Cựu kỹ sư Apple đưa nước mắm Việt lên bàn ăn Mỹ

    PV,  

    Kinh doanh nước mắm thì cũng giống như làm phần mềm. Bạn phải thật sự hiểu rõ và tạo ra sản phẩm đúng như ý người tiêu dùng thì sản phẩm mới được ưa chuộng.

    “Nhiều người nói tôi bị khùng”

    Đó là lời tâm sự của cựu kỹ sư Apple gốc Việt có tên Cường Phạm khi quyết định trở về Việt Nam để kinh doanh nước mắm với việc thành lập hãng Red Boat. Ông Cường sang Mỹ định cư năm 1979 sau này làm việc với vị trí kỹ sư hệ thống tại thung lũng Silicon cho những công ty lớn như Apple, Oracle.

    Trong lần về Việt Nam năm 2005, ông Cường ngạc nhiên khi nhận ra nước mắm tại quê hương Phú Quốc của mình đậm đà và thơm nồng hơn hẳn các sản phẩm cùng xuất xứ tại Mỹ.

    Điều khiến nước mắm Phú Quốc có hương vị đặc biệt gồm nguyên liệu, quy trình sản xuất, đặc thù khí hậu và thổ nhưỡng khác biệt so với những vùng khác. Theo người dân địa phương, nguyên liệu bắt buộc phải là cá cơm, cá cơm sọc tiêu, cơm đỏ và cơm than là tốt nhất. Ngoài ra cá phải được xử lý và ướp chợp ngay trên biển sau khi đánh bắt.

    Sau khi tìm hiểu kỹ, ông phát hiện ra rằng có nhiều sản phẩm tại Mỹ là hàng nhái của các công ty ở Thái Lan. Tình trạng này không xảy ra tại Mỹ mà ngay tại thị trường nội địa có đến 80% nước mắm có dán nhãn Phú Quốc là hàng nhái.

    Trở về Mỹ, ông mang theo khát vọng mang nước mắm Phú Quốc đúng nghĩa vào nước Mỹ cũng như khôi phục lại công việc gia truyền bao đời đã mất của gia đình.

    Năm 2007, ông Cường mua lại một nhà thùng nước mắm tại Phú Quốc với số lượng ban đầu chưa tới 20 thùng. Để giữ được đúng hương vị truyền thống, ông Cường cho ướp cá đúng công thức có từ 200 năm trước của Phú Quốc tới 12 tháng thay vì rút ngắn 10 tháng như một số nhà thùng để chạy theo lợi nhuận. Trung bình mỗi thùng sẽ cho ra 3.000 lít nước mắm cốt.

    Năm 2009, chuyến hàng nước mắm đầu tiên của Red Boat cập cảng nước Mỹ với logo hình cánh buồm đỏ. Được sự ủng hộ của cộng đồng Việt kiều, cuối năm đó ông Cường đầu tư thêm 14 thùng ướp cá, một thời gian sau nâng tổng số lên 80 thùng.

    Cái tên Red Boat theo giải thích của ông Cường gắn với hình ảnh thuyền đánh cá và màu đỏ biểu tượng cho sự hăng hái, may mắn, khát vọng theo quan niệm châu Á.

    Tuy nhiên là người gia nhập sau, logo này vấp sự tranh chấp của một doanh nghiệp gia đình khác cũng kinh doanh nước mắm từ năm 1980 tại Mỹ. Dai Yau, người thành lập công ty Anhing cáo buộc rằng nhà sáng lập Red Boat cố tình tận dụng hình ảnh thuyền buồm đỏ, biểu tượng Phương Đông mà gia đình ông đã xây dựng trước đó.

    Phiên tòa tranh chấp thương hiệu logo giữa Anhing và Red Boat diễn ra năm 2014 khi luật sư hai bên đều đưa ra lý lẽ cho công ty của mình. Luật sư của Red Boat cho rằng hình ảnh logo của Anhing khác về màu sắc và chữ tiếng Pháp so với Red Boat đồng thời mức giá chênh lệch giữa nước mắm Anhing (dưới 2 USD/chai) và Red Boat (5-12 USD/chai) không thể gây ra sự nhầm lẫn.

    Bài học từ Apple

    Việc định giá cao, đi vào phân khúc cao cấp là hướng đi khác biệt của nhà sáng lập Red Boat. Ông Cường cho biết: “Tôi nghĩ đơn giản, kinh doanh nước mắm thì cũng giống như làm phần mềm. Bạn phải thật sự hiểu rõ và tạo ra sản phẩm đúng như ý người tiêu dùng thì sản phẩm mới được ưa chuộng. Sau đó là phân phối, làm tiếp thị quảng bá sản phẩm. Nhưng trước hết phải la sản phẩm tốt.”

    Điều ông học được từ Apple chính là sản phẩm phải có chất lượng. Hiện giá bán lẻ một chai nước mắm Red Boat Kosher Fish Sauce-250ml trên trang web của chính công ty này là 9 USD.

    Công ty này còn bán cả muối với thương hiệu Red Boat. Hay trên Amazon, sản phẩm nước mắm này cũng được bán chạy và nhận được nhiều lời khen ngợi từ khách hàng.

     

    Một điều thú vị là mặc dù Red Boat có mặt tại Mỹ mở rộng ra cả Pháp, Úc, Singapore, Châu Âu, Hong Kong nhưng bạn không thể tìm mua được loại nước mắm này tại chợ hay siêu thị trong nước bởi toàn bộ sản phẩm đều được xuất khẩu.

    Ngoài việc tập trung vào chất lượng, một bước đi quan trọng của ông Cường chính là xây dựng thương hiệu. Hiểu được sức mạnh của truyền thông, Red Boat tài trợ chuyến đi tới Việt Nam cho một số Blogger của Food Republic, những đầu bếp nổi tiếng như Paul Qui, Edward Lee, Bryan Caswell để kể câu chuyện về nước mắm.

    Trên trang web của Red Boat cũng ngập tràn những bài báo ẩm thực đề cập tới thương hiệu nước mắm này như The New York Times, Los Angeles Times, The Daily Meal, InStyle Magazine, Food & Wine,…

    Câu chuyện của Red Boat có thể xem là bài học lớn cho những doanh nghiệp sản xuất nước mắm Phú Quốc về xây dựng và bảo vệ thương hiệu, hình ảnh. Trước đây có rất nhiều doanh nghiệp tại Tp.HCM mặc dù có nhà xưởng đóng chai tại Tp.HCM nhưng ghi “nước mắm Phú Quốc”.

    Từ tháng 10/2014 theo quy định của tỉnh Kiên Giang, doanh nghiệp không đóng chai nước mắm tại huyện đảo Phú Quốc thì phải gỡ bỏ dòng chũ này khỏi nhãn dán trên chai.

    Đây được cho là bước đi ban đầu để bảo vệ những doanh nghiệp nhà thùng tại Phú Quốc cũng như bảo vệ nghề truyền thống, kiểm soát chất lượng nước mắm. Để nước mắm Phú Quốc ra được với thế giới, bài toán xây dựng thương hiệu như Red Boat từng làm cũng là điều những người quản lý nên tham khảo.

     

    Kim Thủy/CafeBiz/Theo Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ