Mảnh đất màu mỡ Đông Nam Á đang trong tầm kiểm soát của Alibaba trong khi sức ảnh hưởng của Amazon cực kỳ hạn chế.
Một bên là Amazon, có trụ sở tại Mỹ, ông nội của các trang mua sắm qua internet và bên đối diện là "võ sĩ quyền anh hạng nặng" Alibaba của Trung Quốc. Cả hai đều thống trị tại thị trường quê nhà và đang muốn chinh phục những thị trường mới.
Những động thái cực kỳ mạnh mẽ tại Đông Nam Á của Alibaba, thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma, đã mang về khá nhiều thành công. Trong khi Amazon gần như dậm chân tại chỗ sau khi "chào sân" khu vực này bằng cách khai trương dịch vụ Prime Now tại Singapore vào tháng Bảy.
Đây không phải lần đầu hai gã khổng lồ này chạm trán nhau. Alibaba đã bắt đầu cạnh tranh với Amazon tại Mỹ giống như những gì Amazon đã làm với Alibaba tại Trung Quốc. Hai gã khổng lồ này cũng đang chạy đua với nhau tại Ấn Độ.
Họ sẽ đấu với nhau như thế nào và kết quả ra sao? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Cùng là thương mại điện tử nhưng Alibaba không giống Amazon
Mặc dù đều là hai công ty nổi bật nhất trong ngành thương mại điện tử nhưng Alibaba và Amazon có mô hình kinh doanh khác nhau.
Amazon, sáng lập bởi Jeff Bezos, bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng và giữ hàng hóa trong hệ thống nhà kho của mình.
Trong khi đó, Alibaba là một thị trường trực tuyến. Taobao, trang web lớn nhất của Alibaba, cung cấp nền tảng cho người mua và người bán giao dịch hàng hóa, giống như eBay. Alibaba không thu hoa hồng nhưng nếu muốn xuất hiện ở vị trí đẹp trong danh sách tìm kiếm người bán hàng phải trả tiền cho họ.
Alibaba cũng tạo ra trang Tmall cho những hãng bán lẻ lớn, nơi họ có thu hoa hồng, và AliExpress, một trang thương mại điện tử toàn cầu, cho người tiêu dùng trên toàn thế giới mua hàng của thương nhân Trung Quốc. Alibaba không có nhà kho riêng khiến việc kinh doanh của họ trở nên dễ dàng hơn.
Vài năm qua, Amazon cũng đã dần biến thành một thị trường mở, một chiến lược khiến họ phải giảm doanh số bán hàng. Họ cũng cho phép các thương nhân lưu hàng hóa ở kho của Amazon để việc vận chuyển cho khách hàng diễn ra nhanh hơn.
Cả hai hãng này đều thống trị tại thị trường quê nhà. Alibaba chiếm hơn 60% doanh số bán hàng online tại Trung Quốc trong khi Amazon chiếm gần 50% tại Mỹ. Đương nhiên, mở rộng ra những thị trường mới là chiến lược hợp lý tiếp theo của cả hai ông lớn này.
Và chiến lược này thúc đẩy họ tìm kiếm những thị trường mới, kể cả xâm chiếm "sân nhà" của nhau. Alibaba đã triển khai dịch vụ điện toán đám mây của mình tại Mỹ để cạnh tranh với Amazon Web Services và đầu tư vào một số hãng công nghệ Mỹ. Về phần mình, Amazon triển khai dịch vụ phân phối Amazon Prime, cung cấp nhạc và video cũng như những lợi ích khác tại Trung Quốc. Tại Ấn Độ, Amazon đang cạnh tranh quyết liệt với Paytm và Snapdeal, những hãng được Alibaba đầu tư, và những đối thủ lớn khác như Flipkart.
Một cuộc chiến lớn
Hai gã khổng lồ này sẽ sớm đụng độ nhau tại Đông Nam Á, nơi mà theo số liệu năm ngoái có hơn 600 triệu người tiêu dùng. Dự kiến mua sắm online sẽ phát triển bùng nổ tại Đông Nam Á do sự phổ biến của smartphone và số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh mẽ. Năm 2016, mua sắm online chỉ chiếm chưa tới 5% tổng sản lượng bán lẻ trong khu vực.
Nhưng đây cũng là một chiến trường đầy chông gai. Đông Nam Á là một khu vực đa dạng và phân tán, mỗi quốc gia có một nét đặc trưng riêng. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cần điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa địa phương và sử dụng một loạt chiến lược marketing. Luật nhập khẩu khác nhau, cơ sở hạ tầng nghèo nàn... của các quốc gia tại đây cũng khiến việc vận chuyển và giao hàng bị chậm và tốn kém hơn. Với những quốc gia trải dài trên nhiều hòn đảo như Indonesia và Philippines thì việc giao hàng lại càng trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, Aliaba không hề bận tâm. Hãng công nghệ của Jack Ma đã tìm ra một cách hoàn hảo để thâm nhập thị trường Đông Nam Á: Thâu tóm.
Năm 2016, Ant Financial của Jack Ma, hãng điều hành ví di động Alipay, đã đầu tư vào M-Daq của Singapore để ra mắt một sản phẩm giao dịch ngoại hối cho thương mại điện tử giúp những thương vụ xuyên biên giới của các thương gia trở nên ít tốn kém hơn. Cùng thời điểm đó, Ant Financial đã đầu tư vào startup thanh toán có tên Ascend Money đang hoạt động tại Thái Lan, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Myanmar và Campuchia.
Ant Financial cũng mua cổ phần của Singpost vì một lý do khá hiển nhiên, Singpost có kinh nghiệm vận chuyển hàng đi khắp các vùng của châu Á. Về mảng mua sắm, Alibaba đã lặng lẽ xây dựng một đế chế bằng cách giành quyền kiểm soát Lazada của Rocket Internet và đang chuẩn bị mua lại cửa hàng tạp hóa trực tuyến Redmart.
Lazada, được mệnh danh là một bản sao của Amazon trong khu vực Đông Nam Á, hiện đang chiếm hầu hết thị phần tại 6 thị trường mà nó đang hoạt động. Trong khi đó, Redmart có khả năng trữ hàng và các kênh phân phối mạnh mẽ. Thâu tóm xong các công ty bản địa, Alibaba bất ngờ có lợi thế "sân nhà" trước Amazon.
Trước đó, Amazon cũng muốn thâm nhập Đông Nam Á bằng con đường thâu tóm startup bản địa. Gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ đã tiếp cận Redmart tuy nhiên cuộc đàm phán giữa hai bên đã sụp đổ.
Thông tin về việc Amazon triển khai hoạt động tại Đông Nam Á xuất hiện từ Q1/2017. Theo TechCrunch, Amazon sẽ bắt đầu từ Singapore, thị trường có mức chi tiêu và văn hóa tiêu dùng giống với phương Tây nhất. Thêm vào đó, các động thái như lặng lẽ mua xe tải có thùng lạnh và thuê nhân sự mới cho thấy Amazon muốn gây dựng mọi thứ từ đầu.
Tháng 7 vừa rồi, Amazon chính thức triển khai dịch vụ Prime Now, giao hàng trong 2 tiếng tại Singapore. Tuy nhiên, khởi đầu của Amazon không được suôn sẻ cho lắm khi thời điểm ấy Lazada đã gần như thâu tóm toàn bộ thị trường.
Kết
Những bước đi đầu tiên của Amazon tại Đông Nam Á tưởng dễ dàng hóa ra lại khá chật vật. 2 tiếng giao hàng của Prime Now có vẻ quá chậm với người dân quốc đảo Singapore khi chỉ tại đây có quá nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại. Trong năm 2016, doanh số bán lẻ trực tuyến chỉ chiếm 4,6% trong khi tại Mỹ và Anh là 10% và 15%.
Trước đối thủ Lazada của Alibaba, Amazon quá nhỏ bé. Hiện tại Lazada cung cấp tới hơn 30 triệu sản phẩm trong khi con số này của Amazon chỉ là vài chục ngàn. Về khách hàng, Lazada có tới 6,6 triệu khách hàng thường xuyên mỗi tháng và số lượng đơn đặt hàng đã tăng gấp ba trong năm 2016.
Dẫu vậy, với nguồn lực tài chính của mình, Amazon đủ sức để tiếp tục duy trì cuộc chiến với Alibaba tại Đông Nam Á. Sự cạnh tranh giữa hai gã khổng lồ này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng trong khu vực. Càng có nhiều hãng tham gia thị trường, người tiêu dùng Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam, sẽ càng có nhiều lựa chọn hơn, chất lượng hàng hóa tốt hơn, mức giá và dịch vụ tốt hơn cùng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Nhưng "trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết", các cửa hàng bán lẻ truyền thống, doanh nghiệp thương mại điện tử nhỏ sẽ phải chịu thiệt hại khi Amazon và Alibaba quyết chiến với nhau.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín