Cuộc chiến Ubisoft – Cracker ngày càng nóng bỏng

    PV, Gia Khanh - Tổng hợp 

    Đến thời điểm này, các cracker vẫn đang bó tay trước hai tựa game PC mới phát hành của hãng này.

    Trên trang Twitter của mình, Ubisoft đã viết như sau: “Chúng tôi rất tự hào khi nói rằng Assassin’s Creed 2 và Silent Hunter 5 đang đứng vững trước các nỗ lực nhằm crack chúng. Chúng tôi đã nghe được các lời đồn đại nhưng vẫn xác nhận rằng hiện chưa hề có một phiên bản game hack hẳn hoi nào tồn tại”.
     
     
    Vào cuối tuần trước, những game thủ sở hữu đĩa có bản quyền của Assassin’s Creed 2 đã không thể connect vào server và chơi game. Ngoài ra, người dùng cũng gặp tình trạng đăng nhập quá chậm, mất hoặc không thể tải các file lưu game trên server. Người ta đã cho rằng chính biện pháp DRM nhằm bảo vệ bản quyền của Ubisoft gây ra tình trạng này.
     
    Tuy vậy, ngay sau đó, Ubisoft đã lên tiếng phủ nhận và cho biết tình trạng đó là do các server của họ đang bị tấn công. Họ cũng xin lỗi các khách hàng chịu ảnh hưởng và cho biết những người đang chơi game sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nhưng các khách hàng mới bắt đầu chơi sẽ gặp nhiều khó khăn.
     
     
    Việc các server của Ubisoft tạm ngừng hoạt động không chỉ khiến hãng game này cũng như các game thủ bực tức mà còn gây trở ngại cho chính các… cracker. Việc không thể chơi game khiến họ tạm thời mất đi cơ hội tìm hiểu cấu trúc và cách thức hoạt động của biện pháp chống vi phạm bản quyền mà Ubisoft sử dụng.
     
    Cách đây vài ngày, nhóm cracker nổi tiếng Razor1911 đã gửi một thông điệp tới giới game thủ trong đó cho biết họ dự định chậm nhất là ngày 07/03 (tính theo múi giờ Mỹ) sẽ ra mắt bản crack hoàn chỉnh của Assassin’s Creed 2. Tuy nhiên tới thời điểm này vẫn chưa có bản crack toàn vẹn nào được tung ra theo đúng những gì Ubisoft xác nhận.
     
     
    Dù gặp nhiều phản đối và một số trục trặc trong quá trình hoạt động nhưng phải thừa nhận rằng biện pháp của Ubisoft đã có thành công bước đầu. Dù rất khó để các game trên PC miễn nhiễm với cracker nhưng nếu cầm chân được thêm vài tuần nữa, Ubisoft cũng sẽ thu hút được không ít khách hàng mới, những người không đủ kiên nhẫn để chờ bản game crack.
     
    Tại Việt Nam, nơi tình trạng vi phạm bản quyền game là điều được xem như tất nhiên, các game thủ cũng đang rất háo hức chờ đợi kết quả cuộc chiến giữa Ubisoft với Razor1911 và các nhóm cracker khác. Nếu các cracker “chiến thắng”, họ sẽ lại có game lậu để chơi nhưng về lâu dài, hoàn toàn có khả năng rời bỏ mảnh đất PC cằn cỗi.
     
     
    Càng ngày nạn vi phạm bản quyền càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp game. Chi phí làm game đã tăng vọt trong những năm gần đây trong khi sự cạnh tranh cũng lớn dần theo năm tháng và các hãng game không thể chấp nhận việc sản phẩm của mình bị đánh cắp một cách trắng trợn.
     
    Trước đây, cảnh sát cũng đã từng nhiều lần vào cuộc săn lùng các cracker và không ít nhân vật thuộc giới này đã bị bắt do các hành vi của mình. Tương tự như giới hacker, họ có thể là người hùng trong mắt một số công dân của thế giới ảo nhưng lại là tội phạm trong đời thực.