Cuộc đấu của kỳ thủ số 1 thế giới với Deep Blue: Lằn ranh giữa thành công và thất bại đôi khi chỉ là TỰ TIN
Anh không thể hiểu nổi. Tại sao máy tính lại đi nước đó? Hay là nước đi lỗi? Trong ván 2, Deep Blue lại đi một nước không thể lý giải khác, và kỳ thủ Garry Kasparov đầu hàng...
Anh không thể hiểu nổi. Tại sao máy tính lại đi nước đó?
Mắt anh nhìn đồng hồ. Anh không muốn phí phạm thời gian vào một nước duy nhất, nhưng nước này thật sự khiến anh cảm thấy khó chịu.
Đó là năm 1997. Garry Kasparov, kỳ thủ vĩ đại nhất thế giới khi ấy, đang chơi với Deep Blue, một siêu máy tính của IBM trong khi cả thế giới đều ngóng theo.
Thật ra, đó là một trận tái đấu. Kasparov đã thắng trận đấu năm ngoái dễ dàng, khi chỉ để thua 1 trong 6 ván. Nhưng Deep Blue không phải một tay mơ. Dù đã thua trận trước Kasparov năm ngoái, nó đã thắng ván đầu tiên trong 6 ván ấy. Và đội ngũ kỹ sư được cấp vốn dồi dào của IBM cũng đã học hỏi được rất nhiều điều kể từ trận thua trước, đã dành cả năm trời mài dũa phần mềm bên trong.
Bất chấp việc đó, Kasparov vẫn tự tin. Cố vấn cờ vua của IBM, Joel Benjamin, chia sẻ, "Anh ta rõ ràng có một cái tôi lành mạnh, và nhìn chung, đó là một nhân tố tích cực đối với các nhà vô địch. Thà là quá tự tin còn hơn là thiếu tự tin."
Nhưng ngay tại thời điểm đó, cỗ máy đang làm cho Kasparov chết lặng. Đó là nước đi thứ 44 trong ván đầu tiên. Lần hiếm hoi trong đời, Kasparov không thể hiểu tại sao đối thủ lại muốn đi như thế.
Tâm trí anh cứ mãi nghĩ về nước này. Và đồng hồ vẫn đang đếm giây.
Hay là nước đi lỗi? Câu hỏi đó thật nguy hiểm. Đối với Kasparov, việc quy kết rằng đối thủ đang phạm sai lầm mỗi lần anh không hiểu nước đi của họ thì quả là tự cao tự đại và lười biếng. Đánh giá thấp cỗ máy đó chỉ vì anh đã thắng vào năm ngoái là cách nghĩ hơi quá đơn giản. Kasparov nghĩ rằng có thể nó đang tính toán gì đó mà mình không đủ thông minh để nhận ra.
Nước đi thứ 44 đó cuối cùng cũng không ảnh hưởng gì đến kết quả ván đấu. Kasparov vẫn thắng nhưng anh hoang mang thấy rõ.
Trong ván 2, Deep Blue lại đi một nước không thể lý giải khác. Nước này tạo ra lợi thế cho Kasparov, nhưng nó một lần nữa nó không hợp lý chút nào…trừ khi cỗ máy thông minh hơn anh nghĩ. Anh cựa quậy một cách thiếu thoải mái trên ghế ngồi. Sau vài nước nữa, mọi người đều nhận thấy nhà vô địch không thể thắng, nhưng vẫn có thể hoà.
Thế nhưng, anh đầu hàng.
Trong những ván đầu còn lại, phong cách chơi của Kasparov thay đổi hoàn toàn. Anh trở lên phòng vệ thụ động thay vì tấn công. Ván 3, 4 và 5 kết thúc với kết quả hoà. Và trong ván 6, anh phạm lỗi sơ đẳng. Đó chính là dấu hiệu tuột dốc. Kasparov thua ván này và thất bại chung cuộc.
Vì đâu máy tính đánh bại con người trong cuộc đấu cờ vua?
Máy móc cuối cùng cũng đã đánh bại con người. Nhưng liệu Deep Blue có phải một cỗ máy tài năng thế? Liệu nó sử dụng được những chiến lược mà ngay cả đại kiện tướng cũng không lường được?
Không hề. Thực ra, điều ngược lại mới chính xác. Nước đi không thể giải thích được trong ván đầu tiên và thứ hai chính là do một lỗi phần mềm. Một lỗi trong mã lập trình.
IBM đã lập trình một chốt an toàn (failsafe) cho những tình huống như thế. Để ngăn cỗ máy tiêu tốn quá nhiều thời gian trong quá trình "bí" nước đi, nó được lập trình để đi một nước hoàn toàn ngẫu nhiên. Đó chính là những gì nó đã thực hiện khi đi hai nước không hợp lý đó.
Dĩ nhiên, Kasparov không hề biết chuyện này. Anh nhìn thấy nước đi đó và tưởng rằng Deep Blue biết rõ nó đang làm gì – còn anh thì không. Và điều đó làm anh nao núng.
Anh nghĩ nước đi ngẫu nhiên của máy tính là nước đi của thiên tài, như một sự tự tin trắng trợn, như bằng chứng nó thông minh hơn anh. Và sự mất tự tin ấy đã dẫn đến thất bại của anh.
Như những bình luận viên sau đó đã chỉ ra, Kasparov hoàn toàn có thể hoà ở ván thứ hai, nhưng vì cảm thấy mình đã bị đánh bại nên anh chủ động đầu hàng. Anh mất tự tin vào khả năng của mình và cho rằng máy móc hiểu biết nhiều hơn.
Thông thường thì Kasparov có thể nhìn vào mắt đối thủ để cố gắng đọc ý nghĩ. Kiểu như liệu hắn có đang lừa mình. Nhưng Deep Blue là một cỗ máy và không bao giờ nao núng. Deep Blue thậm chí còn chẳng có khả năng nao núng. Nó làm lung lay sự tự tin của Kasparov từ đầu đến cuối trong cuộc thư hùng năm nào.
Vậy nên, hãy tự tin lên nào. Bởi vì đôi lúc chỉ cần có vẻ tự tin thôi cũng có thể tạo nên khác biết giữa thắng vào thua, giữa làm được và không làm được, giữa thành công và thất bại.
* Câu chuyện của Kasparov được kể trong cuốn sách "Chó sủa nhầm cây" của tác giả Eric Barker.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"