'Đại bàng' châu Âu ngỏ ý hợp tác dự án đường sắt tốc độ cao 70 tỷ USD của Việt Nam: đi đầu trong lĩnh vực tàu điện cao tốc tại Đức, tốc độ lên tới 300 km/h

    Khánh Linh,  

    Được biết, tập đoàn đã từng hợp tác với Việt Nam hiện đại hóa hệ thống tín hiệu đường sắt ga Vinh; chiếu sáng đường sân bay Nội Bài; hệ thống xử lý hàng hóa tự động Sân bay Tân Sơn Nhất,...

    Vừa qua, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.

    Từ các đánh giá phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Thống kê, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được dự báo có thể góp phần tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 1% từ năm 2025 đến năm 2037.

    Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Roland Busch - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn Siemens (Cộng hoà Liên bang Đức) đồng thời cho biết, có thể cung cấp hệ thống tín hiệu đường sắt, chuyển giao công nghệ sản xuất toa xe cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Chủ tịch Tập đoàn Siemens đánh giá cao tiềm năng hợp tác lớn giữa hai nước Việt Nam, Đức nói chung và với Sienmens nói riêng.

    Ông Roland Busch cho biết, Việt Nam đã có quá trình chuyển đổi rất thành công, có tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là với dân số 100 triệu người và đội ngũ lao động trẻ được đào tạo. "Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước Việt Nam, Đức", ông nhấn mạnh.

    photo-1723539400169

    Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp đón Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens (Cộng hòa Liên bang Đức) ông Roland Busch. Ảnh: VGP

    Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tập đoàn Siemens nghiên cứu tham gia một số gói thầu xây dựng đường sắt đô thị tại Việt Nam như tuyến metro 2 tại TP HCM; chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp đường sắt như đào hầm metro.

    Metro số 2, đoạn Bến Thành - Tham Lương dài hơn 11 km, trong đó 9,3 km đi ngầm, còn lại chạy trên cao. Đây là tuyến tàu điện thứ hai ở TP HCM với tổng đầu tư hơn 47.800 tỷ đồng, sau metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

    Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị Siemens đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, nhất là sản xuất turbine điện gió; lĩnh vực giao thông vận tải (như sản xuất xe điện...); chuyển đổi số, xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển của Siemens tại Việt Nam, hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam.

    Đáng chú ý, ông cho biết Siemens quan tâm đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và có thể cung cấp các giải pháp về đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu đường sắt, cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất toa xe.

    Kịch bản dự thảo đề xuất 3 phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư từ 68,9 tỷ đô đến trên 70 tỷ đô.

    Nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực tàu điện cao tốc

    Siemens là một tập đoàn công nghiệp đa quốc gia có trụ sở tại Đức, được thành lập vào năm 1847 bởi Werner von Siemens và Johann Georg Halske. Tập đoàn này hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau và đã tạo dựng được danh tiếng toàn cầu với các giải pháp công nghệ tiên tiến trong tự động hóa công nghiệp, năng lượng, công nghệ xây dựng và y tế.

    Trong lĩnh vực giao thông, Siemens đóng vai trò quan trọng với những sáng kiến đổi mới, hướng tới hệ thống vận tải bền vững và hiệu quả. Siemens cung cấp các giải pháp toàn diện cho ngành giao thông vận tải, bao gồm hệ thống đường sắt, tàu điện ngầm, và các dịch vụ từ thiết kế, sản xuất đến bảo trì. Đặc biệt, Siemens là nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực tàu điện cao tốc với sản phẩm nổi bật như tàu ICE (InterCity Express) tại Đức, đạt tốc độ lên tới 300 km/h.

    'Đại bàng' châu Âu ngỏ ý hợp tác dự án đường sắt tốc độ cao 70 tỷ USD của Việt Nam: đi đầu trong lĩnh vực tàu điện cao tốc tại Đức, tốc độ lên tới 300 km/h- Ảnh 2.

    Tàu ICE (InterCity Express) có thể đạt tốc độ lên tới 300 km/h.

    Siemens cũng phát triển các hệ thống điều khiển tín hiệu và giải pháp quản lý giao thông đô thị tiên tiến, giúp cải thiện an toàn, tối ưu hóa lưu lượng và giảm thiểu tác động môi trường. Trên toàn cầu, hệ thống tín hiệu và kiểm soát của Siemens đang được sử dụng tại hơn 40 thành phố lớn, giúp hàng triệu hành khách di chuyển an toàn mỗi ngày. Với hơn 160.000 km đường sắt và hơn 60.000 tàu điện được trang bị công nghệ của Siemens, công ty này đóng góp đáng kể vào việc xây dựng các hệ thống giao thông thông minh và bền vững, thúc đẩy sự phát triển của các thành phố thông minh trên toàn thế giới.

    Vào năm 2023, tập đoàn Siemens của Đức đã thu hút sự chú ý khi giành được gói thầu xây dựng đường sắt cao tốc để xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc lớn thứ sáu trên thế giới. GCR đưa tin ngày 28/5, tập đoàn này thông báo đã đạt được hợp đồng giá trị lớn nhất lịch sử để phát triển một trong những mạng lưới đường sắt cao tốc hiện đại nhất thế giới tại Ai Cập.

    Theo thông tin, gói thầu trị giá 8,1 tỷ euro này do Siemens Mobility - công ty con quan trọng nhất của tập đoàn Siemens - ký kết với Chính phủ Ai Cập cùng hai tập đoàn lớn của Ai Cập là Orascom Construction và The Arab Contractors, nhằm xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc dài 2.000km ở Ai Cập.

    Theo hợp đồng này, Siemens Mobility sẽ cung cấp 41 tàu cao tốc, 94 tàu vùng, và 41 đầu máy kéo hàng. Ngoài ra, 8 nhà ga cũng sẽ được xây dựng cùng với một hợp đồng bảo trì kéo dài 15 năm.

    Chủ tịch Siemens, ông Roland Busch, cho biết với những công nghệ tiên tiến nhất mà họ mang lại, Ai Cập sẽ sở hữu hệ thống đường sắt lớn thứ 6 và hiện đại nhất thế giới, giúp giảm 70% lượng khí thải CO2 so với việc sử dụng xe buýt và ô tô hiện tại.

    Mạng lưới đường sắt này sẽ kết nối 60 thành phố ở Ai Cập, với các tàu cao tốc có thể đạt tốc độ lên đến 230 km/h.

    Siêu dự án này dự kiến sẽ tạo ra khoảng 40.000 việc làm tại Ai Cập, bên cạnh gần 7.000 việc làm khác từ các nhà cung cấp của Ai Cập và các ngành kinh tế khác. Khi mạng lưới được hoàn thiện, khoảng 90% dân số Ai Cập sẽ có thể tiếp cận và sử dụng hệ thống mới này.

    Tại Việt Nam, Siemens thành lập văn phòng đại diện từ năm 1993, với ba chi nhánh văn phòng đại diện tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và một nhà máy sản xuất tại Bình Dương.

    Siemens hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng tái tạo và giao thông vận tải. Siemens đã tham gia dự án điện mặt trời ước tính đóng góp 1 tỷ kWh điện vào hệ thống điện của quốc gia mỗi năm; là nhà cung cấp hàng đầu các giải pháp truyền tải điện hiệu quả, đã cung cấp thiết bị và giải pháp bảo vệ và tự động hóa cho hàng trăm trạm biến áp 110kV-220kV và hàng chục trạm 550kV tại Việt Nam; thúc đẩy tự động hóa và số hóa tại Việt Nam như giúp Tân Cảng Sài Gòn tối đa năng suất, giảm thời gian giải phóng tàu....

    Về giao thông vận tải, Siemens hợp tác với Việt Nam hiện đại hóa hệ thống tín hiệu đường sắt ga Vinh; thiết kế và cung cấp 16 đầu máy xe lửa động cơ diesel cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; chiếu sáng đường sân bay Nội Bài; hệ thống xử lý hàng hóa tự động Sân bay Tân Sơn Nhất,...

    Theo: Global Contruction, Siemens VN,

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ