Crowdfunding Việt Nam sau Ig9 - Trăm hoa vẫn nụ

    PV,  

    Tiên phong trong lĩnh vực crowdfunding từ năm 2013, Ig9 gặp phải không ít khó khăn tại thị trường Việt Nam. Chưa hoàn thành lời hứa ra phiên bản mới, Ig9 đã âm thầm dừng cuộc chơi. Và sau 1 năm Ig9, thị trường crowdfunding Việt Nam hiện nay thế nào?

    Ig9 là nền tảng crowdfunding đầu tiên tại Việt Nam. Nguồn: Internet

    Bài toán niềm tin

    Về bản chất, crowdfunding chính là một hình thức đầu tư sơ khai. Mọi hình thức đầu tư nào cũng cần có 2 thứ: niềm tin và rủi ro.

    Về mặt rủi ro, crowdfunding là hình thức đầu tư có rủi ro thấp và nhiều lựa chọn cho những người tham gia. Số tiền tham gia được chia ra tùy vào mục tiêu và sự cân đối chi phí của người đứng ra kêu gọi đóng góp. Số tiền thấp nhất tại một trang crowdfunding trên toàn thế giới hiện nay là 1 USD. Và tại Việt Nam, các trang crowdfunding đang xây dựng cân nhắc mức thấp nhất là 50.000 VND. Rủi ro san sẻ ra cho cộng đồng và tùy vào khả năng chấp nhận rủi ro mà mỗi người đóng góp nhiều hay ít. Trường hợp ngoại lệ, sự hấp dẫn của phần thưởng sẽ khiến người tham gia đóng góp mức cao hơn.

    Về niềm tin, đây là bài toán khó giải nhất vì nó liên quan nhiều đến tập quán kinh doanh và hành vi đã ăn sâu vào tiềm thức. Người Việt có thể dễ dàng san sẻ không đòi hỏi sự đền đáp khi giúp người có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng khi giúp đỡ ai kinh doanh bằng việc cho 1 khoản tiền nhỏ thường rất ít vì sợ rủi ro và họ không cảm nhận được lợi ích nào từ sự giúp đỡ đó. Điều này bắt nguồn một phần từ tập quán kinh doanh tại Châu Á: đề cao cá nhân và bi kịch hóa sự thất bại trong kinh doanh.

    Vì thế, khi crowdfunding có thể chắp cánh cho nhiều ý tưởng lên ngôi tại Châu Âu và Bắc Mỹ nhưng lại gặp khó tại Châu Á chứ không chỉ riêng tại Việt Nam. Và bài toán niềm tin thì không thể giải quyết mô hình crowdfunding. Niềm tin sẽ được xây dựng từ chính chủ dự án, người sẽ kêu gọi cộng đồng đóng góp, niềm tin từ người thân của chủ dự án và quan trọng hơn hết là hành lang pháp lý từ nhà nước để hạn chế rủi ro cho cả người kêu gọi lẫn người đóng góp.

    Crowdfunding là bước đệm cho startup tìm được thị trường và vốn ban đầu trước khi gặp nhà đầu tư chuyên nghiệp

    Ý tưởng có bị mất hay không?

    Tại Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, sự sáng tạo và sự cải tiến nhập nhèm với nhau:

    - Ở Mỹ tạo ra một sản phẩm và chứng minh nó hoàn toàn mới bạn được cấp bằng sáng chế.

    - Ở Nhật chỉ cần cải tiến sản phẩm cũ bạn đã có được bằng sáng chế.

    Sự khác biệt về cách hiểu giữa sáng tạo giữa hai nền văn hóa Đông – Tây đã tạo nên sự xung đột về pháp lý, bản quyền công nghệ hay ý tưởng. Nó tạo ra một tâm lý ám ảnh cho những ai muốn tạo ra sản phẩm mới luôn sợ hãi ý tưởng bị sao chép, đánh cắp rồi nhân bản (clone) ra để chiếm lĩnh thị trường trước. Nhưng nếu tham gia crowdfunding, chủ dự án phải minh bạch dự án. Vậy làm sao để không bị mất ý tưởng khi kêu gọi cộng đồng góp vốn?

    Điều đáng mừng là bạn chỉ chia sẻ phương pháp, giải pháp chứ không thể chia sẻ chi tiết ngọn ngành từng công việc khi thực hiện. Như kích thước chi tiết sản phẩm, vật liệu, nhà cung cấp hoặc nhân lực... Đơn giản, cộng đồng không cần những thông tin chi tiết đến thế. Chủ yếu một kế hoạch gọi vốn trên web crowdfunding chia sẻ về đam mê, cảm hứng và động lực thôi thúc để giải quyết nhu cầu của cộng đồng.

    Thuyết phục, ấn tượng, tạo niềm tin và liên tục cập nhật là những thông tin cần thiết khi thực hiện một dự án crowdfunding.

    Vậy hãy yên tâm về sự minh bạch của gọi vốn cộng đồng – crowdfunding! Và cũng hãy yên tâm thế giới 6 tỷ người nên việc ai đó nghĩ giống mình là điều hiển nhiên. Ví dụ thiết bị đeo tay Misfit Wearble của Sonny Vũ, tại sao crowdfunding thành công khi thị trường đã có sản phẩm tương tự? Phạm vi bài này không thể nói hết nhưng các bạn không khó tìm bài học thành công của Misfit.

    Sau Ig9, crowdfunding Việt Nam có gì?

    Tháng 6/2014, một nhóm các họa sỹ đã dùng hình thức crowdfunding cho cuốn truyện tranh Long Thần Tướng. Đây là dự án kêu gọi vốn lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, hình thức có chút khác biệt là crowdfunding của cuốn truyện tự crowdfunding trên 1 trang web tự tạo và việc nhận tiền trực tiếp bằng tài khoản cá nhân.

    Qua năm 2015, có nhiều nền tảng crowdfunding hình thành như Comicola, FirstStep, Betado, Fundstart. Comicola phát triển từ sự thành công của Long Thần Tướng. Betado đã kêu gọi thành công cho cuốn sách về giáo dục gia đình. FirstStep đang kêu gọi vốn cho dự án thứ 3 là Blink of Death – Cú nháy mắt tử thần. Trước đó FirstStep cũng đã kêu gọi vốn cho Nhóm kịch cổ trang Chuồn Chuồn Giấy và Cộng đồng nông sản tự nhiên Agrinature.me. Fundstart vẫn còn án binh bất động.

    Giá trị kêu gọi cho từng dự án tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Thị trường vẫn chưa thuận lợi cho hoạt động crowdfunding sau sự rút lui của Ig9. Bài toán niềm tin và bảo vệ ý tưởng vẫn chưa được giải xong. Nhưng nhìn về hướng tích cực là: sau Ig9 đã có 4 nền tảng ra đời để giúp các ý tưởng Việt chắp cánh từ cộng đồng. Dù hoa có thể chưa nở nhưng ít ra có 4 nụ được ươm mầm chờ ngày thị trường của crowdfunding bùng nổ.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày