Cuộc chiến trả phí thông tin giữa Facebook với truyền thông Australia: Ai thắng, ai thua?
Facebook đã đối mặt với làn sóng chỉ trích lớn vào hôm qua (18/2) khi quyết định chặn tất cả các tin tức do người sử dụng và các cơ quan báo chí tại Australia chia sẻ nhằm phản đối dự luật mới của Canberra.
Đại diện mạng xã hội lớn nhất thế giới cho biết động thái này là nhằm phản đối một dự luật có tên gọi Đàm phán Truyền thông Tin tức mà Quốc hội Australia đang xem xét. Nếu được thông qua, dự luật sẽ buộc Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia khi tin tức được chia sẻ trên các nền tảng xã hội và công cụ tìm kiếm này.
Các nhà lập pháp Australia cho rằng dự luật là một nỗ lực nhằm hạn chế quyền lực và sự kiểm soát của những gã khổng lồ công nghệ nói trên đối với việc quảng cáo kỹ thuật số - vốn được coi là nguyên nhân chính khiến doanh thu của các nhà xuất bản tin tức sụt giảm trong hơn 2 thập kỷ qua. Trái lại, Facebook khẳng định dự luật đã đánh giá sai về mối quan hệ của họ với các nhà xuất bản.
Theo giới phân tích, những tranh cãi này sẽ đi xa hơn nỗ lực “san bằng sân chơi trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số” và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên toàn thế giới.
Nguồn cơn của sự giận dữ
Các nhà xuất bản tin tức từ lâu đã tỏ ra bất bình với các công ty công nghệ như Google và Facebook, cáo buộc họ ăn chặn doanh thu quảng cáo, gây ảnh hưởng đến các công việc trong lĩnh vực báo chí, thực hiện quyền kiểm soát lớn đối với nhà xuất bản thông qua các thuật toán, đồng thời hưởng lợi bằng việc hiển thị những tin tức mới cho người sử dụng mà không chi trả cho bên tạo ra các thông tin này.
Trong những năm gần đây, một số công ty công nghệ đã thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau để tài trợ cho báo chí và thúc đẩy việc đăng tải tin tức trên các nền tảng của họ. Facebook đã công bố Dự án Báo chí nhằm ngăn chặn việc phát tán “tin giả”, cung cấp công cụ cần thiết để các nhà báo có thể tận dụng tính năng kết nối của Facebook để đến với khán giả. Còn Google triển khai Sáng kiến Tin tức (Google News Initiative) với mục tiêu nâng cao chất lượng thông tin, tăng cường mô hình kinh doanh của các hãng tin và giúp các tổ chức tin tức tận dụng sự đổi mới của công nghệ. Nhưng hiệu quả của những sáng kiến này còn hạn chế và ngành công nghiệp truyền thông vẫn phải gồng mình chống chọi với nhiều khó khăn.
Do vậy, các nhà quản lý đã tìm cách buộc Google và Facebook trả tiền cho các nhà xuất bản để sử dụng tin tức của họ. Australia đi đầu trong nỗ lực này, tiếp đến là các nước EU, trong đó có Pháp, Đức và Tây Ban Nha.
Nội dung dự luật mới của Australia
Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) đã nỗ lực thúc đẩy dự luật Đàm phán Truyền thông Tin tức suốt 3 năm qua trong bối cảnh Australia đang tìm cách thực hiện những biện pháp mạnh tay hơn đối với các công ty công nghệ lớn.
Dự luật được đề xuất yêu cầu những công ty công nghệ như Facebook và Google trả tiền trực tiếp cho các nhà xuất bản của Australia khi họ đăng tải tin tức hoặc liên kết đến trang website của họ, trước khi thay đổi thuật toán các công ty này cần phải thông báo cho nhà xuất bản 28 ngày.
Theo dự luật, Facebook hoặc Google phải đàm phán giá cả của nội dung tin tức với các nhà xuất bản trong vòng 3 tháng, hoặc là họ sẽ bị buộc phải tham gia vào một quy trình phân xử mà ở đó một ủy ban do chính phủ Australia thành lập sẽ xem xét ý kiến của mỗi bên, sau đó đưa ra quyết định phù hợp.
Dự luật đã được Hạ viện thông qua trong tuần này và đang được trình lên Thượng viện. Trong khi đó các cuộc đàm phán giữa chính phủ và các công ty công nghệ vẫn đang diễn ra.
Ai là người thắng, ai là kẻ thua?
Tờ Sydney Morning Herald cho biết, các nhà xuất bản lớn như News Corp. có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ dự luật. Hiện, News Corp. đang hối thúc chính phủ Australia thông qua dự luật.
Phóng viên Casey Newton của tờ The Verge chỉ ra rằng, luật cũng không yêu cầu các nhà xuất bản phải chi bất kỳ khoản nào cho các phóng viên hoặc nỗ lực thu thập tin tức. Điều này đồng nghĩa với lợi nhuận có thể thuộc về các giám đốc điều hành một tập đoàn truyền thông hoặc các nhà đầu tư.
Các đối thủ cạnh tranh của Facebook và Google cũng có thể giành được lợi thế nếu thị phần của những gã khổng lồ này bị giảm đi - Chủ tịch Microsoft Brad Smith đã ủng hộ việc thông qua dự luật vào tuần trước.
Phản ứng của Facebook và Google
Trong tuyên bố của mình, Facebook cho rằng dự luật "về cơ bản đã hiểu sai" mối quan hệ giữa chính họ và các nhà xuất bản tin tức. Theo Facebook, các công ty báo chí được lợi nhiều hơn khi chia sẻ nội dung trên nền tảng của họ, bởi “tin tức chỉ chiếm chưa đến 4% nội dung mà người sử dụng mạng xã hội xem”, hơn nữa việc đăng tải đã giúp mang lại cho các nhà xuất bản của Australia doanh thu khoảng 315 triệu USD trong năm 2020.
Để phản đối dự luật, hôm qua (18/2) Facebook đã chặn các nhà xuất bản Australia chia sẻ hoặc đăng tải tin tức trên nền tảng xã hội này, chặn người dùng Australia xem bất kỳ thông tin nào (ngay cả từ các nhà xuất bản quốc tế) và chặn tất cả người dùng trên toàn thế giới xem tin tức của các nhà xuất bản Australia.
Trong khi Facebook duy trì quan điểm cứng rắn thì Google cho biết đã đàm phán về thỏa thuận chia sẻ doanh thu với các công ty truyền thông hàng đầu của Australia là Seven West, Nine Entertainment và News Corp.
Thất bại về mặt PR
Giáo sư Tama Leaver của Trường Truyền thông, Nghệ thuật Sáng tạo và Điều tra Xã hội thuộc Đại học Curtin nhận xét “phản ứng thái quá của Facebook” là một “bước đi tồi” trong việc quảng bá hình ảnh và trong lĩnh vực quan hệ công chúng.
CNBC dẫn lới ông Leaver cho biết: “Tôi cho rằng Facebook đã thất bại trong cuộc chiến PR khi áp dụng lệnh cấm quá rộng rãi như vậy. Nếu Facebook hy vọng điều đó sẽ khiến người dân Australia phải nhận thức về tầm quan trọng của họ thì Facebook đã nhầm. Có lẽ người Australia sẽ xem đây là hành động không quan tâm đến hậu quả đối với người dùng”.
Tuy nhiên, ông Tama Leaver cho rằng, Facebook cũng có một số lo ngại chính đáng về dự luật mới của Australia. “Facebook thực sự đã giúp thu hút rất nhiều sự chú ý cho các nội dung thông tin của Australia, vì thế họ có thể tuyên bố rằng họ đang mang lại lợi ích cho các nhà xuất bản tin tức của Australia”.
Theo chuyên gia này, chắc chắn sẽ còn cón nhiều cuộc tranh cãi về những giá trị lẫn lợi ích mà Facebook và các nhà xuất bản tin tức của Australia mang lại cho nhau. Ông dự đoán, Facebook cuối cùng có thế nối bước Google tiến hành đàm phán thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận với các công ty truyền thông.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"