Cuộc chiến định đoạt người giàu nhất thế giới: Microsoft đấm, Amazon đã đau
Nguyên nhân khiến Jeff Bezos mất vị trí người giàu nhất thế giới vào tay Bill Gates lại nằm ở một cuộc chiến ít người biết đến - cuộc chiến nằm ở "xương sống" của thế giới công nghệ.
Năm 2017, nhà sáng lập Amazon là Jeff Bezos chính thức vượt mặt Bill Gates để trở thành người đàn ông giàu có nhất thế giới. Vị trí của 2 ông trùm công nghệ này tưởng sẽ không bao giờ bị đảo ngược, bởi dù cho Amazon và Microsoft hùng mạnh như nhau, Bill Gates thì cứ tiếp tục đem tài sản đi làm từ thiện, Jeff Bezos thì vẫn... kẹt xỉn như vậy.
Thế nhưng, điều bất ngờ đã xảy ra vào ngày thứ sáu vừa qua. Trong phiên giao dịch cuối ngày New York, cổ phiếu Amazon sụt giảm mạnh tới 1,637 tỷ USD. Khối tài sản của Jeff Bezos, vốn đã bị giảm 35 tỷ USD sau khi ly dị vợ, đã ngay lập tức suy giảm mạnh chỉ còn 102,8 tỷ USD. Theo Bloomberg, con số này cũng có nghĩa rằng nhà sáng lập Amazon đang "nghèo" hơn Bill Gates khoảng 5 tỷ USD.
"Sức khỏe" của Amazon thực chất lại nằm ở một mảng kinh doanh đem lại phần doanh thu rất thấp: đám mây.
Amazon là trang bán lẻ lớn nhất thế giới. Nhắc đến Microsoft vẫn là nhắc đến Windows và Office trước tiên. Nhưng pha lật đổ ngoạn mục của Bill Gates dành cho Jeff Bezos lại xoay quanh một lĩnh vực khác, ít người biết đến hơn: điện toán đám mây. Hiện tại, Amazon và Microsoft đang là 2 đối thủ xứng tầm duy nhất trong cuộc chiến "đám mây hóa": tách hạ tầng IT của cả thế giới ra khỏi các máy chủ doanh nghiệp riêng lẻ rồi đưa vào trung tâm dữ liệu của 2 ông lớn.
Trong nhiều năm liền, Amazon thống trị cuộc chiến này một cách tuyệt đối. Khởi đầu trước Microsoft tận hai năm, đám mây AWS (Amazon Web Services) hiện vẫn đứng số 1 về doanh thu và thị phần. Trong quý vừa qua, AWS đem lại 9 tỷ USD, tiếp tục tăng trưởng 35% so với cùng kỳ 2019.
Vấn đề là ở chỗ, trong quý 2, tốc độ tăng trưởng của AWS đạt tới 37%. Trong quý 3 năm ngoái, con số này ở mức 46%. AWS đang có dấu hiệu chững lại và cũng đã không thể chạm tới mức 9,2 tỷ USD được Phố Wall kỳ vọng. Chính điều này đã khiến 7 tỷ USD tài sản của Jeff Bezos bay hơi, bởi dù không chiếm phần doanh thu đáng kể nhưng AWS lại là chìa khóa lợi nhuận cho Amazon. Khi AWS gây thất vọng, lợi nhuận quý 3 của cả tập đoàn mẹ Amazon chỉ đạt 2,1 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với mốc 2,3 tỷ USD được Phố Wall đưa ra. AWS chững lại, Amazon cũng sẽ bị giảm bớt khả năng "vung tiền" bành trướng trên các mảng kinh doanh khác.
Microsoft đang tung ra những cú đấm mạnh mẽ khi ngay cả Sony cũng chọn Azure thay vì AWS.
Ở phía ngược lại, đám mây của Microsoft tiếp tục bùng nổ. Đám mây Azure có thể vẫn thua kém AWS nhưng vẫn đang tăng trưởng ở mức 59%. Quan trọng hơn, dịch vụ "đám mây" từ Microsoft bao gồm cả những thứ mà Amazon hay bất kỳ một ông lớn nào khác không thể có được: Office, mạng xã hội LinkedIn, các phần mềm doanh nghiệp như Dynamics, SharePoint v...v...
Những khách hàng mới liên tiếp đổ xô về phía Microsoft. Walmart, đối thủ bán lẻ của Amazon, đã ký hợp đồng 5 năm với Microsoft. Đáng chú ý hơn, Sony cũng tuyên bố đem hạ tầngđám mây PlayStation lên Azure trong một chương trình "hợp tác chiến lược". Việc ngay cả một đối thủ gay gắt cũng chọn đám mây của Microsoft cho thấy sự tin tưởng dành cho "nhà Bill Gates" đang ngày một lớn. AWS thực sự không còn là độc tôn trong cuộc chiến đang đóng vai trò xương sống của thế giới công nghệ.
Mối đe dọa ấy đang phản ánh chính xác vào báo cáo tài chính của 2 công ty trong quý 3 vừa rồi. Và nếu Amazon không có biện pháp đáp trả thích hợp, sức ép từ Microsoft sẽ còn tiếp tục lớn hơn nữa: không đầy một ngày sau khi Amazon và Microsoft công bố hai bản báo cáo kinh doanh trái ngược, Lầu Năm Góc cũng tuyên bố sẽ dành cho Microsoft một hợp đồng đám mây trị giá 10 tỷ USD. Đối thủ duy nhất bị Microsoft đánh bại trong vòng thương thảo cuối cùng, không ai khác chính là Amazon.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"