Được giới thiệu từ tháng 7/2012, thế nhưng phải đến trung tuần tháng 8 vừa qua, hai sản phẩm chuột chơi game đình đám của hai nhà sản xuất thiết bị ngoại vi chơi game “khét tiếng” là Razer Taipan và SteelSeries Sensei RAW mới xuất hiện tại Việt Nam. Không bắt các bạn độc giả chờ đợi lâu, và như đã hứa trong bài viết giới thiệu sản phẩm trước đây không lâu, GenK xin gửi tới các bạn bài viết so sánh chi tiết hai chú chuột chơi game đang rất hot trên thị trường hiện nay.
Sở dĩ Taipan và Sensei RAW hoàn toàn có thể được đem ra so sánh với nhau, là do chúng đều sở hữu thiết kế ambidextrous đối xứng, vì thế những người sử dụng chuột tay trái đều có thể sử dụng chuột khá dễ dàng. Mặt khác, cả hai chú chuột từ hai công ty đang cạnh tranh rất mạnh này đều có chung mức giá khoảng 70 USD (1,5 triệu Đồng).
Sensei RAW: Yêu kiều và giản dị
Hãy bắt đầu với SteelSeries Sensei RAW. RAW kỳ thực chỉ là phiên bản “bình dân” của sản phẩm high end SteelSeries Sensei ra mắt giữa năm ngoái. Sở hữu những chức năng vượt trội hơn rất nhiều so với người anh em XAI ra mắt trước đó (Sensei có cùng hình dáng và kích thước với XAI), tuy nhiên cái giá của Sensei đã khiến số lượng người có thể sở hữu chú chuột cao cấp này không nhiều, thay vào đó là những cái tên khác rẻ tiền hơn như Kana hay Kinzu v2.
Chính vì thế, gần như ngay sau khi Sensei ra mắt được không lâu, SteelSeries đã tung ra những thông tin đầu tiên về phiên bản Sensei RAW rẻ hơn, với lời quảng cáo là sẽ “imba” ngang phiên bản gốc.
Phiên bản Sensei RAW mà GenK đang sở hữu tại đây là phiên bản được phủ lớp sơn cao su mịn trên bề mặt. Bên cạnh đó, chú chuột chơi game này còn có một phiên bản khác với lớp sơn bóng trên bề mặt. So với bề mặt sơn giả kim loại, thi Sensei RAW Rubberize ôm tay và không bị ảnh hưởng bởi mồ hôi từ tay người sử dụng hơn.
Giống như rất nhiều sản phẩm chuột chơi game của SteelSeries, Sensei RAW vẫn sở hữu ngoại hình vô cùng giản dị nhưng vẫn toát lên chất hiện đại, công sức của những nhà thiết kế bắc Âu. Thay vì vẫn lắp đặt đèn LED 16,7 triệu màu ở 3 vị trí: Logo dạng halftone ở đuôi chuột, đèn báo tốc độ chuột và nút cuộn, nhà sản xuất Đan Mạch đã trang bị cho RAW đèn LED màu trắng, cộng thêm với đó là khả năng tinh chỉnh tốc độ “nhấp nháy” của đèn, thay thế cho chức năng đổi màu.
Để giảm giá thành, Sensei RAW được tinh giảm màn hình ở mặt đáy chuột, một chức năng không có nhiều tác dụng với những người sử dụng bình dân. Thêm vào đó, mặt đáy của chuột cũng được làm bằng nhựa mờ, tạo cảm giác khá bắt mắt khi dùng chuột trong bóng tối.
Không giống với những phiên bản Sensei hay Kana trước đây, feet của Sensei RAW khá “thân thiện” với các pad mềm với bề mặt vải. Thử nghiệm trên 2 bề mặt pad Goliathus Fragged Speed của Razer và Kai G3 Hien của nhà sản xuất Nhật Bản Artisan, feet stock của RAW trơn và thoải mái hơn rất nhiều so với feet của Sensei, vốn khá phù hợp cho pad cứng với bề mặt dạng tinh thể như SteelSeries 9HD.
Taipan cũng không hề kém cạnh
Quay trở lại với chú rắn lục của Razer. Nếu như Sensei RAW sở hữu dáng vẻ “yêu kiều” nhưng khá giản dị, thì Taipan của Razer lại vô cùng “ngầu” với những góc cạnh cứng cáp, nhưng vẫn còn đó những đường cong đã làm nên những tên tuổi DeathAdder hay Orochi. Sau khi Lachesis bị cộng đồng sử dụng cũng như game thủ “kêu ca” vì lỗi cảm biến trục Z khá khó chịu, thì Razer đã rục rịch thiết kế những chú chuột ambidextrous cho những người thuận cả tay trái, để lấp đầy khoảng trống thị trường vốn chỉ có sự hiện diện của Abyssus.
Taipan sở hữu bề mặt nhựa nhám, không giống bất kỳ một chú chuột nào ra mắt trong quá khứ của Razer. Để làm tăng khả năng “bám dính” trên tay người sử dụng, hạn chế tối đa hiện tượng tuột tay, Taipan được trang bị hai mảng cao su với bề mặt chấm bi để giữ ngón cái.
Giống như Sensei RAW, vì là chuột đối xứng nên ở mỗi bên sườn chuột, Razer trang bị 2 nút phụ với những chức năng gốc là page up, page down hay duyệt web. Những chức năng này đều có thể thoải mái tùy chỉnh thông qua driver điện toán đám mây của cả 2 chú chuột là Razer Synapse và SteelSeries Engine.
Để thêm phần “hổ báo”, đầu chuột được Razer trang bị 2 “lưới tản nhiệt” bằng kim loại, cộng với dáng vẻ hầm hố, Taipan tạo cho người sử dụng cảm giác họ đang sở hữu một mô hình thu nhỏ của một chiếc Lamborghini được khoác lên mình lớp sơn đen matte mịn màng. Đèn LED trên Taipan là đèn LED đơn màu xanh lá. Một số người cho rằng màu sắc này khá hợp với chú chuột. Tuy nhiên một số người khác lại cho rằng, nó quá giống với phiên bản 2013 của chiếc bàn phím cơ BlackWidow.
Cả hai chú chuột đều được bọc cáp vải chống cắt. Tuy nhiên giữ vững “phong độ”, Sensei RAW vẫn sở hữu chất lượng build nồi đồng cối đá với dây cáp dày và chắc chắn. Tuy nhiên, mặc dù sở hữu dây cáp mỏng hơn nhiều, nhưng Taipan vẫn được Razer mạ vàng đầu cổng kết nối USB, điều mà phiên bản rút gọn của Sensei không thể có, vì lý do giá thành.
Kẻ tám lạng, người nửa cân
Cảm giác chuột luôn là điều kiện tiên quyết trong khi gamer thưởng thức tựa game FPS, cũng như khi tham gia những trận đấu nảy lửa qua đấu trường chuyên nghiệp. Sau khi đã sử dụng quen hai chú chuột “huyền thoại” IE 3.0 và DeathAdder, tôi cảm giác Sensei RAW khá vừa tay, trong khi Taipan lại hơi nhỏ một chút. Bạn đọc hẳn sẽ thấy kì lạ, vì chiều dài và chiều cao của 2 chú chuột này không khác nhau nhiều. Vấn đề thực chất nảy sinh ở hông chuột. Nếu như Sensei RAW có phần hông khá lớn và vừa tay, thì không hiểu vì sao, Taipan lại bị “thắt” lại ở vị trí giữ ngón cái, gây cảm giác hẫng cũng như khó xoay trở để bấm nút phụ.
Thế nhưng, cũng chính nút hông của Razer lại là cứu cánh cho chú chuột. Nút hông của Sensei RAW lớn và nhạy, vì thế ngón áp út của người sử dụng rất dễ đụng nhầm. Và trong khi chơi game, đặc biệt là tranh tài đỉnh cao, thì sẽ thật tai hại nếu bạn ấn nhầm một trong số những nút phụ. Trên Taipan, mặc dù nút không lớn, nhưng chính điều đó đã giúp người sử dụng không “bấm nhầm” trong quá trình chơi game.
Thử nghiệm hai chú chuột ở tốc độ 900 dpi, acceleration mức 0, polling rate (tần suất làm tươi tin hiệu) 1000Hz ở cả SteelSeries Engine lẫn Razer Synapse 2.0, cả hai đều tỏ ra là hai chú chuột chơi game cực kỳ xuất sắc. Thử nghiệm với CS 1.6, switch Omron đã hoàn thành cực kỳ xuất sắc nhiệm vụ của nó khi mỗi động tác tap AK-47 lẫn click zoom AWP đều “nảy tanh tách”, rất nhạy và chính xác.
Chuyển sang DotA 2, bỗng nhiên Sensei RAW lại chiếm ưu thế hơn hẳn vì hai lý do. Thứ nhất, Sensei RAW nhẹ hơn một chút so với Taipan, nên cảm giác “frag” trên Kai.G3 “sướng” và nhanh hơn rất nhiều. Thứ hai, chính cảm giác đuôi chuột hơi nhỏ đã khiến tôi hơi khó khiển tướng bằng Taipan. Tuy nhiên, cậu bạn tôi lại có cảm giác hoàn toàn khác. Sở hữu bàn tay có ngón ngắn hơn, cậu cho rằng Taipan mới là chú chuột có kích thước hợp lý. Điều này trên lý thuyết hoàn toàn có thể xảy ra, vì cảm giác chuột, cũng như những chú chuột một game thủ đã dùng trong quá khứ ảnh hưởng khá nhiều đến việc sử dụng “vũ khí” hiện tại (tôi quen dùng IE 3.0, nhưng cậu bạn tôi lại quen sử dụng Abyssus).
Khi Taipan ra mắt, một số người đã tỏ ý nghi ngại. Mặc dù sử dụng cảm biến Avago, thương hiệu làm nên thành công cho DeathAdder, nhưng với những “thất bại” về mặt kỹ thuật như Mamba hay Lachesis, người sử dụng hay thậm chí là cả fanboy cũng khá “ngại” khi đề cập đến chuyện liệu rằng họ có sử dụng Taipan hay không. Tuy nhiên, nhận định sơ bộ của GenK là hệ thống cảm biến kép của Taipan đã làm khá xuất sắc vai trò của nó. Khi bật nhạc lớn bằng hệ thống loa vi tính, âm bass từ subwoofer đã không làm con trỏ chuột… nhún nhảy nữa (tác hại từ việc cảm biến trục Z quá nhạy).
Ở một khía cạnh khác, mặc dù chỉ sử dụng cảm biến laser đơn tốc độ 5.700 DPI (Taipan có tốc độ cảm biến tối đa 8.200 DPI, nhưng đó đều chỉ là những thông tin để câu khách), nhưng Sensei RAW lại đem lại cảm giác sử dụng mượt mà hơn nhiều XAI. Lift off distance của cả Taipan lẫn Sensei RAW đều nằm trong khoảng 2 đến 5 mm, phụ thuộc vào bề mặt và màu sắc của mousepad (thông thường pad màu tối sẽ khiến LOD của chuột cao hơn). Nút chuyển tốc độ chuột ở cả 2 sản phẩm đã phần nào làm tôi thỏa mãn, vì 2 tốc độ chuột chủ yếu tôi hay sử dụng là 450 và 900 DPI.
Trên Taipan, bạn có thể chuyển đổi linh hoạt 5 mức tốc độ chuột khác nhau được tinh chỉnh sẵn thông qua driver nhờ vào 2 nút chuyển đổi tốc độ chuột ngay dưới nút cuộn. Trong khi đó, với Sensei RAW, bạn chỉ có thể thay đổi 2 mức tốc độ chuột, tương ứng với hai chế độ “đèn tắt” và “đèn bật” trên chuột.
Tạm kết
Với mức giá vào khoảng 1,7 triệu Đồng tại Việt Nam, Taipan và Sensei RAW là chú chuột chơi game cao cấp (với cộng đồng game thủ Việt Nam, trong khi 2 hãng đều xếp hai sản phẩm này ở thị trường tầm trung) rất đáng để đầu tư. Những game thủ sở hữu bàn tay bé, ngón ngắn chắc chắn sẽ cảm thấy phù hợp với Taipan, trong khi Sensei RAW cực kỳ phù hợp với bàn tay lớn và có ngón tay dài. Hiện người sử dụng hoàn toàn có thể mua hai sản phẩm này tại Việt Nam thông qua hai nhà phân phối
Altech Việt Nam (Razer Taipan) và
Công ty TNHH SVHouse (Steelseries Sensei RAW).
(Ảnh: Vi Dũng)