Cuộc chiến giữa Apple và Samsung vừa tạm kết thúc, thì Nokia tiếp tục khơi mào một cuộc chiến tranh bản quyền mới.
Vài năm trở lại đây, chúng ta vẫn luôn nói về cuộc chiến bản quyền giữa Apple và Samsung, hai gã khổng lồ của làng di động thế giới. Cuộc chiến tranh này đã kéo dài tới 5 năm và tưởng như không có hồi kết, cho đến khi tòa án bác bỏ đơn kháng cáo và bắt Samsung bồi thường 120 triệu USD cho Apple.
Đó là mức tiền bồi thường khá hợp lý, so với yêu cầu 2,2 tỷ USD của Apple. Tuy nhiên điều khiến Samsung liên tiếp kháng cáo có lẽ không phải là khoản tiền 120 triệu USD, mà là việc các bằng sáng chế họ bị cáo buộc vi phạm đều là những bằng sáng chế rất cơ bản như trượt để mở khóa (slide-to-unlock), tính năng liên kết nhanh (quick links) và tự động sửa lỗi chính tả (auto-correct). Những tính năng mà mọi chiếc smartphone đều có.
Cuộc chiến tranh bằng sáng chế giữa Nokia và Apple lại tái diễn giống như năm 2009.
Trong khi cuộc chiến giữa Apple và Samsung vừa mới tạm kết thúc, một cuộc chiến tranh mới lại nổ ra. Lần này là do Nokia khởi kiện Apple, với cái cách mà Apple đã sử dụng để kiện Samsung 5 năm trước đây. Đó là những bằng sáng chế cơ bản mà mọi chiếc smartphone đều có.
Và lần này, Nokia thực sự muốn gây ra một cuộc chiến lớn. Khi mà hãng điện thoại Phần Lan đã đệ đơn kiện lên một loạt các tòa án tại Dusseldorf, Mannheim, Munich của Đức và tòa án Liên bang Texas. Sắp tới, Nokia sẽ tiếp tục đệ đơn kiện lên nhiều tòa án tại các quốc gia khác nữa.
Chuyên gia Matt Larson của Bloomberg Intelligence cho biết: “Đây thực sự là một cuộc chiến lớn, ảnh hưởng tới tiêu chuẩn của ngành kinh doanh cấp phép bằng sáng chế. Apple vẫn luôn chiến đấu để không phải trả những khoản tiền lớn cho việc cấp phép bằng sáng chế, còn Nokia lại quan tâm tới việc kiếm được càng nhiều tiền càng tốt từ mảng kinh doanh này”.
Nokia đang sống nhờ mảng kinh doanh cấp phép bằng sáng chế.
Cấp phép bằng sáng chế thực sự là một mảng kinh doanh nghiêm túc và đem lại nhiều doanh thu cho Nokia, sau khi công ty Phần Lan này từ bỏ mảng sản xuất điện thoại di động. Thậm chí Nokia đã mua lại Alcatel-Lucent để tăng cường số lượng bằng sáng chế sở hữu.
Trong Q3/2016, mảng kinh doanh này đã chiếm tới 40% tổng lợi nhuận của Nokia. Vì vậy mà công ty Phần Lan này sẽ tiếp tục đi kiện vi phạm bằng sáng chế, để kiếm lợi nhuận chứ không phải để bảo vệ các sản phẩm của mình.
Ngay sau khi Nokia đưa đơn kiện, Apple đã có câu trả lời của mình:
“Thật không may, Nokia từ chối cấp phép bằng sáng chế của họ dựa trên một cơ sở tiêu chuẩn (áp dụng cho các tiêu chuẩn kỹ thuật như kết nối Wi-Fi mà mọi thiết bị đều có). Thay vào đó, họ sử dụng chiến thuật Patent Troll để đòi hỏi những khoản phí cắt cổ đối với những bằng sáng chế của Apple, mà họ cho là giống với bằng sáng chế của họ. Chúng tôi đáng đứng lên để thay mặt cho các nhà phát minh ở khắp mọi nơi, đòi lại công bằng trước hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh trắng trợn này”.
Nokia và chiến thuật chơi xấu Apple
Nokia và đơn vị Alcatel-Lucent của họ đã đưa 2 đơn kiện với cáo buộc Apple vi phạm bằng sáng chế trên các sản phẩm bao gồm iPhone, iPad, iPod, Apple Watch, máy tính Mac và cả Apple TV. Trong đó có các bằng sáng chế liên quan đến giao diện người dùng, ăng-ten, màn hình hiển thị và mã hóa video.
Nokia đã không còn là một nhà sản xuất điện thoại di động như trước đây.
Tuy nhiên không chỉ cáo buộc Apple trực diện, mà một mặt khác Nokia còn câu kết với một số công ty khác để khởi kiện Apple. Theo cáo buộc của Apple, Nokia đã bắt tay với Core Wireless Sarl để kiện Apple vi phạm bằng sáng chế. Cuối tuần trước, Bồi thẩm đoàn đã phán quyết Apple phải bồi thường 7,3 triệu USD.
Người đứng đầu mảng doanh nghiệp cấp phép bằng sáng chế của Nokia, ông Ilkka Rahnasto tuyên bố: “Thông qua sự đầu tư bền vững của chúng tôi trong nghiên cứu và phát triển công nghệ, Nokia đã tạo ra và đóng góp rất nhiều công nghệ cơ bản mà hiện đang được sử dụng trong hầu hết các thiết bị di động hiện nay, bao gồm cả các thiết bị của Apple”.
Doanh thu cắt cổ
Trong năm 2011, Apple và Nokia đã đạt được thỏa thuận cấp bằng sáng chế chéo, chấm dứt cuộc chiến 2 năm trước. Nokia cũng ngừng sản xuất điện thoại di động ngay sau thỏa thuận, nhưng vẫn giữ lại các bằng sáng chế liên quan.
Apple cho rằng các yêu cầu của Nokia là quá đáng và sẽ kháng cao lên cấp tòa án cao hơn.
Apple cho biết sau thỏa thuận cấp bằng sáng chế chéo năm 2011, Nokia đã âm thầm thực hiện “kế hoạch bí mật” để kiếm thêm nhiều tiền hơn từ các bằng sáng chế, mà không có trong hiệp định đã ký kết. Apple cho rằng Nokia đang cố gắng chuyển mình trong tuyệt vọng, để kiếm thêm nhiều lợi nhuận hơn sau khi mảng sản xuất điện thoại di động thất bại. Chi tiết của kế hoạch này không được Apple tiết lộ, nhưng có thể là việc tăng thêm phí cấp phép sau những thành công của iPhone.
Đại diện Apple cho biết trong đơn khiếu nại của mình: “Họ đã thay đổi từ một công ty tập trung vào sản xuất điện thoại di động và thiết bị, để trở thành một công ty chuyên khai thác lợi nhuận từ các bằng sáng chế. Sai lầm là việc họ vẫn nghĩ mình là một hãng điện thoại di động có danh tiếng”.
Việc Nokia là đối thủ cạnh tranh của Apple trên thị trường điện thoại di động và việc Nokia chỉ là nhà cung cấp bằng sáng chế sẽ dẫn tới những quy định về việc cấp phép bằng sáng chế khác nhau, quy định về số tiền cấp phép cũng hoàn toàn khác nhau.
Theo Apple, Nokia vẫn đang tự nhận mình là một hãng điện thoại di động để đưa ra những khoản phí cấp phép bằng sáng chế cắt cổ đối với Apple. Trên thực tế thì Nokia không còn là một nhà sản xuất điện thoại di động nữa và không phải đối thủ cạnh tranh trực tiếp về sản phẩm đối với Apple, vì vậy các yêu cầu từ phía Nokia là không hợp lý.
Apple chắc chắn sẽ kháng cáo và mở ra một cuộc chiến tranh bản quyền mới của làng di động thế giới. Đặc biệt là khi Nokia sẽ quay trở lại thị trường di động vào năm 2017, cuộc chiến tranh này chắc chắn sẽ trở nên căng thẳng hơn rất nhiều.
Tham khảo: Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI