Đại chiến ĐNÁ của 2 người bạn cũ: Học chung lớp Harvard, cùng trở về quê nhà lập startup tỷ đô, rồi trở thành đối thủ không đội trời chung

    Vân Đàm, Theo Trí Thức Trẻ 

    Ít ai biết rằng 5 năm trước, tại một lớp học ở đại học Harvard, CEO Go-Jek và CEO Grab vẫn còn đang bắt chuyện làm quen với nhau. Nay họ đã trở thành kẻ thù trên thương trường.

    Ngày hôm nay, ứng dụng gọi xe Go-Jek của Indonesia vừa tuyên bố họ sẽ chính thức mở rộng kinh doanh ra khỏi quê nhà để trực tiếp đối đầu với Uber và Grab ở sân chơi lớn hơn trong toàn khu vực.

    Đây được biết đến là startup tỷ đô đầu tiên của Indonesia và cũng là startup lớn nhất của đất nước này. Tuy nhiên, có một điểm ít người biết đến là đồng sáng lập kiêm CEO của Go-Jek Nadiem Makarin hiện tại chính là bạn học cùng lớp tại trường kinh doanh Harvard với đồng sáng lập kiêm CEO Grab là Anthony Tan.

    Nếu như Grab hiện đang phát triển bùng nổ trên khắp 7 quốc gia Đông Nam Á với định giá 6 tỷ USD thì Jo-jek lại đang trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên của quốc gia đông dân thứ 4 thế giới là Indonesia với định giá khoảng 3 tỷ USD.

    Như vậy, từ 2 chàng sinh viên đại học Harvard, hiện tại 2 người đã cùng quyết định quay lại quê hương, cùng lập ra startup tỷ đô, cùng kinh doanh trong một lĩnh vực và giờ trở thành đối thủ cạnh tranh không đội trời chung của nhau.

    Cùng nghĩ ra ý tưởng khởi nghiệp tỷ đô vì chứng kiến nạn kẹt xe ở nước nhà

    Sau khi tốt nghiệp đại học Mỹ và quay trở lại quê hương làm ở một vài nơi như ngân hàng Goldman Sachs, năm 2009, chàng trai người Indonesia Makarin quyết định quay trở lại Mỹ theo học ở trường kinh doanh Harvard. Đến mùa hè năm 2010, Makarim về lại quê nhà Jakarta, nơi anh tìm thấy cảm hứng trong các góc phố hỗn loạn và ngập tràn khói bụi, nơi anh thoải chia sẻ những điếu thuốc lá và chuyện trò với cánh lái xe ôm, thường được gọi là ojeks trong tiếng địa phương.

    Thời gian này Makarim nhận ra một điều đặc biệt. Những người lái xe này phải dành tới 3/4 thời gian một ngày để chờ đợi khách, làm việc độc lập và không gắn bó với tổ chức nào cả. Vì không có mức giá rõ ràng, một số lái xe đòi tới 4 USD cho một quãng đường rất ngắn. Và chẳng có gì ngạc nhiên, nhiều người coi ojeks là lựa chọn cuối cùng để di chuyễn giữa những con đường ách tắc.

    "Hồi ấy tôi chưa học xong tại Trường Kinh doanh Harvard và đang thực tập mùa hè. Tôi tán gẫu với vài người hành nghề xe ôm, mua cà phê cho họ và tìm hiểu điều kiện kinh tế của họ. Thực sự tôi muốn biết những điểm mà họ thích và ghét trong công việc", Makarim kể.

    Để chuyên nghiệp hóa hoạt động của những người lái xe ôm, năm 2010, Makarim và ba người bạn nữa mở một văn phòng Go-Jek tại Jakarta.

    "Tôi đã tự đi tìm kiếm và thuê hai mươi lái xe đầu tiên", Makarim nhớ lại.

    Đại chiến ĐNÁ của 2 người bạn cũ: Học chung lớp Harvard, cùng trở về quê nhà lập startup tỷ đô, rồi trở thành đối thủ không đội trời chung - Ảnh 1.

    Đồng sáng lập kiêm CEO Grab Anthony Tan.

    Vì không có đủ vốn hoạt động, những người lái xe chỉ làm việc cho Go Jek dưới dạng bán thời gian. Makazim phải làm thêm nhiều việc ở các startup khác, làm giám đốc quản lý cho Zalora Indonesia và giám đốc sáng tạo tại Kartuku, một công ty chuyên về thanh toán, để có tiền tiếp tục kinh doanh.

    Trong khi đó, hành trình tạo nên startup tỷ đô Grab cũng tương tự như vậy. Theo lời kể của Tan Hooi Ling – 33 tuổi thì cô cùng với đồng sáng lập hiện tại của Grab là Anthony Tan cùng theo học tại trường kinh doanh Harvard. Khi ấy, trong một sự kiện cắm trại của trường, các thầy cô giáo đã tổ chức một cuộc thi ý tưởng kinh doanh giúp ích cho những người thu nhập thấp dành cho sinh viên. Anthony và Tan đã quyết định trở thành một nhóm và cùng lên ý tưởng cho cuộc thi.

    Cả 2 dành nhiều ngày để hoàn thiện ý tưởng của mình. "Cô ấy thậm chí làm việc ngay cả khi chúng tôi đi trượt tuyết tại Colorado", Arum Kang – người bạn cùng lớp ở trường Harvard với Tan nhớ lại.

    Kasturi Rangan – giáo sư tại trường kinh doanh Harvard - người đã dạy cả 2 nhà đồng sáng lập Grab nói rằng nền tảng giáo dục tại Malaysia cùng với khả năng phân tích tốt đã giúp Tan nắm bắt được những cơ hội mà mọi người thường cho rằng có rất ít khả năng thành công".

    Taxi tại Malaysia hiển nhiên không an toàn và không đáng tin cậy. "Nhìn chung hành khách không thể hoàn toàn tin tưởng lái xe, còn xe thì có mùi rất khó chịu". Thậm chí, các lái xe thường đi quá đường để tính thêm phí.

    Sau khi tốt nghiệp từ trường kinh doanh, Tan được phân bổ vào làm tại văn phòng San Francisco của McKinsey trong 2 năm. Tuy nhiên, cô quyết định rút ngắn thời gian, trả lại số tiền được tài trợ đi học ở Harvard trước đó và quay trở lại với dự án Grab. Lúc ấy, Tan hoàn toàn bị thuyết phục rằng ý tưởng cùng thực hiện với Anthony có thể thay đổi hoàn toàn xã hội Malaysia bằng việc mang lại lợi ích cho cả hành khách đi taxi và lái xe taxi.

    "Chúng tôi tin tưởng cả 2 sẽ bổ sung những điểm mạnh và bù trừ điểm yếu cho nhau", Anthony – đồng sáng lập Grab cùng Tan, đồng thời là con của một gia đình sở hữu doanh nghiệp ô tô lớn ở Malaysia.

    Hiện tại ở Grab, Anthony đóng vai trò quan trọng, chịu trách nhiệm quan hệ với các nhà đầu tư. Còn Tan vốn là một sinh viên kỹ thuật chuyển sang làm kinh doanh vì vậy cô ấy đóng vai trò đứng phía sau hậu trường.

    Bạn đồng môn thành kẻ thù

    Nhớ lại thời điểm 5 năm trước, Nadiem Makarin là sinh viên trường kinh doanh Harvard khi anh đang cố bắt chuyện làm quen với Anthony Tan. Cùng tuổi, lại cùng tới từ những quốc gia Đông Nam Á, họ dễ dàng bắt chuyện và làm quen với nhau. Trong quá trình theo học, họ cùng nhau làm những bài tập kinh doanh và cũng phác thảo ra được một vài ý tưởng kinh doanh.

    Đại chiến ĐNÁ của 2 người bạn cũ: Học chung lớp Harvard, cùng trở về quê nhà lập startup tỷ đô, rồi trở thành đối thủ không đội trời chung - Ảnh 2.

    Sau này khi kết thúc việc học ở trường, cả 2 cùng trở về quê nhà lập nghiệp. Nếu như Makarim phát triển ứng dụng điện thoại để đặt xe máy tại Indoneisa thì Tan lại khởi nghiệp dịch vụ tương tự như vậy với cả xe máy, taxi và ô tô riêng ở Malaysia. Hiện tại, những người bạn đồng môn năm nào đều đã tìm được thành công riêng và họ thậm chí trong vị thế đối đầu nhau.

    Go-Jek của Makarin hiện trở thành ứng dụng phổ biến nhất ở quê nhà Indonesia đặc biệt là những thành phố chứng kiến nạn tắc đường kinh khủng như Jakarta. Grab của Tan cũng đạt được thành công tương tự và hiện họ đang có mặt tại 7 quốc gia Đông Nam Á trong đó có cả Indonesia.

    Việc 2 công ty trở thành đối thủ cạnh tranh của nhau đã khiến mối quan hệ bạn đồng môn của họ trở nên khó xử và cả 2 đều hạn chế nói về vấn đề này.

    "Thật khó khăn khi bạn phải cạnh tranh với chính bạn bè của mình", CEO Makarim nói. "Tôi hiểu rằng kinh doanh là kinh doanh. Đôi khi có những việc mình buộc phải điều chỉnh theo nó", CEO Tan nói.

    Dĩ nhiên nhiều người cho rằng ý tưởng kinh doanh của cả Grab và Go-Jek chỉ là "sao chép" mô hình kinh doanh tại Mỹ là Uber. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, họ đã chứng minh khi thậm chí Uber còn tỏ ra đuối sức tại châu Á.

    "Những gì Go-Jek làm được đã chứng minh rằng nếu bạn có thể đưa một ý tưởng kinh doanh đã thành công và địa phương hóa đó vào đúng lúc, đúng thời điểm - cộng thêm một nguồn lực vốn tốt hỗ trợ - bạn hoàn toàn có thể phát triển nhanh hơn những gì mình tưởng tượng", Adrian Li - Giám đốc quản lý tại Convergence Ventures nhận định.

    Trong trường hợp của Go-Jek và Grab kể trên, thậm chí có tới 2 mô hình sao chép và đều thành công.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ