Cựu CEO Microsoft Việt Nam hiến kế để chấm dứt hiện tượng tiểu thương đập bỏ hoa chiều 30 Tết: Máy bay cất cánh thiếu khách sẽ bỏ ghế trống, điện không tiêu thụ hết cũng sẽ mất đi!

    Bình An, Nhịp sống thị trường 

    Dưới góc độ kinh tế, đặc tính của sản phẩm hoa Tết cũng giống như một số sản phẩm khác: Có tính thời điểm nhất định, nếu không bán hết sẽ phải bỏ đi. Cựu CEO Microsoft Việt Nam đã từng mượn câu chuyện ngành điện và ngành hàng không để đề xuất hướng giải quyết vấn đề…

    Cũng như mọi năm, nhiều tiểu thương tiếp tục đập bỏ hoa chiều 30 Tết vì không đành lòng bán rẻ, và cũng không muốn để người mua “hôi” hoa. Tình huống tiểu thương đập hoa cận Tết đã từng được đưa ra đấu trí trong chương trình “Cơ hội cho ai?”.

    Cụ thể, trước câu hỏi tình huống “Bạn ủng hộ hay phản đối việc tiểu thương đập bỏ hoa chiều 30 Tết?”, một ứng viên trên chương trình “Cơ hội cho ai?” cho rằng dưới góc độ của những tiểu thương, khi họ quyết định đập bỏ hoa vào chiều 30 Tết, có nghĩa là ít nhất họ đã huề vốn, không phải tốn chi phí vận chuyển hoa không bán được về nhà và cũng là sự thể hiện thái độ với người mua về việc cứ đợi đến sát giờ mới mua hoa để ép giá.

    Mặt khác, về phía người mua, bao năm qua, như một quy luật bất thành văn, giá hoa từ những ngày 20 Tết đến ngày 30 Tết có sự chênh lệch rất lớn. Tiểu thương thách giá rất cao đối với những người đi mua hoa sớm, chính vì thế mới dẫn đến tâm lý đến tận ngày 30 Tết mới đi mua hoa của một số bộ phận người dân.

    Ứng viên này cũng cho rằng những chậu hoa bị đập vỡ sẽ do các cô chú lao công dọn dẹp và điều này sẽ gây nên sự quá tải đối với các họ vào chiều ngày 30. Tuy nhiên, những tiểu thương, nông dân là những người không có quá nhiều kiến thức về kinh tế, xã hội, nên theo ứng viên, việc họ đặt lợi ích cá nhân lên trên có thể thông cảm được.

    Ứng viên còn lại thì cho rằng việc các tiểu thương đập hoa vào chiều 30 Tết với suy nghĩ “ tôi không muốn ai trục lợi từ tôi” có thể chấp nhận được, tuy nhiên ứng viên này phản đối hành động đập hoa vì 3 lý do: lãng phí, phản ảnh một văn hóa không đẹp và tiêu tốn các nguồn lực khác ví dụ như phải dọn dẹp vệ sinh.

    Trước nhìn nhận của hai bạn trẻ, ông Vũ Minh Trí, từng giữ cương vị CEO Microsoft Việt Nam, hiện là CEO ASIM, cho rằng đó là những cách suy nghĩ “tích cực, ngây thơ” ở những người trẻ.

    Còn dưới góc độ kinh tế, đặc tính của sản phẩm hoa Tết nay cũng giống như một số sản phẩm khác: Có tính thời điểm nhất định, nếu không bán hết sẽ phải bỏ đi.

    “Máy bay cất cánh mà không có người thì sẽ bỏ ghế trống. Điện ở một thời điểm mà không tiêu thụ hết thì cũng sẽ mất đi. Cách người ta xử lý là dùng truyền thông và chính sách bán hàng để thay đổi thói quen của người dùng”.

    “Giá điện giờ trưa sẽ rẻ hơn giờ cao điểm, để những người giặt ủi, nấu cơm sẽ làm vào giờ trưa, thay vì để tối là giờ cao điểm về họ làm. Như vậy sẽ giảm cao điểm điện vào giờ tối”, ông Trí chia sẻ trên chương trình “Cơ hội cho ai?” cách đây không lâu.

    Áp dụng vào trường hợp đập bỏ hoa chiều 30 Tết, ông Trí cho rằng có thể dùng truyền thông để giáo dục người dùng.

    “Ví dụ như hoa có một khoảng thời gian từ ngày 23 Tết đến 30 Tết, chúng ta đấu giá vào những ngày đầu, còn những ngày sau thì hoa chất lượng kém hơn. Điều này dần sẽ tạo thành thói quen. Sau này ai có hỏi mua hoa ngày nào, nói mua hoa ngày 30 là mua hoa dạt rồi. Truyền thông sẽ giúp được nhiều để thay đổi thói quen của người mua, giúp đỡ cho những người nông dân”, ông Trí gợi ý.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ