Đã lên Mặt Trăng, nhưng đáy đại dương vẫn gần như bí ẩn: Con người mới khám phá phần nhỏ rộng chưa bằng hai lần diện tích Hà Nội

    Anh Việt,  

    Điều đáng nói là hầu hết các khu vực đã được quan sát lại chỉ nằm trong vòng bán kính 200 hải lý (khoảng 370 km) tính từ bờ biển của Mỹ, Nhật Bản và New Zealand

    Một nghiên cứu mới vừa công bố ngày 7/5 trên tạp chí Science Advances cho thấy: con người mới chỉ quan sát được 0,001% đáy đại dương sâu - tức là những vùng biển nằm sâu hơn 200 mét (656 feet). Dù khu vực này chiếm gần 2/3 diện tích bề mặt Trái đất, lượng thông tin mà chúng ta thực sự biết về nó là vô cùng ít ỏi.

    Để dễ hình dung, diện tích 0,001% đó tương đương... một bang nhỏ như Rhode Island (Mỹ). Nghĩa là trong hơn 60 năm qua, nhân loại mới chỉ "ló đầu" vào một góc cực nhỏ của thế giới dưới đáy đại dương.

    Đã lên Mặt Trăng, nhưng đáy đại dương vẫn gần như bí ẩn: Con người mới khám phá phần nhỏ rộng chưa bằng hai lần diện tích Hà Nội- Ảnh 1.

    Theo nhóm nghiên cứu, họ đã phân tích hơn 43.000 bản ghi của các chuyến lặn sâu có ghi nhận hình ảnh bằng camera - bao gồm các tàu ngầm có người lái, robot điều khiển từ xa (ROVs), tàu tự hành (AUVs), và các camera kéo theo tàu nổi. Dựa trên hai phương pháp tính toán - một theo quãng đường di chuyển dưới đáy biển, một theo thời gian thiết bị tiếp xúc với đáy - các nhà khoa học ước tính rằng chúng ta mới quan sát được khoảng 2.100 đến 3.800 km² đáy biển. Con số này chỉ chiếm từ 0,0006% đến 0,001% tổng diện tích đáy đại dương sâu toàn cầu kể từ năm 1958.

    Điều đáng nói là hầu hết các khu vực đã được quan sát lại chỉ nằm trong vòng bán kính 200 hải lý (khoảng 370 km) tính từ bờ biển của Mỹ, Nhật Bản và New Zealand. 97% số chuyến lặn ghi nhận đến từ chỉ 5 quốc gia: Mỹ, Nhật Bản, New Zealand, Pháp và Đức. Những vùng có địa hình đặc biệt như rặng núi ngầm, hẻm núi dưới biển được khám phá nhiều, trong khi các khu vực phẳng như đồng bằng biển sâu hay các đỉnh núi ngầm bị bỏ qua.

    Điều này dẫn đến một thiên lệch lớn trong nhận thức của chúng ta về đại dương - tương tự như việc đánh giá toàn bộ hệ sinh thái đất liền chỉ dựa vào một mảnh đất nhỏ cỡ thành phố Houston, theo cách ví von của các tác giả.

    "Khi thế giới đang đối mặt với hàng loạt mối đe dọa đối với đại dương sâu - từ biến đổi khí hậu cho tới nguy cơ khai thác tài nguyên - việc hiểu quá ít về hệ sinh thái lớn nhất hành tinh là một vấn đề nghiêm trọng đối với cả khoa học lẫn chính sách," tiến sĩ Katy Croff Bell, chủ tịch tổ chức Ocean Discovery League và đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ.

    Croff Bell nhấn mạnh rằng nhiều quốc gia và tập đoàn dầu khí có thể đã thực hiện thêm nhiều quan sát khác, nhưng dữ liệu đó không được công khai. Điều này càng làm rõ nhu cầu cấp bách về một nỗ lực khám phá đại dương mang tính toàn cầu, mở và có sự tham gia của các cộng đồng địa phương.

    "Chúng ta không thể bảo vệ được những gì mà ta chưa hiểu rõ," Ian Miller – giám đốc khoa học và đổi mới của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ – nói. "Nếu chúng ta hiểu đại dương hơn, chúng ta sẽ có khả năng bảo tồn nó tốt hơn."

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ