Cuộc vật lộn của Medium và góc nhìn thực tế về các mô hình kinh doanh trong ngành xuất bản nội dung số

    Ngocmiz,  

    Vấn đề cốt lõi của Medium vẫn là việc dung hòa được áp lực kiếm doanh thu với những giá trị lâu dài mà công ty muốn theo đuổi.

    * Medium là mạng blog cho phép người dùng đọc và viết ra những quan điểm riêng đang cực hot hiện nay. Không như Facebook hay Snapchat - nơi bạn cập nhật về cuộc sống hàng ngày - Medium là nơi quy tụ của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực cũng như người đọc muốn tìm hiểu về thế giới và phát triển bản thân qua các bài viết có độ dài trung bình (không ngắn như dòng trạng thái Twitter, nhưng cũng không dài như một cuốn tiểu thuyết) chứa đựng những ý tưởng thú vị, những trải nghiệm hay góc nhìn cá nhân của người viết. Các bài viết này được thuật toán Medium gợi ý cho người đọc dựa trên sở thích và hành vi đọc của họ trên site.


    Một ngày đầu năm mới 2017, các nhân viên Medium tới công ty như thường lệ thì bất ngờ nhận được thông báo rằng 1/3 trong số họ - chính xác là 50 người, chủ yếu thuộc bộ phận sales, marketing - đã bị sa thải.

    Tất cả đều sốc bởi 2016 là một năm tuyệt vời với Medium khi tăng trưởng về lượng độc giả và bài post đã tăng tới 300%. Họ luôn rất ngưỡng mộ ông chủ của mình – CEO Ev Williams, thường được biết đến với vai trò đồng sáng lập mạng xã hội Twitter, và cũng là người luôn quan tâm chăm sóc kỹ lưỡng các nhân viên. Với cả những người sững sờ khi nhận ra mình vừa thất nghiệp, Medium từ trước đến nay vẫn luôn là “nơi làm việc lý tưởng”.

    Thế nhưng Williams đã làm một điều hết sức trớ trêu là loan báo cho cả thế giới biết về vụ sa thải lớn trên một bài blog trên trang Medium cá nhân trước cả khi các nhân viên công ty được biết tin.

    Mạng blog và xuất bản Medium đã nổi ngay từ khi lên sóng nhờ vị CEO vốn đã có tiếng tăm trong giới công nghệ. Startup này từng huy động được 134 triệu USD từ các quỹ đầu tư danh giá như Andreesen Horowitz, Spark Capital và chính cả nhà sáng lập tỷ phú Ev Williams. Williams từng chia sẻ rằng sứ mệnh của Medium là sửa đổi lại những gì anh thấy còn thiếu sót ở nền báo chí hiện nay cũng như tạo ra một mô hình kinh doanh mới cho ngành xuất bản nội dung.

    Thế nhưng thay đổi bất ngờ này không khỏi khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng phán đoán của Williams. Ngoài nhân viên, các cố vấn của Medium cũng chẳng hề biết trước về vụ việc.

    Trong bài blog thông báo về việc sa thải, Williams cho biết mô hình kinh doanh của Mediums đã và đang dần đi theo hướng trở thành nền tảng xuất bản, đồng thời bán quảng cáo để kiếm doanh thu – chính xác là mô hình mà anh không hề thích ở truyền thông hiện nay. Nhà sáng lập cho biết sắp tới công ty sẽ không còn theo đuổi mô hình bán quảng cáo nữa nên buộc phải nói lời từ biệt với các nhân viên phát triển mảng này.

     CEO Medium Ev Willams

    CEO Medium Ev Willams

    Anh cũng chia sẻ rằng Medium vẫn đang tiếp tục tìm kiếm một mô hình kinh doanh khả thi hơn.

    Sự đổi hướng đột ngột này cũng không khỏi khiến nhiều nhà xuất bản trên site tức giận vì không được cảnh báo trước. Không ít blogger và chuyên gia bình luận đã đánh cược tất cả nguồn sống của mình vào mô hình mà Williams vừa thẳng tay xóa bỏ. Họ đang phải lũ lượt “di cư” sang các nền tảng xuất bản khác. Đối với những blogger hay kênh xuất bản không được các nguồn đầu tư hay doanh thu mạnh chống lưng, tương lai có vẻ sẽ vô cùng ảm đạm.

    Mặc dù nhiều nhân viên Medium vẫn cho rằng môi trường làm việc tại đây luôn vô cùng ấm cúng và tuyệt vời nhưng họ cũng phải thừa nhận rằng sự thiếu liền mạch trong thông tin liên lạc nội bộ đã làm nảy sinh nhiều vấn đề trong công ty, mà điển hình là vụ việc vừa qua.

    Nhìn lại một mô hình kinh doanh

    Từng chia sẻ với Bloomberg hồi năm 2013 rằng mình rất ghét các mô hình xuất bản nội dung online đương thời, CEO Ev Williams muốn tạo ra một thuật toán có thể gợi ý nội dung chất lượng cao không dựa vào số lượt view mà dựa trên thời lượng con người ta dành ra để đọc chúng.

     Giao diện Medium

    Giao diện Medium

    Thời điểm này, đã gọi được vốn cho công ty nhưng Williams vẫn chưa có ý tưởng nào về việc kiếm doanh thu cho Medium, nếu không phải qua quảng cáo – cũng giống như nhiều founder startup khác. Nhưng cũng chính lý tưởng này khiến công ty giờ đây sa vào một loạt rắc rối mới.

    Sau khi thử nghiệm nhiều mô hình khác nhau, tháng 4 năm 2013, công ty bán bản beta một số lượng hữu hạn quảng cáo trên site dưới dạng “bài viết nhận tài trợ” từ các nhãn hàng.

    Medium sau đó đã lôi kéo thêm nhiều nhà sản xuất nội dung, hứa hẹn và thể hiện ý muốn hợp tác với cả các đơn vị báo chí, truyền thông độc lập để mạnh lượng độc giả. Nhiều nhà xuất bản đã sớm lo sợ nếu thử nghiệm mô hình trên của Medium thất bại, họ sẽ mất tất cả, nhưng cuối cùng cũng bị thuyết phục lao vào mạng blog đang trỗi dậy nhanh chóng này.

    Tuy nhiều, mặc dù cam kết rất nhiều với dư luận nhưng công ty có vẻ như không thực hiện được tới cùng. Trong một cuộc họp toàn công ty vào tháng 12, Williams từng nói rằng mọi việc đang không đi chệch hướng.

    Một dự án ngã ngựa?

    Mặc dù đã gặt hái được những thành công bước đầu khi một trong số các series bài viết được tài trợ đã mang về doanh thu hàng trăm nghìn USD nhưng Medium lại nhanh chóng chứng kiến mức doanh thu tụt giảm ngay sau đó.

    Một nhân viên cho biết: “Chúng tôi kiếm được tiền từ quảng cáo, nhưng mô hình này hoàn toàn đi ngược lại những giá trị mà Medium tôn thờ. Đây chính là cái bẫy của việc nhân đầu tư mạo hiểm (bạn bắt buộc phải tìm cách ra tiền), nhưng hóa ra thị trường mà bạn đang kiếm tìm lại chẳng lớn như kỳ vọng.”

     Một góc văn phòng công ty

    Một góc văn phòng công ty

    Đó mới chỉ là một phần câu chuyện. Các nhóm phụ trách bán quảng cáo thực chất không hề cộng tác chặt chẽ với nhau nên đã gián tiếp tạo ra những bong bóng chỉ chực vỡ khi cố gắng giành giật nguồn lực công ty.

    Trong khi đó, CEO Williams thì lại chẳng hề hứng thú với chuyện kiếm doanh thu mà trong thâm tâm luôn chỉ muốn tạo ra một không gian dân chủ để tất cả mọi người đều có thể lên tiếng trình bày quan điểm độc đáo của mình, có thể hiển thị bài viết của họ trên top list đọc của những người dùng khác. Vấn đề lớn nhất với anh vẫn là việc dung hòa được các giá trị khởi thủy mà Medium đi theo và áp lực phải mang về doanh thu.

    Thế nhưng sau vụ việc này, ngay cả khi có thể tìm ra một mô hình kinh doanh bền vững hơn, liệu Willams có thể xây dựng lại được niềm tin nơi nhân viên và các nhà đầu tư?

    Nỗ lực trở thành Netflix của ngành xuất bản

    Mô hình kinh doanh mà Williams thực sự muốn theo đuổi tiếp theo chính là dạng subscription trả phí – trở thành một Netflix của ngành xuất bản nội dung đọc. Anh cũng viết trên blog cá nhân về ý tưởng lèo lái Medium thành một nền tảng không-quảng-cáo và có cách đãi ngộ xứng đáng cho những tác giả đã bỏ công viết ra những bài viết chất lượng, chia sẻ với thế giới những ý tưởng tuyệt vời.

    Vị CEO này cũng thường xuyên mời các nhà báo và blogger nổi tiếng mà điển hình như Tim Urban về ăn tối tại gia để bàn luận về tương lai ngành này.

    Tim Urban, blogger đứng sau Wait But Why cũng chia sẻ chung quan điểm với Ev Williams. Trang blog view khủng của anh cũng không tồn tại nhờ quảng cáo mà nhờ các khoản hiến tặng từ chính người đọc. Những bài viết cuốn hút của Urban đã thuyết phục được hơn 4000 độc giả quyên góp khoảng 12.000 USD/tháng – số tiền không quá lớn nhưng đủ để anh duy trì site, trả tiền nhân viên và các phụ phí khác.

    Quay lại với Ev Williams, đây chắc chắn là thời điểm đầy sóng gió đối với cựu founder Twitter. Thế nhưng mặc cho những nhận định bi quan về tương lai Medium, Williams ít nhất đã có được một thành công đáng nể là tạo dựng nên mạng lưới độc giả trí thức khổng lồ cho site. Chỉ tính riêng năm 2016, Medium đã ghi nhận 7,5 triệu bài viết và 60 triệu lượt độc giả hàng tháng.

    Nếu có thể tìm ra được một mô hình kinh doanh bền vững phi quảng cáo, Medium rất có thể sẽ mạnh quay lại cuộc đua cách mạng ngành xuất bản một cách mạnh mẽ hơn, mở ra một thế giới mới của những nội dung chưa hấp dẫn chưa bao giờ tồn tại.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày