Cuộc đua "tam mã" của chuỗi nhà thuốc Việt dần ngã ngũ: Long Châu phả hơi nóng vào đối thủ, An Khang đứng trước cuộc “đại phẫu” đóng cửa hơn 200 điểm bán, Pharmacity làm gì để tìm lại hào quang?

    Thảo Vân,  

    Trái ngược với Long Châu không ngừng “bành trướng” khi liên tục mở mới điểm bán, An Khang và Pharmacity lại thu mình nhằm tinh gọn mạng lưới và tái cấu trúc.

    Cuộc đua "tam mã" của chuỗi nhà thuốc Việt dần ngã ngũ: Long Châu phả hơi nóng vào đối thủ, An Khang đứng trước cuộc “đại phẫu” đóng cửa hơn 200 điểm bán, Pharmacity làm gì để tìm lại hào quang?- Ảnh 1.

    Trong giai đoạn 2018-2022, khi thị trường Việt Nam mới bùng nổ mô hình nhà thuốc, Pharmacity luôn duy trì được khoảng cách với nhóm bám đuổi.

    Thời điểm tháng 5/2019, Pharmacity có 200 nhà thuốc, hơn gấp ba lần so với 68 nhà thuốc của Long Châu và gấp 10 lần so với An Khang ở cùng thời điểm. Ở thời hoàng kim nhất – hồi tháng 10/2022, Pharmacity vẫn là chuỗi nhà thuốc quy mô lớn nhất Việt Nam, bỏ xa Long Châu và An Khang.

    Thế nhưng, gió đảo chiều vào đầu năm 2023. Đến tháng 2/2023, Long Châu vượt qua Pharmacity về số lượng điểm bán và không ngừng tăng trưởng. Còn Pharmacity, chuỗi này trải qua 18 tháng gập ghềnh với hai lần đổi ghế nóng. Trong khi, An Khang cũng buộc phải “giảm lượng, tăng chất”, đóng bớt các điểm bán không hiệu quả.

    Cuộc đua "tam mã" của chuỗi nhà thuốc Việt dần ngã ngũ: Long Châu phả hơi nóng vào đối thủ, An Khang đứng trước cuộc “đại phẫu” đóng cửa hơn 200 điểm bán, Pharmacity làm gì để tìm lại hào quang?- Ảnh 2.

    Long Châu làm cách nào để mở rộng thần tốc?

    6 tháng đầu năm 2024, doanh thu chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu ghi nhận 11.521 tỷ đồng, chiếm 63% doanh thu FRT. Tính đến 30/6, FPT Retail sở hữu mạng lưới 2.435 cửa hàng trên cả nước, trong đó, Long Châu đạt 1.706 nhà thuốc. Riêng quý II/2024, công ty mở rộng mạng lưới tiêm chủng vaccine Long Châu với 36 cơ sở mở mới, đạt 87 trung tâm tại 40 tỉnh thành.

    Theo kế hoạch, trong năm 2024, FPT Retail sẽ mở thêm 400 nhà thuốc để nâng tổng số cơ sở của Long Châu lên 1.900, mục tiêu mang về doanh thu từ 20.000 đến 22.000 tỷ đồng.

    Nói về bí quyết để “chạy nhanh” nhưng không phải gồng lỗ, tại Đại hội cổ đông năm 2024, bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch FPT Retail cho rằng, quy mô chuỗi lớn cộng với hệ thống công nghệ mạnh giúp một cửa hàng Long Châu rút ngắn thời gian đến điểm hòa vốn, tăng doanh số qua từng năm.

    Ở khía cạnh khác, nhờ đầu tư nghiêm túc vào hệ thống công nghệ như AI, machine learning và big data trong 3 năm qua, Long Châu giải quyết được bài toán về hàng tồn kho – thất thoát. Đây là một trong những vấn đề đau đầu nhất của các chuỗi bán lẻ - đặc biệt là mảng dược phẩm, do đặc thù ngành.

    Theo lãnh đạo của Long Châu, sau khi chuỗi đạt con số 1.000, áp lực quản lý hàng tồn kho là rất kinh khủng bởi đặc thù ngành thuốc với số lượng SKU lớn – vài chục nghìn sản phẩm kèm cơ cấu phức tạp thuốc viên trong hộp/thuốc vỉ/thuốc nước).

    "Hiện hệ thống công nghệ của chúng tôi đã được nâng cấp lên thế hệ thứ ba. Nhờ vậy, có thể cung cấp danh mục/số lượng thuốc cho từng cửa hàng cụ thể theo đúng loại – đúng người – đúng thời gian”, bà Nguyễn Đỗ Quyên – Giám đốc điều hành FPT Retail nói tại Đại hội cổ đông.

    Long Châu cũng tự tin với lợi thế cung cấp đủ thuốc theo toa bác sĩ của họ rất khó để các đối thủ bắt chước. Bởi họ đã đầu tư vào công nghệ nhằm thu thập thông tin đơn thuốc và các loại thuốc mới nhất, cập nhật gần như real-time những điều chỉnh đơn thuốc liên tục của bác sĩ ở các bệnh viện lớn. Quy mô chuỗi lớn nhất thị trường cũng giúp Long Châu được các hãng dược ưu ái phân phối các loại thuốc hiếm mới.

    Do đó, trong báo cáo "Ngành Bán lẻ - Tiếp đà phục hồi", Chứng khoán KB (KBSV) nhận định, nhóm bán lẻ dược phẩm với chuỗi Long Châu của FRT dẫn đầu thị trường và liên tục mở rộng chiếm lĩnh thị phần. Trong khi các đối thủ còn lại là An Khang (MWG) và Pharmacity vẫn đang loay hoay tìm điểm hòa vốn.

    Cuộc đua "tam mã" của chuỗi nhà thuốc Việt dần ngã ngũ: Long Châu phả hơi nóng vào đối thủ, An Khang đứng trước cuộc “đại phẫu” đóng cửa hơn 200 điểm bán, Pharmacity làm gì để tìm lại hào quang?- Ảnh 3.

    Cuộc “đại phẫu” tại An Khang

    Trái ngược với Long Châu không ngừng mở rộng, tại An Khang - chuỗi nhà thuốc thuộc sở hữu của Thế Giới Di Động lại liên tục phải đóng bớt cửa hàng để tái cấu trúc.

    Chuỗi nhà thuốc An Khang tiền thân là nhà thuốc Phúc An Khang, thành lập năm 2002, được Thế Giới Di Động sở hữu cuối năm 2021.

    Nửa đầu năm 2022, chuỗi thuốc An Khang liên tục mở rộng quy mô từ 178 lên 510 cửa hàng. Thời điểm đó, ông Đoàn Văn Hiểu Em tự tin về khả năng bành trướng của chuỗi nhà thuốc, đồng thời, công bố mục tiêu cuối năm 2022 có 800 cửa hàng và nâng lên 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2023.

    Thế nhưng, hết năm 2023, mục tiêu này đổ bể. Hết năm 2023, An Khang sở hữu 527 cửa hàng, con số cách xa mục tiêu 2.000 nhà thuốc trước đó.

    Cũng từ đây, số cửa hàng An Khang liên tục bị cắt giảm. Đến cuối quý II/2024, quy mô chuỗi nhà thuốc này chỉ còn 481 cơ sở. Hiện, kết thúc 8 tháng đầu năm, số lượng nhà thuốc An Khang chỉ còn 326 điểm bán.

    "Giống như các chuỗi đàn anh đàn chị, An Khang đang thực thi tái cấu trúc để xem xét lại từng nhà thuốc, cân nhắc đóng cửa hàng không đạt hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận", ông Đoàn Văn Hiểu Em - Thành viên HĐQT Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động nói tại buổi họp với nhà đầu tư gần đây.

    Cuộc đua "tam mã" của chuỗi nhà thuốc Việt dần ngã ngũ: Long Châu phả hơi nóng vào đối thủ, An Khang đứng trước cuộc “đại phẫu” đóng cửa hơn 200 điểm bán, Pharmacity làm gì để tìm lại hào quang?- Ảnh 4.

    Lý do của cuộc đại phẫu này phần nào đến từ kết quả kinh doanh thua lỗ của An Khang.

    Sau một năm được MWG rót vốn, chuỗi nhà thuốc An Khang lỗ gần 6 tỷ đồng vào năm 2019, tiếp tục lỗ 6,4 tỷ đồng vào năm 2020.

    Điệp khúc thua lỗ vẫn tiếp tục tiếp diễn vào các năm tiếp theo. Mới nhất, 6 tháng đầu năm nay, chuỗi nhà thuốc An Khang đã lỗ 172 tỷ đồng. Lỗ lũy kế giai đoạn từ năm 2017 đến nay của chuỗi nhà thuốc lên tới 834 tỷ đồng.

    Dữ liệu từ báo cáo của MWG cũng thể hiện doanh thu trung bình của nhà thuốc này là 500 triệu đồng/cửa hàng/tháng. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, để đạt điểm hòa vốn thì mỗi nhà thuốc cần đạt doanh thu 550 triệu đồng/tháng.

    Việc “thu không đủ bù chi” đã biến chuỗi nhà thuốc An Khang trở thành gánh nặng trong hệ sinh thái MWG, do đó, việc cắt giảm để tái cơ cấu là điều không tránh khỏi.

    Pharmacity – 18 tháng “lạc đường”, hai lần thay CEO

    Cuộc đua "tam mã" của chuỗi nhà thuốc Việt dần ngã ngũ: Long Châu phả hơi nóng vào đối thủ, An Khang đứng trước cuộc “đại phẫu” đóng cửa hơn 200 điểm bán, Pharmacity làm gì để tìm lại hào quang?- Ảnh 5.

    Còn với Pharmacity, sau khi bị Long Châu "vượt" qua về mặt quy mô nhà thuốc vào đầu năm 2023, doanh nghiệp này vẫn đang tìm lại hào quang. Sau biến động thượng tầng vào 9/2022 khi nhà sáng lập Chris Blank rời vị trí tổng giám đốc và cả đại diện pháp luật, Pharmacity hai lần thay ghế CEO trong vòng 18 tháng.

    Thời điểm trước năm 2023, dù có số lượng nhà thuốc lớn nhất ngành bán lẻ, Pharmacity vẫn đang gặp khó trong quá trình tìm điểm hòa vốn và có lãi.

    Năm 2019, Pharmacity ghi nhận lỗ ròng 265 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2020, Pharmacity lỗ ròng sau thuế hơn 194 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước; kết năm 2020 ghi nhận chuỗi này âm 421 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến cuối năm 2020 đã lên hơn 1.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Pharmacity vẫn đang phải để giải quyết khoản lỗ lũy kế này.

    So với đối thủ Long Châu, Pharmacity hoạt động với mô hình khác hẳn – nhà thuốc tiện lợi. Do đó, ngoài bán thuốc, các cửa hàng còn bán nhiều mỹ phẩm, bánh kẹo, nước giải khát và một số hàng tiêu dùng khác.

    SSI Research đánh giá, tỷ lệ sản phẩm không phải thuốc ở Pharmacity chiếm đến hơn 70%. CEO chuỗi này thừa nhận, rất nhiều khách hàng nghĩ họ là một nhà thuốc tiện lợi nhưng lại thiếu các loại thuốc kê đơn.

    Song ở thời điểm hiện tại, tân CEO của Pharmacity cho biết, sẽ không còn theo đuổi mô hình "nhà thuốc tiện lợi”, mà trở thành nhà cung cấp thuốc cho mọi nhóm bệnh.

    Doanh nghiệp này đổi hướng sang mô hình "đủ thuốc" như Long Châu đã từng làm, Pharmacity đặt mục tiêu tập trung bổ sung đầy đủ các loại thuốc để đáp ứng đủ các toa thuốc kê theo đơn bệnh viện.

    Về giá bán, ông Madan cho biết, Pharmacity đã điều chỉnh chính sách giá bán và thay đổi tư duy vận hành. Hiện tại, nhà thuốc cung cấp nhiều sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau, trong đó hơn 1000 mặt hàng thuốc đã giảm giá thành.

    "Pharmacity đang có mức giá mới cạnh tranh mà ít nhà thuốc nào có thể làm được" , CEO Pharmacity khẳng định.

    Theo ông Madan, chiến lược của Pharmacity trong thời gian tới không hướng tới cạnh tranh theo mô hình giá rẻ nhất. Thay vào đó, Pharmacity tập trung cung cấp sản phẩm chính hãng, chất lượng cao với giá thành phù hợp.

    Điều này được minh chứng bởi thiết kế nhà thuốc đóng của Pharmacity. Mô hình nhà thuốc này cho phép thuốc được bảo quản tại nhiệt độ phù hợp theo quy chuẩn GPP, đảm bảo chất lượng thuốc và các sản phẩm khác ở mức tối ưu.

    Dù Pharmacity đang từng bước cải tổ lại bộ máy, hiệu quả kinh doanh và khả năng sinh lời của Pharmacity vẫn còn là một ẩn số.

    Better Choice Awards tri ân và tôn vinh những "Giá trị Đổi mới sáng tạo" về sản phẩm, dịch vụ, thành tựu mang đến lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, tạo ra điểm khác biệt khi không đi tìm "lựa chọn tốt nhất phân khúc", mà hướng tới nhu cầu thực tế của người dùng để giúp họ tìm ra thương hiệu, sản phẩm phù hợp nhất.

    Gala trao giải có sự góp mặt của nhiều lãnh đạo Bộ, Ban ngành quan trọng, sẽ diễn ra từ 17:30, ngày 02/10/2024. Lễ trao giải cũng đồng thời quy tụ sự góp mặt của dàn nghệ sĩ như SOOBIN Hoàng Sơn, Trang Pháp, Cường Seven, Hà Lê, hứa hẹn sẽ mang đến những màn trình diễn ấn tượng và âm nhạc bùng nổ cùng sân khấu trình diễn nghệ thuật mãn nhãn, đáng mong đợi.

    Bạn có thể theo dõi giải thưởng thông qua website: https://betterchoice.vn /

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ