Cuộc đối đầu của giới siêu giàu: Tỷ phú Richard Branson muốn vượt mặt Jeff Bezos trong cuộc đua không gian
Jeff Bezos dự định bay vào không gian vào ngày 20/07, nhưng tỷ phú Richard Branson có thể sẽ là người thực hiện điều này trước bằng chính con tàu của hãng Virgin Galactic do ông sáng lập.
Ban lãnh đạo Virgin Galactic trước đó đã tuyên bố công ty sẽ tiến hành thêm ba chuyến bay vũ trụ nữa để hoàn tất quá trình thử nghiệm phát triển tàu vũ trụ VSS Unity. Công ty đang cố gắng làm việc để bắt đầu tiến hành chở khách có thu phí vào đầu năm 2022, sau khi đã thực hiện một nhiệm vụ thành công vào tháng trước bằng chuyến bay vào không gian với chỉ hai phi công trên tàu.
Theo kế hoạch đó, chuyến đầu tiên trong số ba chuyến bay tiếp theo sẽ chở bốn hành khách để thử nghiệm khoang tàu vũ trụ, chuyến thứ hai là với Branson và chuyến thứ ba sẽ chở các thành viên của lực lượng không quân Ý để đào tạo phi hành gia chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, một bài viết vào đầu tháng này của một blogger có trụ sở tại Mojave, California - nơi Virgin Galactic sản xuất các phương tiện của mình - cho biết công ty đang xem xét sắp xếp lại lịch trình bay của mình để đưa Branson vào không gian trong chuyến tiếp theo, thay vì trên chuyến thứ hai. Bài viết được đưa ra ngay sau khi Bezos tuyên bố sẽ bay trên chuyến bay chở khách đầu tiên của Blue Origin, dự kiến được tiến hành vào ngày 20/07 – một điều cho thấy rằng Branson có thể đang cố gắng đánh bại Bezos bằng cách đích thân bay vào vũ trụ vào ngày 4/07.
Virgin Galactic đã không xác nhận hay phủ nhận họ có đang xem xét việc tổ chức lại lịch trình bay vũ trụ của mình hay không.
"Tôi biết có rất nhiều sự quan tâm và suy đoán ở đó nhưng chúng tôi chưa công bố ngày tháng cũng như những người sẽ tham gia vào các chuyến bay đó. Chúng tôi có ba chuyến bay nữa trong chương trình bay thử nghiệm của mình và chúng tôi đang và sẽ tiếp tục đi trên con đường đó", CEO Michael Colglazier nói.
Hãng Virgin Galactic của tỷ phú Branson được thành lập vào năm 2004 còn Blue Origin của và Bezos được thành lập vào năm 2000. Hai công ty này đang cạnh tranh để đưa hành khách trên các chuyến bay ngắn đến rìa không gian, một lĩnh vực được gọi là "du lịch dưới quỹ đạo". Các tàu vũ trụ của hai công ty này sẽ đạt tới độ cao khoảng 80 km đến 100 km và trải qua vài phút lơ lửng trong môi trường vi trọng lực.
Cổ phiếu của Virgin Galactic đã tăng hơn 30% trong giao dịch vào thứ Sáu, sau khi công ty thông báo rằng FAA (Cục hàng không liên bang) đã cấp cho họ giấy phép cần thiết để chở hành khách trên các chuyến bay vũ trụ trong tương lai.
Colglazier nhấn mạnh rằng "chuyến bay ngày 22/05 là rất thành công đối với chúng tôi" và với sự chấp thuận của FAA hiện có trong tay, Virgin Galactic đang chuyển "sự chú ý của mình sang làm rõ khi nào chúng tôi sẽ sẵn sàng cho chuyến bay tiếp theo".
Mặc dù Virgin Galactic hy vọng cuối cùng sẽ có nhiều chuyến bay mỗi tuần, nhưng hiện tại VSS Unity là tàu vũ trụ duy nhất hoạt động trong đội bay của công ty, khiến thời gian quay vòng trở thành yếu tố then chốt nếu Branson muốn bay vào không gian trước ngày 20/07.
Hơn hai năm trước, khi Virgin Galactic thực hiện chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên và thứ hai, công ty đã mất 71 ngày để quay vòng giữa các lần tiến hành.
Để có được chuyến bay vũ trụ tiếp theo vào ngày 04/07, họ phải chuẩn bị cho con tàu vũ trụ chỉ trong 43 ngày. Nhưng thời gian quay vòng là 71 ngày có nghĩa là chuyến bay vũ trụ tiếp theo của Virgin Galactic sẽ rơi vào ngày 01/08, một vài tuần sau lịch bay theo dự định bay của Bezos.
Tuy nhiên, Virgin Galactic đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm bằng tên lửa đẩy nhanh hơn trước đây. Khi công ty đang tăng cường thử nghiệm vào năm 2018, họ đã dùng VSS Unity trên ba chuyến bay bằng tên lửa đẩy có độ cao ngày càng tăng khi họ tiến gần hơn đến không gian. Trong ba chuyến bay bằng tên lửa đẩy đó - được tiến hành vào ngày 05/04, 29/05 và 26/07/2018 - công ty lần lượt mất 54 ngày và 58 ngày để quay vòng VSS Unity.
Việc bay vào không gian trước ngày 20/07 sẽ đòi hỏi Virgin Galactic chuẩn bị VSS Unity trong 58 ngày hoặc ít hơn – nghĩa là nhanh hơn trước đây.
Hiện tại, Colglazier cho rằng đây "không phải là thời điểm" để nói về thời gian của chuyến bay vũ trụ tiếp theo.
"Chúng tôi tiếp cận vấn đề này một cách rất có phương pháp, coi an toàn là yếu tố đầu tiên và khi chúng tôi đã kiểm tra mọi chuyện và thực hiện tất cả các bước, đó là lúc chúng tôi có thể tiếp tục và thông báo", Colglazier nói.
Tham khảo: CNBC
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming