Cùng là đào Bitcoin bằng chip chuyên biệt tại Trung Quốc, hãy xem sự khác biệt giữa một "mỏ tiền ảo" ở Đại Lục so với ở Hongkong

    Master Dùi,  

    Dù hiệu quả có thể tương đương, chúng ta có thể thấy được đẳng cấp chênh lệch như một anh nông dân ở quê so với anh tri thức ở thành phố.

    *​ASIC (phát âm: ay-sik), viết tắt của application-specific integrated circuit trong tiếng Anh , là một thuật ngữ chỉ các vi mạch tích hợp chuyên dụng trong điện tử học .

    ASIC là một vi mạch IC được thiết kế dành cho một ứng dụng cụ thể. ASIC ngày nay được ứng dụng hầu như khắp mọi nơi, ví dụ như vi xử lý của điện thoại di động , vi xử lý trong các máy móc tự động, các phương tiện truyền thông, xe cộ, tàu vũ trụ, các hệ thống xử lý, các dây chuyền công nghiệp, v.v..

    Thị trường tiền ảo đang nóng hơn bao giờ hết khi ai ai cũng sắm cho mình một hay vài dàn PC "trâu cày" để tranh thủ kiếm thu nhập từ việc đào tiền ảo. Tuy nhiên, sau 8 năm xuất hiện, giờ đây việc cày Bitcoin đã trở nên cực kì khó khân trong khi hàng loạt các altcoin - tiền ảo khác có giá trị nhỏ hơn dựa trên blockchain xuất hiện ngày càng nhiều.

    Như một lẽ tất yếu, những người đầu tư "trâu cày" thông thường trang bị 6 VGA mỗi dàn sẽ chỉ có lựa chọn cày các altcoin như Ethereum, Monero, Zcash,... do hiệu năng điện toán chỉ ở tầm trung. Với phần lớn mọi người, Bitcoin là một thứ xa khỏi tầm đào được và chỉ được coi là một đơn vị tiền tệ mạnh cho các đồng altcoin có thể thả nổi theo. Thế nhưng, với những người có hàng chục hàng trăm triệu USD để đầu tư, họ vẫn rất quan tâm tới BTC bởi trữ lượng còn đồng nghĩa với còn khả năng để đào.

    Để cho dễ hiểu thì việc đào tiền ảo giống như kiểu có một người ra câu đố cho hàng nghìn người khác tranh nhau giải. Người giải đúng và nhanh nhất sẽ được phần thưởng là những đồng BTC hay các altcoin. Khi trữ lượng không còn nhiều cũng như các công nghệ phần cứng mới được trình làng, việc tranh đoạt sẽ càng khó khăn hơn bởi giờ đây ai cũng giỏi, cũng nhanh. Khi đó, 6 hay 8 GPU là chưa đủ sức mạnh tranh đấu. Bởi vậy, những người "nông dân" chuyên nghiệp đã chuyển sang giải pháp khác là sử dụng các chip ASIC được thiết kế chuyên biệt cho việc cày Bitcoin, còn được gọi tắt là ASICMINER.

    Cuộc sống bên trong một tổ hợp đào Bitcoin tại Trung Quốc.

    Trong video trên, chúng ta được đến thăm một trong 6 "mỏ" Bitcoin của một nhóm 4 nhà đầu tư với khả năng tạo ra 4050 Bitcoin mỗi tháng tại thời điểm ghi hình vào tháng Mười 2014. Với 3000 chip "thợ mỏ" ASICMINER, hiệu năng giải thuật toán của mỗi cơ sở này lên tới 8 PetaHash/giây. Riêng chi phí tiền điện của mỗi cơ sở đã lên tới 80.000 USD. Tính ra, 4 chủ sở hữu của 6 mỏ Bitcoin này đã từng chiếm tới 3% thị trường Bitcoin tại thời điểm bấy giờ.

    Dù các mỏ này thường được đặt ở các vùng có khí hậu lạnh như chân núi Nga Mi, người ta vẫn phải trang bị hàng loạt các quạt công nghiệp cỡ lớn để tạo luồng đối lưu cho không khí, giúp thoát nhiệt cho hàng nghìn con chip đang hoạt động. Vào mùa hè, nhiệt độ ở đây luôn ở mức 37 độ hoặc hơn kết hợp với với hàng trăm chiếc quạt công nghiệp hoạt động hết công suất tạo thành một môi trường làm việc không mấy lý tưởng cho nhóm công nhân vận hành hệ thống ở đây.

    Trong khi các "nông dân" ở Trung Hoa Đại Lục làm mát ASICMINER của họ bằng quạt, những người đồng nghiệp đến từ HongKong của họ đã đưa việc làm mát các ASICMINER lên một tầm cao mới. Thay vì tản nhiệt bằng khí, chủ nhân của mỏ Bitcoin đặt tại tòa nhà công nghiệp Kwai Chung này đã sử dụng tới giải pháp tản nhiệt bằng cách nhúng linh kiện vào dung dịch làm mát 3M.

    Những dung dịch này có nhiệt độ sôi cực thấp nên khi tiếp xúc với nhiệt độ phát ra từ các ASICMINER sẽ bay hơi. Hơi nước này sẽ gặp phần ngưng tụ được đặt ở phía trên hệ thống nhúng để trở về trạng thái lỏng rồi bơm ngược về bể.

    Mỗi dàn như trong ảnh trên bao gồm 92 chiếc ASICMINER được nhúng trong dung dịch 24/7 để đảm bảo nhiệt độ tối ưu. Nhờ giải pháp tản nhiệt tân tiến này, các con chip ASICMINER chỉ có nhiệt độ hoạt động ở mức 37 độ hoặc thấp hơn, đảm bảo được tính ổn định cũng như độ bền cho sản phẩm. Nhờ vậy mà tuổi thọ của ASICMINER ở mỏ này có thể lên tới vài năm so với những con chip được làm mát bằng khí ở Đại Lục.

    Hệ thống radiator cỡ lớn được sử dụng trong việc làm mát dung dịch được đặt trên nóc tòa nhà. Thậm chí người ta đã phải dùng đến cần cầu để lắp đặt chúng. Dàn lạnh này kết hợp với hàng nghìn con ASICMINER khiến hóa đơn tiền điện của chủ đầu tư lên tới 50.000 USD mỗi tháng dù HongKong là một trong những nơi có giá điện rẻ nhất thế giới.

    Quả thực, khi được chiêm ngưỡng những "mỏ" Bitcoin hàng khủng thế này, tôi mới hiểu được vì sao những "nông dân" thông thường gần như không có cơ hội đào được Bitcoin từ những năm 2013 đến giờ. Ngoài ra, khi so sánh, chúng ta mới thấy các "nông dân" HongKong đã đạt đến cảnh giới nào trong việc đào tiền ảo. Với những con chip ASICMINER luôn được giữ kín công nghệ, chẳng có gì bất ngờ khi phần lớn Bitcoin trên thế giới xuất phát từ Trung Quốc.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ