Cuộc đua giảm giá của truyền hình trả tiền: Đôi bên cùng có lợi

    PV,  

    Mấy tháng nay, thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam xuất hiện cuộc đua giảm giá khá rõ. Việc những thương hiệu lớn như VTVcab, SCTV, VTC, VSTV… liên tục đưa ra hình thức khuyến mãi đặc biệt, sau sự xuất hiện của "thiếu gia" Viettel trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, cho thấy cuộc đua tranh giành thị trường đang vào hồi nóng nhất kể từ trước tới nay. Qua những gì đang diễn ra, có thể thấy điều gì?

    Cuộc đua giảm giá của truyền hình trả tiền: Đôi bên cùng có lợi

    Tính đến thời điểm trước khi xuất hiện hiện tượng kể trên, có nhận định rằng thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển khá tự phát dù các điều luật điều chỉnh hoạt động trong lĩnh vực này không thiếu, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý đã được xác định cụ thể. Trong bối cảnh ấy, có thể nói gì về hai phía liên quan trực tiếp tới sự phát triển của truyền hình trả tiền ở Việt Nam - bao gồm người tiêu dùng và phía cung cấp dịch vụ nói chung?

    Người ta nói rằng đó là một thời kỳ mà cả người dùng dịch vụ và nhà cung cấp đều được hưởng lợi - nghe có vẻ thiếu lô gíc nhưng sự thật là vậy.

    Người dùng dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam đã được lợi riêng - không chính đáng - nhờ sự quản lý lỏng lẻo của nhà cung cấp dịch vụ. Cho tới thời điểm này, với mạng VTVcab, nhà cung cấp chắc chắn không thể đánh giá chính xác về các thuê bao của mình, như là có bao nhiêu thuê bao đã đấu nối dịch vụ trái quy định (chia tín hiệu đến nhiều ti vi nhưng chỉ trả phí sử dụng 1 ti vi), bao nhiêu trường hợp "câu trộm" (sử dụng dịch vụ nhưng không đăng ký, không trả phí thuê bao)… Với truyền hình kỹ thuật số VTC, rất nhiều người hiện vẫn sử dụng dịch vụ của đơn vị này dù đã dừng trả phí thuê bao từ nhiều năm nay. Họ dùng những đầu thu cũ của VTC, được lưu hành từ gần chục năm trước và giờ vẫn có thể nhận tín hiệu từ vài chục kênh "thông thường" của đài này. Truyền hình cáp của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội cũng lâm vào tình trạng thất thoát phí thuê bao. Như tại một khu đô thị mới ở quận Hà Đông - Hà Nội, một số chủ hộ nói rằng họ đã sử dụng tín hiệu từ mạng cáp này vài năm nay nhưng chưa một lần phải trả phí thuê bao, phí đăng ký dịch vụ ngoài khoản tiền "chung chi" để kéo cáp về căn hộ của mình.

    Hơn một năm nay, đã có một cuộc tranh luận về sự tăng mức phí thuê bao VTVcab, SCTV… Nhiều người đã tỏ ý bất bình, dù thực tế là mức tăng trong vòng 3 năm trở lại đây đã "đứng" ở con số 110.000 đồng/tháng/thuê bao (gồm cả thuế), đổi lại là hệ thống kênh đủ đáp ứng nhu cầu giải trí cơ bản. Nếu so với mức phí dịch vụ cao ngất ngưởng của K , cái giá phải trả cho việc sử dụng đa số dịch vụ truyền hình trả tiền khác rõ ràng chỉ là "phải chăng".

    Những năm qua, các hãng dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam được "lợi" gì không? Câu trả lời là có, nhờ sự "thoáng" của thị trường và đặc biệt là nhờ bối cảnh chung mà ở đó, một số quyền cơ bản của người tiêu dùng chưa được quan tâm đầy đủ - xét từ sự hỗ trợ trong thực tế của cơ quan quản lý nói chung. Cho tới hiện tại, trong mối quan hệ giữa người tiêu dùng và phía cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, thực chất là quan hệ mua - bán, thường phổ biến đòi hỏi, yêu cầu, quy định từ phía cung cấp dịch vụ, còn sức ép từ người tiêu dùng (chủ yếu là thông qua yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ) là không đáng kể. Nhiều người sử dụng dịch vụ truyền hình cáp (không riêng hãng nào) phàn nàn rằng tín hiệu thường gián đoạn, có khi "mất" trong nửa ngày liền mà không thể làm gì nhà cung cấp dịch vụ. Với nhiều trường hợp khác, người tiêu dùng không thể chuyển đổi dịch vụ một cách dễ dàng khi nhận thấy mạng cáp mình đã chọn không còn đáp ứng được nhu cầu, đơn giản là do tình trạng "cát cứ" của nhà cung cấp dịch vụ có "đặc quyền" về truyền dẫn ở một số khu dân cư, đặc biệt là tại các chung cư mới xây dựng. Tình trạng phụ thuộc của người tiêu dùng đem lại mối lợi không chính đáng cho nhà cung cấp, đơn giản là họ không chịu nhiều sức ép phải nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện chất lượng hạ tầng kỹ thuật, nhờ thế mà ít tốn kém hơn…

    Gần đây, nhiều nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam có động thái giảm giá dịch vụ, thường thấy là các hình thức khuyến mãi. Như VTVcab loan báo bán đầu thu HD với giá thấp, chỉ 499.000 đồng, tương đương với đầu thu HD của SCTV (giá 500.000 đồng) - rẻ hơn nhiều so với đầu thu HD và thậm chí là đầu thu SD của K . VTC HD cũng có động thái giảm giá, dù mức giá hiện tại vẫn được cho là khá cao… Động thái giảm giá, tăng cường dạng thức khuyến mãi của nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong ít ngày qua cho thấy sức cạnh tranh trong lĩnh vực này đã vào hồi quyết liệt. Tuy thế, liệu đã tới lúc phía cung cấp dịch vụ tự thấy phải chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ nói chung để thu hút người dùng thay vì thói quen kinh doanh dựa trên sự độc quyền ở dạng này hay dạng khác?

    Rất khó hy vọng có ngay được điều đó trong tương lai gần.

    VTVcab dường như đang chú trọng phát triển thuê bao sử dụng đầu thu HD, SCTV và VTC cũng vậy. K mở một số gói khuyến mãi, về cơ bản vẫn có giá đắt nếu tính đến việc người sử dụng mỗi gói cụ thể có thể xem được những gì. K có vẻ đang tập trung gói khuyến mãi dành cho thuê bao các gói ngoài HD, trong bối cảnh hệ chương trình HD của nhãn hàng này đang bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 15-5-2013, theo đó một số kênh truyền hình nước ngoài không có giấy phép biên tập sẽ không được phép phát sóng. Trong thực tế, đến ngày hôm qua, 2-6-2013, K vẫn chưa thể phát lại rất nhiều kênh, trong đó có một số kênh hot như LUXE TV, MMG Chanel, Diva Universal, Ariang TV, TLC… Với một số kênh HD rất hay (có ở nhiều hãng cung cấp dịch vụ chứ không riêng gì K ) thuộc số kênh HD vốn dĩ ít ỏi trong gói thuê bao HD rất đắt đỏ của K , như Discovery HDWORLD HD, NGC HD kể từ sau ngày 15-5-2013 đã không còn được phát với chất lượng chuẩn HD nữa. Như vậy, nếu so với gói dịch vụ truyền hình độ nét cao của VTC, VTVcab, SCTV thì K HD là gói thuê bao có số kênh HD ít nhất, giá thuê bao đắt đỏ nhất. Trong điều kiện ấy, phải chăng K vẫn có thể ung dung nhờ vào "con bài tủ" K 1 và K NS dựa trên các gói độc quyền Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh trong ba mùa bóng sắp tới?

    Hy vọng gì khi sự minh bạch trong cách thức kinh doanh của phía cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền vẫn còn là dấu hỏi? Những thuê bao K HD có thể tự hỏi họ bỏ ra cả đống tiền cho gói này để làm gì khi số kênh HD của nhãn hàng này ít đến thế. Người ta cũng có thể tự hỏi là sau khi có hàng chục kênh nước ngoài biến mất trên sóng K và không có tuyên bố cụ thể về thời hạn mà chúng có thể xuất hiện trở lại trên sóng K , cả với định dạng HD và SD, liệu nhà cung cấp dịch vụ có nên nhận trách nhiệm bằng việc hạ giá thuê bao và giá đầu thu cho phù hợp với lượng kênh truyền hình ít ỏi được lên sóng của họ? Với những mạng cáp hiện hành, phía cung cấp dịch vụ cần phải đưa ra hạn mức về số giờ mất tín hiệu mà không có lý do chính đáng (như mất điện ở khu vực có trạm thu phát), trên cơ sở đó tính toán phí thuê bao tháng một cách phù hợp hơn.

    Hệ văn bản pháp quy về truyền hình trả tiền đang trong quá trình hoàn thiện nhưng điều đó không ngăn cản nhà quản lý quan tâm sâu sắc hơn nữa tới quyền lợi của người tiêu dùng, đơn giản bằng cách yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ một cách minh bạch, nhất là có biện pháp kiểm tra, giám sát sự thể hiện đó. Những kinh nghiệm về chống độc quyền trong lĩnh vực truyền hình trả tiền tại một số nước cũng cần được nghiên cứu áp dụng nhằm tránh hệ lụy không đáng có như đã thấy ở Việt Nam trong thời gian vừa qua, điển hình là việc K độc quyền một hoặc nhiều gói bản quyền truyền hình Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh.

    Theo Lê Huy Anh
    Hà Nội Mới

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ