Cú lừa đỉnh cao: Khoa học chế trứng rùa giả để triệt phá một trong những loại tội phạm phổ biến và nguy hiểm nhất với thế giới động vật
Trứng rùa giả thì có tác dụng gì trong việc... bắt tội phạm? Đây là câu trả lời.
Loại hình tội phạm mà chúng ta nhắc đến ở đây là... trộm và buôn lậu trứng rùa.
Khi được xem các bộ phim tài liệu về rùa biển, nhiều người hẳn sẽ có chung một cảm giác khá kỳ lạ. Cảnh tượng một con rùa biển nở ra khỏi trứng, vất vả bò ra khỏi hố cát để tới được mép nước, phải chống chọi với đủ các hiểm nguy từ những kẻ săn mồi đang chầu chực từ lâu... tất cả khiến bạn muốn cổ vũ chúng, mong chúng vượt qua hiểm cảnh để bắt đầu một cuộc đời mới.
Nhưng tại Trung Mỹ, đó không phải là thử thách duy nhất dành cho rùa biển. Tại đây, đa số trứng rùa thậm chí còn không có cơ hội nở - lên tới 90% ở một số bãi biển. Thay vào đó, chúng bị thu hoạch bởi những kẻ săn trộm, rồi tuồn đi bán ở các thành phố và trở thành thức ăn cho sinh vật nguy hiểm nhất hành tinh - con người.
Cộng thêm việc số lượng rùa biển ngày càng ít đi, điều này tạo ra một vấn nạn hết sức nguy hiểm cho số phận của cả giống loài. Bởi vậy, các nhà chức trách đã phải rất vất vả để triệt phá vấn nạn này, nhưng không đạt được nhiều thành tựu. Rốt cục, khoa học quyết định đưa ra một giải pháp đột phá, một "cú lừa" cách mạng, mang tên... trứng rùa giả.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra những trái trứng rùa trông như thật, bên trong có giấu máy thu phát tín hiệu GPS rồi đặt vào các tổ trứng. Nhiệm vụ của số trứng này là để theo dõi con đường từ gây án cho đến khi... lên bàn ăn, và đã đạt được thành tựu hết sức bất ngờ.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc đặt trứng giả trong tổ rùa không gây tổn hại đến quá trình phát triển của trứng, đồng thời đạt được hiệu quả rất tốt," - trích lời Helen Pheasey từ ĐH Kent (Anh Quốc).
Những quả trứng được làm giả bằng công nghệ in 3D, bên trong gắn máy thu phát GPS
"Chúng tôi chứng minh được rằng việc theo dõi số trứng bị vận chuyển bất hợp pháp từ các bãi biển đến tay người tiêu dùng là hoàn toàn khả thi. Quãng đường dài nhất ghi nhận được thậm chí lên tới 137km."
Ý tưởng sử dụng trứng rùa giả thuộc về công ty InvestEGGator, được đưa ra cách đây vài năm nhằm triệt phá những đường dây buôn lậu động vật hoang dã. Trên thực tế, các nhà khoa học trước kia cũng đã sử dụng nhiều "hàng giả" để theo dõi động vật trong tự nhiên. Chúng cho phép họ nghiên cứu về hành vi thực sự của chúng một cách tự nhiên nhất, khi không có sự hiện diện của con người.
Để thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã đặt 101 quả trứng giả vào các tổ trứng rùa rải rác tại 4 bãi biển của Costa Rica. Mật độ trung bình là 1 quả giả/tổ, bởi những kẻ săn trộm thường sẽ trộm hết, không chừa lại quả nào.
Kết quả, đã có 25% trứng giả bị lấy đi. Số còn lại vẫn nằm nguyên trong tổ, và các quả trứng thật ở đó vẫn nở bình thường. Điều đó cho thấy số trứng giả không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trứng thật.
Quãng đường trứng bị buôn lậu
Với những quả bị trộm, các nhà khoa học lần theo được 5 tổ - đều là trứng của các loài đang nguy cấp. Mục tiêu của số trứng này không phải là để tìm kẻ trộm, mà là nhằm lần theo đường dây buôn trứng và tìm ra điểm tiêu thụ.
"Tội trộm trứng thực chất không nặng bằng buôn lậu, vậy nên việc tìm ra điểm tiêu thụ có giá trị hơn rất nhiều đối với các nhà hành pháp," - Pheasey cho biết.
Tuy nhiên, không phải quả trứng nào cũng hoạt động như kế hoạch. Có một quả ngưng phát tín hiệu sau khi rời tổ khoảng 43km, sau đó được người dân báo lại về địa điểm nó mất tín hiệu, và nơi mua số trứng ấy.
Thông tin này vừa đáng mừng, vừa không. Mừng ở chỗ cộng đồng ở đó sẵn sàng chia sẻ thông tin về vấn đề buôn lậu trứng. Nhưng đáng lo là vì họ nghĩ việc trộm và ăn trứng rùa chẳng phải vấn đề to tát. Mà thực chất, việc ăn trứng rùa là thói quen đã tồn tại từ lâu, chỉ trở thành bất hợp pháp khi rùa bị khai thác quá mức mà thôi.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4