Theo thông báo mới nhất trên tờ
Washington Post, hãng bảo mật McAfee vừa phát hiện một âm mưu tấn công mạng lớn nhất từ trước đến nay nhằm ăn cắp dữ liệu của hơn 70 tổ chức. Danh sách các nạn nhân bao gồm cả liên hợp quốc, các tổ chức phi lợi nhuận, các tập đoàn, các chính phủ trong đó có
Việt Nam.
72 nạn nhân trên toàn cầu.
Kế hoạch tấn công có từ 5 năm trước
Vụ tấn công được được cho là đã kéo dài khoảng 5 năm bắt đầu từ giữa năm 2006, và bị hãng McAfee phát hiện vào hồi tháng 3 năm nay. Một danh sách dài các tổ chức bị tấn công đã được công bố, trong đó Mỹ là quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất với 49 nạn nhân, tiếp theo là 4 nạn nhân ở Canada.
Việt Nam cũng có 3 tổ chức lớn là nạn nhân. Hiện chưa có thống kê chi tiết về các tài liệu bị mất mát ở các tổ chức.
Trong danh sách 22 tổ chức chính phủ bị tấn công, có tới 14 tổ chức thuộc chính phủ Mỹ, còn lại là các quốc gia khác như Canada, Triều tiên, Đài Loan, Ấn độ và Việt Nam. Các tin tặc còn tấn công nhiều vào mạng máy tính của các tổ chức quốc phòng, các tập đoàn sản xuất vũ khí để lấy cắp nhiều dữ liệu nhạy cảm về hệ thống quân sự và vệ tinh của Mỹ.
Với trường hợp Ban thư ký Liên hợp quốc bị tấn công, hãng McAfee cho biết các hackers đã bắt đầu xâm nhập vào mạng máy tính từ năm 2008 ở Geneva, bí mật theo dõi các thông tin quan trọng và tuồn ra ngoài. Ông Dmitri Alperovitch, phó giám đốc của hãng McAfee đánh giá, đây là một cuộc tấn công táo bạo, trên diện rộng và hậu quả lớn. Nếu như tất cả các thông tin đánh cắp bị công bố hoặc sử dụng cho mục đích chính trị thì hậu quả còn khủng khiếp hơn nữa.
Ai là thủ phạm?
Trong thông báo của mình, hãng McAfee đã không nêu rõ danh tính thủ phạm nhưng hãng cho rằng, các tin tặc dường như được bảo vệ bởi một chính phủ. Với các thông tin bị vạch trần, McAfee nhận định thủ phạm không phải là các tổ chức tin tặc lớn như
Anonymous và
Lulzsec.
Mặc dù McAfee không đưa thông tin về thủ phạm, nhưng hầu hết các mối nghi ngờ đều hướng về Trung Quốc khi mà các mục tiêu bị tấn công đều có liên quan đến quyền lợi của chính phủ Trung Quốc. Theo các chuyên gia nhận định, có quá nhiều điểm khẳng định thủ phạm chính là Trung Quốc, khi mà phần lớn liên quan đến theo dõi Mỹ, Đài Loan, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) trong những tháng chuẩn bị diễn ra Đại hội Olympic Bắc Kinh 2008 và cả chính phủ nước láng giềng.
Chuyên gia bảo mật Jim Lewis của viện CSIS còn cho rằng: “Mọi dấu vết đều hướng về phía Trung Quốc, đó có thể là do Nga, nhưng Trung Quốc mới chính là nước khả nghi nhất”. Cuộc tấn công này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các chính phủ trong công tác chống lại bọn tin tặc đang ngày càng nguy hiểm.