Đại chiến ngành chip: Khi sản phẩm bé bằng móng tay trở thành điểm ‘nóng’ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Cuộc chạy đua phát triển chip điện tử đang nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Theo tờ Business Insider (BI), thế giới đang “khát” sản phẩm chip điện tử. Từ những chiếc điện thoại thông minh cho đến tủ lạnh trong nhà bếp, từ hệ thống tên lửa quân sự cho đến những chiếc xe điện đều cần chip điện tử.
Hiện nay, mọi mặt của đời sống con người đều có liên quan, nếu không muốn nói là phụ thuộc vào sản phẩm chỉ bé bằng móng tay của ngành chất bán dẫn này.
Quan trọng là vậy nhưng chip điện tử không hề dễ để sản xuất chút nào, nhất là những dòng chip mới hiện đại. Ngành này cần lượng lớn máy móc đồ sộ, tinh vi, vật liệu quý và vô số những kỹ thuật cấp cao đến mức đáng kinh ngạc.
Chính bởi vậy mà việc sản xuất những con chip điện tử hiện đang được thực hiện bởi một mạng lưới cung ứng toàn cầu và chỉ một số tập đoàn nắm giữ được những ưu thế nhất định. Ví dụ như hãng TSMC của Đài Loan hiện đang kiểm soát 90% sản lượng phần cứng của các chip dòng cấp cao.
Với tầm quan trọng và sự khó khăn để sản xuất như vậy, không có gì khó hiểu khi tờ BI nhận định một cuộc chạy đua phát triển chip sẽ bùng nổ. Nếu nói cuộc chiến tranh lạnh (Cold War) là cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ thì chip điện tử có thể sẽ là điểm khơi mào cho một cuộc chạy đua mới giữa các cường quốc kinh tế.
“Các nhà hoạch định chiến lược ở cả Bắc Kinh lẫn Washington đều hiểu rằng tất cả những công nghệ hiện đại ngày nay, từ tên lửa đến Drone quân sự hay thiết bị vận tải đều cần đến chip điện tử”, phó giáo sư Chris Miller của trường đại học Tufts University, đồng thời là tác giả cuốn “Chiến tranh chip điện tử”, nhận định.
Với diễn biến phức tạp của đại dịch tại Trung Quốc và sự thiếu hụt nguồn cung chip điện tử hiện nay, Mỹ đang có cơ hội để tăng cường chạy đua trong mảng bán dẫn này. Thế nhưng thực tế thì không dễ dàng như vậy.
Trái tim của Thung lũng Silicon
Vị thế sản xuất chip điện tử của Mỹ đã bị xói mòn qua rất nhiều thập niên. Báo cáo của Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) cho thấy thị phần sản xuất chip điện tử của Mỹ đã giảm từ 37% năm 1990 xuống chỉ còn 12% năm 2020.
Trước tình hình này, chính quyền Washington đã làm mọi cách để cứu vãn nhằm đưa nhà máy sản xuất chip điện tử trở về Mỹ. Vào tháng 8/2022, Nghị viện Mỹ thông qua đạo luật “CHIPS Act”, qua đó chi tới 280 tỷ USD đầu tư nghiên cứu cho mảng chất bán dẫn.
Sự đầu tư ồ ạt từ cấp liên bang cho đến chính quyền từng bang đã khiến nhiều công ty dịch chuyển nhà máy trở lại Mỹ. Ví dụ như Intel, nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu Mỹ đã chi 20 tỷ USD cho dự án cơ sở sản xuất chip lớn nhất thế giới tại bang Ohio. Dự kiến nhà máy này sẽ tuyển dụng ít nhất 3.000 lao động sau khi hoàn thành vào năm 2025.
“Chúng tôi đã từng góp sức dựng nên Thung lũng Silicon. Giờ đây chúng tôi sẽ tạo nên trái tim cho nó”, CEO Pat Gelsinger của Intel nói với tờ Time trong lễ công bố dự án vào tháng 1/2022.
Intel đã xem xét 38 địa điểm khác nhau trên toàn nước Mỹ trước khi chọn New Albany-Ohio làm nơi đặt nhà máy mới. Ngoài yếu tố có đủ nguồn nước làm mát cho việc sản xuất chip thì nguồn lao động trung lưu dồi dào cũng là một nguyên nhân cho quyết định này.
Bên cạnh đó, vùng ngoại ô tập trung các khu trung tâm dữ liệu của Amazon, Google và Facebook cũng khiến New Albamy trở nên hấp dẫn hơn.
Nhiều báo cáo nghiên cứu cho thấy nhà máy mới sẽ cho được mức lương bình quân 135.000 USD/năm với người lao động, khoảng 70% công việc sẽ liên quan đến kỹ thuật, qua đó yêu cầu bằng cấp hoặc trình độ tương đương.
Tất nhiên, dự án tư nhân lớn nhất trong lịch sử bang Ohio này đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của chính quyền địa phương. Ngay từ trước khi công ty tuyên bố dự án, bang Ohio đã thông qua khoản ngân sách mới vào tháng 6/2021 nhằm thu hút các khoản đầu tư siêu khổng lồ.
Thế rồi trong bản ngân sách tài khóa 2022-2023, Ohio tiếp tục có những hỗ trợ như ưu đãi về thuế, giảm hoặc bỏ hoàn toàn thuế bất động sản cho các dự án trị giá hơn 1 tỷ USD...
Sau 1 tuần kể từ khi Intel công bố dự án, bang Ohio tiếp tục công bố gói hỗ trợ trị giá 2 tỷ USD, khoản ngân sách trợ giúp lớn nhất trong lịch sử bang này. Gói ngân sách này bao gồm 700 triệu USD mở rộng đường cao tốc và nâng cấp cơ sở hạ tầng, 600 triệu USD đầu tư cho chính dự án của Intel và 650 triệu USD ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về phía chính quyền New Albany, địa phương này đã miễn thuế bất động sản dài nhất trong lịch sử với dự án của Intel, thời hạn là 30 năm. Thậm chí chính quyền nơi đây còn sáp nhập hẳn các vùng đất của thị trấn quanh đó để có đủ quỹ đất xây nhà máy cho Intel.
Thách thức
Theo tờ BI, việc cấp lượng lớn ngân sách và ưu đãi thuế cho Intel sẽ buộc Ohio cũng như New Albany phải đánh đổi những thứ khác do nguồn lực địa phương là có hạn.
Về lý thuyết, hàng nghìn việc làm sẽ được tạo ra khi dự án siêu khổng lồ của Intel được hoàn thiện bởi chúng sẽ kéo theo vô số các doanh nghiệp nhỏ và người nộp thuế đến cho Ohio. Nhiều ước tính cho thấy nhà máy của Intel có thể tạo ra tới 10.000 việc làm cho địa phương, qua đó gia tăng nguồn thu thuế và phát triển kinh tế.
Trớ trêu thay, nghiên cứu của trường đại học bang Ohio cho thấy thay vì đem lại lợi ích cho tất cả mọi người thì dự án này lại hút cạn nguồn lực hạn hẹp của địa phương.
Trong vài năm trước khi Intel đến, bang Ohio đã gặp vấn đề vì người dân phản đối việc chính quyền địa phương giành quá nhiều ưu đãi cho các nhà phát triển bất động sản.
Những báo cáo về việc dân số vùng trung tâm bang Ohio sẽ tăng từ 2 triệu người năm 2010 lên 3 triệu năm 2050 đã trở thành cái cớ cho chính quyền bang ưu đãi thuế với các doanh nghiệp bất động sản.
Thế nhưng với ngân sách hạn hẹp, riêng trong năm 2021, các trường học tại bang này đã tổn thất tới 51 triệu USD ngân sách từ thuế vì những ưu đãi trên.
“Các chương trình ưu đãi hầu như có lợi cho giới nhà giàu ở vùng trung tâm, trong khi ngân sách bị xói mòn cho gần 30.000 trẻ em, hơn một nửa trong số đó thuộc hộ gia đình có thu nhập dưới chuẩn nghèo”, báo cáo của trường đại học bang Ohio nêu rõ.
Với việc Intel tiếp tục được hưởng hàng loạt những gói hỗ trợ lớn, vấn đề thiếu nhà ở cũng như ngân sách cho dịch vụ công tại Ohio càng trở nên trầm trọng. Hậu quả là biểu tình đã nổ ra năm 2022 khi 4.500 giáo viên xuống đường vào tháng 8.
Cuộc biểu tình lần đầu tiên của công đoàn giáo viên bang Ohio kể từ năm 1975 này chỉ kết thúc khi chính quyền địa phương cam kết nhượng bộ.
Bên cạnh đó, việc Intel xây dựng dự án cũng đẩy giá bất động sản tại Columbus-New Albany thuộc bang Ohio. Mức giá thuê căn hộ một phòng ngủ tại đây đã tăng từ 600 USD năm 2015 lên 1.000 USD năm 2023.
Xin được nhắc lại là để thi công, Intel sẽ cần sử dụng đến 7.000 lao động xây dựng và sau đó là 3.000 công nhân nhà máy.
Thiếu nước
Ohio không phải là nơi duy nhất nhận được dự án xây dựng nhà máy chip điện tử. Nhờ khoản ngân sách hỗ trợ CHIPS Act mà New Yorks, Texas hay thành phố Phoenix-Arizona cũng nhận được các dự án tương tự.
Tuy nhiên để sản xuất chip thì các nhà máy sẽ cần hàng triệu gallon nước mỗi ngày và tại những nơi đang thiếu nước như Arizona thì đây là thách thức vô cùng lớn.
Dẫu vậy, phía Intel cho biết họ đã tuyển dụng hơn 10.000 lao động và đóng góp 3,9 tỷ USD cho GDP của bang Arizona năm 2019. Về vấn đề nước, hãng cho biết 80% lượng nước của nhà máy năm 2020 là từ tái chế, qua đó giảm lượng nước sử dụng của đường ống chung.
Như vậy thay vì dùng 14 triệu gallon nước mỗi ngày, nhà máy của Intel chỉ tốn khoảng 2,8 triệu gallon (1 gallon=0,0037 m3).
Ở một khía cạnh khác, tờ BI nhận định cho dù các nhà máy chip điện tử xây xong thì Mỹ cũng chưa có nhiều ưu thế. Hoạt động lắp ráp và đóng gói vẫn sẽ được hoàn thành ở nước ngoài chứ không phải Mỹ.
Kể cả công nghệ sản xuất chủ chốt thì Mỹ vẫn chậm chân hơn các tập đoàn sản xuất chip điện tử thế hệ mới tại Châu Á. Đó là chưa kể các nhà sản xuất khác cũng đổ hàng tỷ USD để tiếp tục phát triển trong cuộc chạy đua chip điện tử này.
*Nguồn: BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?