Chưa bao giờ sự “bành trướng” của các hệ thống siêu thị điện máy lại lớn như bây giờ, một con đường ngắn nhưng có tới 3-4 “đại gia” siêu thị điện máy “quây quần”. Cũng vì lẽ đó mà những cửa hàng điện máy nhỏ lẻ đang dần bị “thoái trào” và có nguy cơ bị khai tử ra khỏi thị trường.
Nhiều cửa hàng điện tử nhỏ lẻ đã phải cắt giảm nhân viên để có thể cầm cự hoạt động
Ồ ạt “cơi nới”
Trong 2 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến sự lớn mạnh nhanh chóng của các hệ thống siêu thị điện máy lớn. Điển hình là những kế hoạch “khủng” sẽ “cơi nới” thêm thị phần trong năm 2016 của các “ông lớn” như Điện máy Xanh sẽ tiếp tục đà mở rộng mạnh mẽ, mục tiêu là 200 siêu thị điện máy vào cuối năm nay.
Bằng chứng là chủ sở hữu của chuỗi này, Công ty cổ phần Thế giới Di động công bố năm 2016 sẽ mở khoảng 70 siêu thị để nâng số cửa hàng trong chuỗi lên con số 150, tăng gần gấp đôi so với năm 2015.
Bên cạnh đó, cũng trong năm nay, MediaMart sẽ sở hữu 30 điểm bán hoạt động hiệu quả với tổng diện tích mặt sàn kinh doanh bán lẻ đạt 100.000m2. Vẫn lặp lại điệp khúc “hy sinh lợi nhuận để tăng trưởng”, chuỗi siêu thị điện máy Trần Anh dự kiến mở mới thêm 10-12 điểm bán và cũng sẽ mở đồng loạt như đã làm vào quý IV/2015, thay vì mở phân tán, rải rác như trước.
Lợi thế về quy mô đã mang lại cho các hãng lớn ưu thế không nhỏ về chiến lược marketing và các đợt khuyến mãi “khủng” rầm rộ. Giữa thời các sản phẩm ở đâu cũng có thể nhang nhác nhau, thì dẫn trước về chiến lược, không gian mua sắm, dịch vụ hậu mãi liên kết với nhà sản xuất… chính là điểm nút để tiếp tục tồn tại trên thị trường, trong khi điều này ít khi là lợi thế cho các cửa hàng nhỏ.
“Cá lớn nuốt cá bé”
Có thể nói, quy luật “cá lớn nuốt cá bé” là quy luật tự nhiên, khi các đại gia điện máy mở rộng hệ thống của mình không chỉ ở các thành phố lớn mà còn lan rộng về các thành phố, huyện, tỉnh khắp cả nước. Chính sự phủ sóng rộng rãi này khiến các cửa hàng, đại lý nhỏ lẻ rất chật vật để kiếm thị phần.
Có không ít các cửa hàng bán lẻ điện máy nhỏ phải “phá sản” vì khách hàng ngày càng có xu hướng ưa chuộng mua sắm đồ điện máy trong các siêu thị lớn để đảm bảo chất lượng và để hưởng các dịch vụ hậu mãi hấp dẫn.
Ngoài ra, hầu như các siêu thị điện máy lớn có hệ thống trung tâm chăm sóc khách hàng call center có thể giải đáp, tư vấn thắc mắc của khách hàng, dịch vụ giao hàng, lắp đặt, chăm sóc khách hàng sau khi lắp đặt, sửa chữa, chính sách mua hàng trả góp, đổi trả hàng hóa... và cả thuận tiện hóa việc thanh toán của khách hàng được các doanh nghiệp đầu tư đẩy mạnh. Trong khi đó, các cửa hàng nhỏ lại thiếu những khâu chuyên nghiệp này.
Anh Ngọc (Bùi Xương Trạch, Hà Nội) cho biết: “Mẫu mã, chủng loại ở các siêu thị lớn đa dạng hơn rất nhiều các cửa hàng nhỏ. Không những vậy, dịch vụ chăm sóc khách hàng và bảo hành sản phẩm của các “ông lớn” luôn chuyên nghiệp hơn.
Bên cạnh đó, tại đây thường có các đợt khuyến mãi rất hấp dẫn, giá cả phải chăng và tôi thấy mua hàng tại các cửa hiệu lớn thì sẽ uy tín, đảm bảo hơn”.
Khó có thể bì với các ông lớn về ngân sách và khả năng chịu “lỗ”, nhiều cửa hàng điện tử nhỏ lẻ đã phải đóng cửa hoặc chuyển một phần mục đích kinh doanh, cắt giảm nhân viên để có thể cầm cự hoạt động.
Bà Mai - chủ cửa hàng điện máy nhỏ trên đường Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) - chia sẻ: “Cửa hàng của tôi mở cách đây 15 năm và buôn bán rất tốt, nhưng trong vài năm trở lại đây thì rất “ế ẩm”. Lý giải cho điều này, bà Nga thở dài phân trần: “Ngay trên dọc đường Nguyễn Trãi - Tây Sơn - Tôn Đức Thắng, tôi tính đã có sơ sơ 5 cái siêu thị điện máy lớn, các siêu thị “mọc” ầm ầm như thế này thì chúng tôi lấy đâu ra khách, chắc sớm muộn cũng phải giải thể”.
Theo Cafebiz / Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI