Cùng tìm hiểu về những tựa game gắn liền với "thương hiệu" Tom Clancy (Phần cuối)
PV, Minh Tiến
Nếu bạn là người yêu thích thể loại bắn súng hay các tựa game của Ubisoft, chắc hẳn bạn đã nghe qua rất nhiều tựa game đi kèm với cái tên Tom Clancy. Vậy Tom Clancy là ai và có vai trò gì trong những tựa game đó?
Một tựa game khác cũng được "gắn nhãn" Tom Clancy là H.A.W.X. Đây là một game mô phỏng lái máy bay, phát hành năm 2009. Game lấy bối cảnh cùng khoảng thời gian với Ghost Recon: Advanced Warfighter. Thời gian này, các tập đoàn quân sự thay thế chính phủ trong việc điều hành quân đội của nhiều nước. Người chơi sẽ vào vai một phi công kỳ cựu của Mỹ nhưng nay đã trở thành một lính đánh thuê, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của các tập đoàn quân sự trong game.
Game không có sự khác biệt lớn về mặt cách chơi so với các tựa game cùng thể loại, tuy nhiên cũng được đánh giá cao bởi một số tính năng mới lạ. Ví dụ như bản đồ được xây dựng từ ảnh vệ tinh tăng cường độ chân thực cho game hay tính năng ERS (Enhanced Reality System) hỗ trợ người chơi cực kỳ hiệu quả. Ngoài ra game thủ cũng có thể chọn lựa máy bay cho riêng mình trong số 50 loại khác nhau, và có thể tự do điều chỉnh camera để thuận tiện trong quá trình làm nhiệm vụ.
EndWar có thể coi là series mang đậm chất Tom Clancy nhất trong các tựa game của Ubisoft. Game khai thác đề tài Chiến tranh lạnh và cho phép người chơi lựa chọn điều khiển một trong ba phe phái đến từ châu Âu, liên bang Nga và Mỹ. Là một game chiến thuật thời gian thực (các phiên bản trên Nintendo DS và PSP là game chiến thuật theo lượt), EndWar "ghi điểm" nhờ tính năng điều khiển bằng giọng nói.
Trong vai người chỉ huy, người chơi có thể ra lệnh cho các đơn vị thông qua micro của headphone. Các đơn vị chỉ thực hiện những câu lệnh nhất định và chỉ hiểu được một số ngôn ngữ. Tuy nhiên giọng nói từ các vùng miền của một ngôn ngữ, ví dụ như tiếng Anh, sẽ không ảnh hưởng đến việc thực hiện mệnh lệnh của các đơn vị trong game. Ubisoft thậm chí còn tung ra một đoạn quảng cáo trong đó những chú vẹt dùng giọng nói để thực hiện các bước chiến thuật trong game.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến series Splinter Cell. Đây là dòng game đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của thể loại hành động lén lút, cùng với Metal Gear Solid của Konami. Tựa game Splinter Cell đầu tiên ra mắt năm 2002. Và hai năm sau, khi phiên bản tiếp theo của series này xuất hiện trên thị trường, điệp viên Sam Fisher đã trở thành một trong những nhân vật được đông đảo người chơi yêu thích. Cách chơi của Splinter Cell chú trọng vào khả năng lẩn trốn trong bóng tối, ẩn nấp và lặng lẽ tiêu diệt kẻ địch riêng lẻ.
Đỉnh cao của series này phải kể đến Chaos Theory (2005). Tựa game này đã mang thể loại hành động lén lút lên tầm cao mới, với những yếu tố cực kỳ độc đáo như khả năng nhận biết tiếng động lạ của AI, và lối chơi nhìn chung cũng thực tế hơn các phiên bản trước đó. Chaos Theory cũng được đánh giá rất cao bởi các chế độ chơi được xây dựng vô cùng hấp dẫn, từ chơi đơn, chơi mạng cho đến chế độ co-op.
Phiên bản gần đây của Splinter Cell là Conviction đã không còn đặt nặng yếu tố lén lút trong game mà thay vào đó là nhiều pha hành động kịch tính hơn. Vì vậy, cho dù vẫn có cốt truyện theo phong cách Tom Clancy nhưng Conviction không dành được cảm tình của những người hâm mộ thể loại hành động lén lút.
Rõ ràng Tom Clancy có dấu ấn không hề nhỏ trong những tựa game của Ubisoft. Người hâm mộ Tom Clancy hoặc các tựa game của Ubisoft nói chung có thể yên tâm rằng trong tương lai sẽ còn rất nhiều sản phẩm mang tên nhà văn nổi tiếng này. Đó đều là những tựa game hứa hẹn sẽ thành công như Ghost Recon: Future Soldier, EndWar 2, H.A.W.X 2, và hai tựa game mới trong các series Splinter Cell và Rainbow Six.