc nghiệm sau:
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI