Cùng chiêm ngưỡng bộ sưu tập điện thoại “có một không hai” tại Việt Nam: Khỏi phải bàn về độ hiếm, nhiều đồ độc ít người biết đến, trị giá trên 10 tỷ đồng
Không chỉ là biểu tượng của những giá trị lịch sử, tính thẩm mỹ và hoài niệm, bộ sưu tập độc đáo này còn phản ánh niềm đam mê công nghệ mãnh liệt của vị CEO trẻ tuổi và đầy tài năng.
Trên thế giới, thú chơi sưu tập đồ công nghệ nói chung hay điện thoại nói riêng từ lâu đã trở thành niềm đam mê của không ít người, đặc biệt là với giới mộ điệu, những ai yêu thích tính sáng tạo đột phá, các phiên bản giới hạn hay chỉ đơn giản là muốn lưu giữ lại giá trị cũ đã làm nên lịch sử. Mỗi bộ sưu tập này không chỉ mang trong mình những câu chuyện riêng cùng giá trị thẩm mỹ độc đáo mà còn phản ánh cá tính của chủ nhân, minh chứng cho sự am tường, hiểu biết sâu sắc về hành trình phát triển của các thiết bị công nghệ.
Và tại Việt Nam, chúng ta cũng không hề thiếu những cái tên nổi bật. Trong đó bộ sưu tập điện thoại của Nguyễn Thế Vinh - đồng sáng lập và CEO của hệ sinh thái Ninety Eight - có thể được xem như một kỳ công đáng nể cả về tính độc đáo lẫn độ quý hiếm và giá trị khiến cộng đồng công nghệ không khỏi trầm trồ.
Bộ sưu tập "khủng" của CEO 9X
"Choáng ngợp" là cảm xúc đầu tiên của tôi (người viết) ngay khi nhìn thấy những bức ảnh về bộ sưu tập được vị CEO trẻ này "khoe" trên Facebook cá nhân. Không chỉ vì số lượng "khủng" mà trong đó còn có những bộ máy thuộc vào loại rất hiếm và gần như không nhiều người biết đến sự tồn tại. Liên hệ ngay với Vinh, chúng tôi đã có một buổi phỏng vấn đầy thú vị, chia sẻ về hành trình xây dựng bộ sưu tập điện thoại có một không hai, thứ được anh xem như một niềm tự hào cá nhân này.
Với số lượng lên tới 3.000 chiếc điện thoại, trong đó có khoảng trên dưới 2.000 là những mẫu máy mới nguyên hộp (brand new fullbox) hoặc gần như mới (likenew fullbox) và đặc biệt là cả những phiên bản giới hạn (limited) cực kỳ hiếm, một con số đáng mơ ước với ngay cả những tay chơi sưu tầm chuyên nghiệp. Đáng chú ý, 1.000 chiếc máy còn lại không chỉ hiếm mà còn độc đáo hơn khi chúng là những mẫu prototype, hay còn gọi là hàng nguyên mẫu, những chiếc máy lẻ thử nghiệm trước khi đưa vào thị trường.
Bộ sưu tập hầu hết đều là dạng máy mới nguyên hộp, hoặc được sử dụng rất ít, đúng với tính chất sưu tầm.
"Riêng với hàng limited thì mình cứ có là mình sưu tập thôi chứ mình không có kén chọn được", Vinh chia sẻ. Trong đó, bộ sưu tập BlackBerry được đánh giá là cực kỳ ấn tượng với hàng trăm mẫu máy khác nhau, được anh sưu tập một cách chỉn chu mà theo Vinh là có "nét văn hoá rất riêng cùng nhiều yếu tố khác biệt". Đơn cử như riêng bộ BlackBerry 8700 - một trong những mẫu máy được ưa chuộng nhất của BlackBerry cần phải sưu tầm đủ theo nhà mạng, màu sắc, năm sản xuất và thậm chí cả nơi sản xuất cũng đều là những yếu tố ảnh hưởng đến độ hiếm của sản phẩm.
"Ví dụ như BlackBerry 8700 hàng Made in Canada và sản xuất năm 2005 chẳng hạn thì là những mẫu hiếm nhất. Chính điểm này khiến cho cái việc sưu tập của mình phải trở nên cực kỳ đồng bộ và đầy đủ thì mới có giá trị nhất định. Nên gần như là việc sưu tập đủ được cũng khá là khó, nguyên bộ BlackBerry 8700 cũng phải đến 70 bộ mới đủ hết", Vinh cho biết. Tuy nhiên chàng trai 9X này cũng chia sẻ rằng cá biệt một số phiên bản của dòng BlackBerry 8700 là anh sở hữu đến 2, 3 bộ, cốt lõi là để hữu duyên có thể giao lưu cùng "đồng đạo" hoặc tặng cho bạn bè.
Một trong những bộ BlackBerry 8700 được Vinh sưu tầm nguyên vẹn.
Bên cạnh BlackBerry, Nokia - một trong những biểu tượng công nghệ của quá khứ - là cái tên góp mặt nhiều nhất trong bộ sưu tập và cũng sở hữu những bộ máy được anh chàng tâm đắc nhất. Niềm yêu thích này theo Vinh đến từ việc "Nokia sở hữu nhiều phiên bản giới hạn được hãng can thiệp rất sâu vào thân vỏ máy cho đến giấy tờ chứng nhận, phần mềm mang cá tính độc nhất tạo nên sự khác biệt và giá trị lịch sử to lớn".
Những "huyền thoại" như E71, N90, E90, 7900 Crystal Prism thậm chí cả 1110i cũng được Vinh sưu tập ở trạng thái hoàn hảo.
Điển hình trong đó là chiếc Nokia N96 Bruce Lee Limited Edition, một sản phẩm được ra mắt với số lượng giới hạn để mừng sinh nhật Lý Tiểu Long, và giờ đây trở thành niềm mơ ước của nhiều người đam mê công nghệ. Vinh chi biết, riêng mẫu Nokia N96 Bruce Lee Limited Edition Nokia chỉ sản xuất đúng 3 phiên bản trong đó có hộp giấy, 1 bản vali nhôm và 1 bản kỷ niệm 75 năm. Bên trong hộp máy, ngoài các phụ kiện đi kèm còn có thêm mô hình của Lý Tiểu Long cùng một bộ giao diện độc quyền dành riêng, khiến cho giá trị nguyên bản gần như khó có thể đong đếm được.
Nokia N96 Bruce Lee Limited Edition là một trong những bộ sản phẩm cực kỳ quý hiếm của Nokia.
Hay như gần đây, Vinh vừa mới được chạm tay vào sở hữu bộ sưu tập Nokia 8800 Arte Versace Edition mà theo anh "đã phải săn mất 5 đến 6 năm mới có thể góp đủ". Đây là những mẫu máy Nokia 8800, vốn nổi tiếng với thiết kế sang trọng và sự can thiệp sâu từ nhà sản xuất về cả phần cứng lẫn phần mềm, tạo nên sự độc nhất và quý hiếm khó bì kịp.
Thế nhưng đó chưa phải là hết vì theo vị CEO trẻ tiết lộ: "5 chiếc mình hiện có mới chỉ là dòng Arte thôi, còn rất nhiều các bộ khác độc đáo không kém. Nào là Nokia 8800 Sirocco Gold, Black, Light Versace Edition hay dòng Nokia 8800 Anakin cùng với nhiều dòng nữa cũng sẽ có phiên bản giới hạn".
Đương nhiên, với hàng loạt những món đồ thuộc vào dạng "độc nhất vô nhị" như vậy, việc ước tính giá trị của chúng quả là hết sức khó khăn. "Có những bộ giá trị rất cao, nhất là những hàng limited vì giá trị khó mà có thể đong đếm được", anh chia sẻ. Tuy nhiên, để có được một con số ước lượng chung dựa trên những thống kê khi sưu tập thì Vinh cho biết giá trị của bộ sưu tập này là không dưới 10 tỷ đồng. Một con số tuy lớn nhưng nếu để so sánh với giá trị lịch sử, tính thẩm mỹ cùng sự độc đáo hiếm có của những món đồ này thì sẽ chẳng là gì.
Câu chuyện đằng sau niềm đam mê
Khi được hỏi về lý do sưu tập, Vinh cho biết đam mê này bắt nguồn từ thời còn là học sinh cấp 2. Anh bị thu hút bởi những chiếc điện thoại Sony Ericsson T650, P990i với thiết kế độc đáo cùng nhiều tính năng mới lạ tính năng mới lạ. Đến năm lớp 11, sau một thời gian gom góp thì cuối cùng chàng trai trẻ đã bén duyên với mẫu Nokia 6600 hay còn gọi là "Sáu béo", và bắt đầu bị cuốn hút bởi sự thay đổi không ngừng của ngành công nghiệp di động, nơi mỗi dòng sản phẩm mới ra đời đều đánh dấu một cột mốc quan trọng.
Sony Ericsson P990i, một trong những mẫu máy để lại ấn tượng sâu sắc đã được Vinh sưu tập.
"Sau 'sáu béo' thì chiếc smartphone tiếp theo là BlackBerry 7290. Thời đấy thì BlackBerry một là vừa hiếm, hai là rất khác biệt. Cảm giác cầm chiếc máy rất doanh nhân hoặc xịn sò, đẳng cấp lắm mới dùng", Vinh nhớ lại. Qua thời gian, khởi đầu từ mong muốn được lưu giữ lại những mẫu máy kỷ niệm, anh tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê và rồi mở rộng ra để từ lúc nào không hay đã trở thành một bộ sưu tập khổng lồ như hiện tại.
Tự coi mình là một người thuộc thế hệ "hoài niệm", Vinh chia sẻ: "việc sưu tập điện thoại không chỉ là cách để nhìn lại sự phát triển, ghi dấu những thành tựu công nghệ của một thời kỳ với nhiều thay đổi mạnh mẽ, mà còn là hành trình lưu giữ những kỷ niệm, những thời khắc đã trải qua, những bước chuyển mình của lịch sử. Và những chiếc điện thoại cổ chính là sự kết hợp hài hoà của cả hai yếu tố trên".
Sự "hoài niệm" đã trở thành động lực để anh chàng sưu tầm những món đồ "huyền thoại" của một thời.
Và cũng vì "hoài niệm", mà chàng trai 9X này cũng có hẳn một sưu tập các món đồ độc-lạ-cổ bên cạnh bộ sưu tập điện thoại hoành tráng của mình. Đó là những mẫu Zippo, bật lửa xăng đá với nhiều hình thù chạm khắc lạ mắt, độc đáo.
Hay như mẫu Cassette được chế tạo để kỷ niệm chuyến bay thẳng đầu tiên qua Đại Tây Dương, với thiết kế theo hình mẫu của một buồng điều khiển máy bay, từ các nút bấm, cần gạt mang lại cảm giác của một phi công.
Mẫu Cassette mang âm hưởng của buồng lái máy bay, được chế tạo để kỷ niệm chuyến bay thẳng đầu tiên qua Đại Tây Dương.
Hoặc bộ bàn phím được xem là phiên bản nguyên mẫu của các máy đánh chữ cổ cũng đều có mặt trong phòng làm việc của Vinh. Với anh: "ngoài tính công nghệ, món đồ cổ phải có yếu tố thẩm mỹ và có tình trạng tốt nhất có thể. Bên cạnh đó, việc mang trong mình một ý nghĩa hay câu chuyện gì đấy đặc biệt chính là điểm cộng mà mình luôn muốn tìm kiếm, lưu giữ".
Một số sản phẩm như cassette, TV cổ được Vinh sưu tầm trong tình trạng hoạt động tốt.
Mặt khác, chính cá tính "hoài niệm" cùng đam mê cháy bỏng với công nghệ lại trở thành động lực thôi thúc cũng như định hướng Vinh ngay trong công việc. "Việc tìm hiểu về lịch sử công nghệ, phong cách và triết lý phát triển công nghệ của nhiều thương hiệu lớn qua các thời kỳ, giúp định hình tư duy nền tảng và truyền cảm hứng rất nhiều cho mình trong việc phát triển các ứng dụng công nghệ hiện tại của Ninety Eight. Đó là những sản phẩm kết hợp công nghệ vào con người, dùng công nghệ để hỗ trợ con người, một cách tự nhiên như một phần của cơ thể" - Vinh hào hứng khẳng định.
Những nhận định sâu sắc về xu hướng công nghệ
Trên cương vị là một CEO của Ninety Eight - startup đình đám trong lĩnh vực Blockchain tại Việt Nam - Nguyễn Thế Vinh không chỉ nổi tiếng với khả năng quản lý và dẫn dắt doanh nghiệp, mà còn là người sở hữu góc nhìn sâu sắc độc đáo về các xu hướng công nghệ. Trong buổi phỏng vấn, anh đã có những nhận định đầy tâm huyết về tương lai của ngành công nghiệp di động: "Mình nghĩ rằng không phải bây giờ mà là trong một vài năm trở lại đây công nghệ nói chung nhất là công nghệ di động đã đến điểm bão hòa. Điều này tương tự với hầu hết các lĩnh vực hoặc các xu hướng nào cũng vậy".
Thật vậy, cứ nhìn vào những mẫu smartphone mới được ra mắt qua các năm, có thể thấy hầu hết những thay đổi ở thời điểm hiện tại đều không có quá nhiều sự đột phá, tạo được sức ảnh hưởng đáng kể so với thời đại trước đây. Tuy nhiên, trái với nhận định có phần "u ám" kia, vị CEO trẻ vẫn luôn đặt niềm tin vào một tương lai sáng lạn của ngành khi theo anh "các nhà sản xuất vẫn không ngừng tìm kiếm những đột phá mới để thu hút người dùng".
"Mình nghĩ ở thời điểm hiện tại, sự sáng tạo có thể ít đi ở phạm vi này nhưng lại được mở rộng và nhiều hơn ở lĩnh vực khác chứ bản chất thì sáng tạo không mất đi mà chỉ càng ngày càng nhiều hơn thôi. Ví dụ như là người ta sẽ tập trung vào vào việc sáng tạo ra những thiết bị công nghệ mới chẳng hạn, sau đó dựa vào đấy để trở thành những cái lịch sử mới, những câu chuyện mới", Vinh chia sẻ.
Ở một chiều hướng khác, về phần mềm, cụ thể là về trí thông minh nhân tạo AI, Vinh cũng đưa ra nhận định rằng đây sẽ là một xu hướng mới mẻ bùng nổ và mang đến nhiều giá trị mới trong tương lai gần. Anh cho biết: "Phải khẳng định rằng công nghệ bây giờ nhất là AI đã phát triển rất nhanh với khả năng tự học, tự lập luận và có thể đưa ra các phán đoán. Nên tất cả các nhu cầu của người dùng thông thường, chỉ tính bằng ngày bằng tháng là AI cũng sẽ giải quyết được hết". Vinh cũng chia sẻ thực tế trong công việc của một quản lý, tuyển dụng kỹ sư phần mềm, việc tích hợp AI cũng khiến cho lập trình viên nắm bắt và xử lý logic hiệu quả hơn, giảm bớt thời gian đào tạo ban đầu cũng như hỗ trợ tốt hơn trong công việc chuyên môn.
Sáng tạo và tiện dụng làm nên một sản phẩm tốt
Khi được hỏi về những yếu tố làm nên một sản phẩm công nghệ tốt, Vinh nhấn mạnh: "Đầu tiên, bất cứ sản phẩm thành công nào thì điều kiện tiên quyết vẫn là tính thực dụng, giải quyết được bài toán nhu cầu có thể trong hiện tại hoặc tương lai". Bên cạnh đó, chàng trai 9X này cũng không quên khẳng định: "Theo góc nhìn của mình thì đổi mới sáng tạo phải là yếu tố hiển nhiên, có thể gọi là "by default " (mặc định) và bất cứ sản phẩm nào khi ra mắt. Sau đó mới tính đến chuyện thay đổi có giải quyết được bài toán nào về nhu cầu, tính thực dụng hay không. Cả hai yếu tố đan xen, kết hợp với nhau sẽ tạo nên một sản phẩm tốt".
Bên cạnh đó, một yếu tố tuy không nhấn mạnh những cũng được anh chàng nhắc đến khi đánh giá về thị trường công nghệ Việt Nam dưới vai trò là một người dùng. "Được sử dụng các công nghệ mới, trải nghiệm đi cùng câu chuyện thú vị thì rất đáng để bỏ ra chi phí lớn. Tuy nhiên thực tế thì phải cân bằng được hai yếu tố giữa giá trị thực dụng cũng như chi phí đầu tư thì sẽ là lựa chọn tốt nhất. Đơn giản vì công nghệ dù tốt đến đâu nhưng cũng cần phải phù hợp với đối tượng người dùng riêng cũng như mức độ hiệu dụng theo thời gian. Vì thế mà những sản phẩm công nghệ tầm trung với mức giá dễ tiếp cận vẫn rất thu hút", Vinh cho biết.
Cuối cuộc phỏng vấn, Vinh bày tỏ niềm tự hào khi được là một thành viên hội đồng thẩm định của Better Choice Awards 2024 - một giải thưởng công nghệ uy tín nhằm tôn vinh những sản phẩm tiên tiến, sáng tạo và phù hợp với xu hướng. Ngoài ra, Vinh cho biết, việc tham gia vào quá trình đánh giá và lựa chọn những sản phẩm công nghệ xuất sắc không chỉ là cơ hội để anh thể hiện niềm đam mê công nghệ, mà còn là cách để chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về xu hướng công nghệ với cộng đồng
Kết thúc cuộc trò chuyện, anh cũng nhấn mạnh rằng tương lai của công nghệ là vô cùng rộng lớn và đầy tiềm năng. Với sự phát triển không ngừng, mỗi bước tiến của ngành công nghệ đều là một cột mốc mới, và anh hy vọng rằng Better Choice Awards 2024 sẽ là nơi giúp mọi người nhìn nhận và tôn vinh những sản phẩm xứng đáng.
Better Choice Awards tri ân và tôn vinh những ""Giá trị Đổi mới sáng tạo"" về sản phẩm, dịch vụ, thành tựu mang đến lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, tạo ra điểm khác biệt khi không đi tìm ""lựa chọn tốt nhất phân khúc"", mà hướng tới nhu cầu thực tế của người dùng để giúp họ tìm ra thương hiệu, sản phẩm phù hợp nhất.
Giải thưởng đã bắt đầu mở cổng bầu chọn công khai vào ngày 9/9/2024, sau buổi họp báo tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6B Hoàng Diệu. Hiện tại, cuộc đua vẫn chưa kết thúc và cổng bầu chọn sẽ chỉ đóng vào lúc 23:59:59 ngày 25/9/2024. Nhanh tay bầu chọn cho thương hiệu bạn yêu thích chiến thắng đề cử tại Better Choice Awards 2024 thông qua website: https://betterchoice.vn/
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI