Cựu sinh viên Harvard bỏ lương 5.000 USD/tháng để xây dựng dự án giáo dục phi lợi nhuận cho trẻ em Việt Nam
Từ bỏ công việc 5.000 USD/tháng ở Grab Việt Nam, cựu sinh viên Harvard đang xây dựng một dự án để thu hút nhân tài, nâng cao trình độ tiếng Anh và kiến tạo hệ sinh thái vững mạnh vì nền giáo dục bình đẳng, hoàn thiện cho mọi trẻ em.
Teach for Vietnam, tạm dịch Giảng dạy vì Việt Nam, là dự án phi lợi nhuận về hạt giống lãnh đạo cho giáo dục. Dự án nhằm tìm kiếm, phát triển các thế hệ tài năng trẻ, tâm huyết từ nhiều ngành nghề cùng đến chung tay kiến tạo hệ sinh thái vững mạnh vì nền giáo dục bình đẳng, thực tiễn và hoàn thiện cho mọi trẻ em Việt Nam. Huỳnh Hạnh Phúc, một cựu sinh viên Harvard, là người xây dựng dự án này từ tháng 10/2015.
Chia sẻ tại sự kiện Kết nối và đổi mới sáng tạo Việt Nam – 2017 do Bộ KH&CN vừa tổ chức tại TP.HCM cuối tuần trước, Hạnh Phúc (29 tuổi) cho biết, xuất phát từ thực tế khả năng áp dụng và giao tiếp bằng tiếng Anh thấp, đặc biệt học sinh ở những vùng khó khăn. Điểm tiếng Anh trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2016 thấp nhất trong tất cả các môn thi. Tỷ lệ giáo viên với các bằng cấp chứng nhận kỹ năng còn thấp.
Bên cạnh đó, luôn có yếu tố bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục giữa trẻ em trong gia đình giàu có và nghèo khó, giữa nông thôn và thành thị dẫn đến nhiều bất cập về mặt an sinh xã hội và phát triển kinh tế, dự án Teach for Vietnam sẽ tìm cách giải quyết vấn đề này.
Trong quá trình học tại Harvard nhờ nhận học bổng cao ngành Chính sách công tại ngôi trường danh giá này, Hạnh Phúc từng thấy một người bạn Mỹ thực hiện Teach for America, một dự án mà Phúc cho rằng rất phù hợp với giáo dục Việt Nam khi được điều chỉnh.
Về nước, anh làm quản lý chiến lược cho Grab Việt Nam với mức lương cao. Tuy nhiên, ấp ủ một thời muốn thiết kế các chương trình vừa giảng dạy và truyền tải những kiến thức chuyên môn lẫn đào tạo các kỹ năng mềm, truyền cảm hứng cho người học, nâng cao trình độ tiếng Anh, Hạnh Phúc quyết định bỏ ngang công việc 5.000 USD/tháng ở Grab và bắt đầu dự án Teach for Vietnam (TFV).
Cụ thể, TFV sẽ đào tạo đội ngũ hạt giống (fellow), sau đó sẽ đưa họ đến dạy một số môn học toàn thời gian, bước đầu là mốn tiếng Anh tại các trường tiểu học và trung học cơ sở tại các vùng khó khăn trong vòng 2 năm.
Hiện tại, TFV đang muốn tuyển dụng thêm 27 vị trí hạt giống, họ là những người ở tất cả các lĩnh vực, có đam mê, nhiệt huyết, có trình độ tiếng Anh cao để làm cho dự án giáo dục, mảng vốn chưa thu hút được nhiều nhân tài trong những năm gần đây.
TFV có gì hấp dẫn nhân tài?
Những người được chọn vào TFV cũng được trả lương tương tự như tại các công ty đa quốc gia tại Việt Nam. Thêm vào đó, các chuyên gia của TFV từ các tổ chức uy tín sẽ đào tạo họn thêm những kỹ năng như kỹ năng lãnh đạo, giảng dạy. Họ cũng có cơ hội tìm kiếm các suất học bổng du học trong mạng lưới Teach for All, một mô hình giáo dục có mặt ở 40 nước trên thế giới, hoặc kết nối với các doanh nghiệp và vườn ươm khởi nghiệp.
Đội ngũ cố vấn của TFV được nhắc đến với nhiều chuyên gia đa ngành như ông TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright; ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Hội Marketing Việt Nam…
Cách tiếp cận của Teach for Vietnam.
Kinh phí cho TFV
Ở Việt Nam, mô hình như TFV vẫn còn là khái niệm mới. Do đó, Hạnh Phúc vẫn gặp nhiều khó khăn khi thuyết phục các tỉnh hợp tác. Mới đây, tin vui cho TFV là tỉnh Tây Ninh đã đồng ý liên kết với TFV.
Hiện vốn hỗ trợ cho TFV được huy động từ nhiều nguồn như Lãnh sự quán Mỹ (18.700 USD), hơn 3 tỷ đồng từ Tây Ninh và sắp tới sẽ có một số nguồn vốn từ Teach for all.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín