Đại chiến smartphone 2018: Đích đến mới là cận cao cấp
Khi thị trường tầm trung ngày một khốc liệt hơn, khi nhu cầu của người dùng tăng cao, các hãng smartphone sẽ buộc lòng phải chuyển hướng tập trung vào mức giá tiếp theo: cận cao cấp. Nhưng, cuộc chuyển dịch này sẽ không đơn thuần là một phép "copy paste" giống như khi thị trường từ bỏ phân khúc giá rẻ để đặt chân lên tầm trung.
Lời giải không xa lạ
Khi sức mua và nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu gia tăng, thị trường giá rẻ đã chìm vào khủng hoảng. Buộc lòng, các hãng sản xuất phải dần dần từ bỏ những chiếc smartphone rẻ mạt "có tiếng mà không có miếng" để tập trung dần vào phân khúc tầm trung có giá bán, lợi nhuận tốt hơn.
Nhưng khi smartphone tầm trung đã lên ngôi, thị trường vẫn không... đứng yên một chỗ. Giá smartphone tiếp tục tăng, nhu cầu người dùng cũng tăng. Buộc lòng, các nhà sản xuất phải chấp nhận đưa tính năng/cấu hình cao cấp hơn xuống tầm thấp. Kịch bản u ám của phân khúc tầm thấp ngày nào đang có dấu hiệu lặp lại với tầm trung.
Lời giải? Rất đơn giản: một lần nữa “đẩy” chiến trường trọng tâm lên một phân khúc giá cao hơn. Vừa để đón đầu người tiêu dùng, vừa để sinh lời và sống sót.
Không khó để nhận ra rằng nhiều đối thủ đang chuẩn bị cho bước đi tất yếu đó. BKK, công ty mẹ của OPPO và Vivo, đã thiết lập riêng thương hiệu OnePlus để tập trung tiến đánh mức giá 400 USD. Đây cũng là phân khúc được Samsung dành riêng một dòng sản phẩm quan trọng: Galaxy A, vốn là dòng Galaxy đầu tiên có thiết kế kim loại. Thương hiệu Honor của Huawei cũng được gia tăng một số sản phẩm "gợi nhắc" đến cao cấp, đặc biệt là chiếc Honor 9 với lớp vỏ bóng bẩy gợi nhắc đến thiết kế Galaxy S/Note của Samsung.
Cuộc chơi mới với bản chất khác biệt
Khi thị trường bước chân lên một mức giá mới, câu hỏi cũ sẽ lặp lại. Liệu phân khúc cận cao cấp liệu có tránh được các vấn đề đã từng xảy đến với phân khúc giá rẻ và phân khúc tầm trung?
Câu trả lời có lẽ là không. Khi giá bán tiến gần hơn đến phân khúc đầu bảng, yêu cầu của người dùng sẽ càng gia tăng. Các yếu tố như “số chấm” hay độ phân giải màn hình sẽ mất dần hiệu quả marketing để nhường chỗ cho các công nghệ “khó nhằn” như AMOLED, chip xử lý hình ảnh (ISP) hay thậm chí là trải nghiệm phần mềm – vốn không phải là các lợi thế “muốn là có” như màn hình LCD 4K, cảm biến camera của Sony hay các loại linh kiện phần cứng quen thuộc khác (chip, RAM, bộ nhớ flash).
Nói cách khác, cuộc chiến cận cao cấp sẽ vô cùng khốc liệt, nhưng là khốc liệt theo một cách khác hẳn so với tầm thấp và tầm trung. Các lợi thế có thể gợi nhắc đến khái niệm “cao cấp” sẽ không thể xuất hiện dày đặc, không thể dễ “học hỏi” như trước. Thị trường sẽ không bị đồng hóa.
Ngay đến cả kẻ thiết lập cuộc đua cấu hình/giá bán cũng phải chấp nhận luật chơi mới. Với dòng Mi Mix (giá khởi điểm 550 USD) có cấu hình không mạnh hơn Mi là bao, Xiaomi âm thầm phá bỏ triết lý đã từng giúp hãng này lên ngôi: giá trị của smartphone không chỉ nằm ở cấu hình.
Ai là kẻ chiến thắng?
Trên chiến trường mới, kẻ có lợi nhất sẽ là Samsung. Gã khổng lồ Hàn Quốc được cho là tích cực nâng cấp dòng Galaxy A, đồng thời cũng đang ấp ủ hồi sinh một chiếc Galaxy S9 mini. Bằng cách thu nhỏ kích cỡ, Samsung có thể dễ dàng chinh phục người dùng rằng, ở mức giá cận cao cấp, tín đồ S9 mini sẽ được tận hưởng trải nghiệm hoàn toàn cao cấp, chỉ khác là... thu nhỏ đi mà thôi.
Samsung vẫn là đối thủ duy nhất của Apple trên phân khúc đầu bảng. Rõ ràng, tạo ra một chiếc smartphone tầm trung từ nền tảng là một chiếc smartphone đầu bảng sẽ không gây khó khăn cho Samsung. Bên cạnh Samsung, các đối thủ như Huawei, LG và HTC cũng sẽ tạo ra một sức ép nhất định: đây đều là các đối thủ đã từng tấn công vào phân khúc giá cao cấp. Dĩ nhiên, mỗi tên tuổi trong số này đều đang có nhiều vấn đề nhất định, song sự góp mặt của họ là điều có thể dự tính đến.
Ở phía ngược lại, các tên tuổi Trung Quốc sẽ phải đặt chân vào một vùng đất xa lạ đầy hiểm nguy: họ chưa từng có kinh nghiệm chế tạo smartphone đầu bảng. Một vài ý tưởng như vỏ gốm (Mi Mix 2) hoặc 8GB RAM (OnePlus 5) sẽ giúp các đối thủ này có chút lợi thế cạnh tranh riêng, nhưng Samsung có thể tạo ra một chiếc smartphone cận cao cấp theo cách dễ hơn rất nhiều: gọt bớt vài tính năng của Galaxy S9 hoặc Xperia XZ2.
Lợi thế mới cũng sẽ đi kèm thử thách mới. Phân khúc cận cao cấp sẽ chứng kiến một đối thủ chưa từng “đánh” nghiêm túc vào tầm thấp hay tầm trung: Apple. Thương hiệu iPhone vẫn luôn có một sức hút đặc biệt với người tiêu dùng nói chung, chưa kể Apple của Tim Cook hiện đang có mức độ ưu ái nhất định dành cho các phân khúc giá dễ chịu hơn trước. Trong năm nay, chưa biết Tim Cook sẽ mang đến cải tiến nào cho iPhone SE 2. Đáng sợ hơn, giá gốc của iPhone 6s/6s Plus hiện chỉ còn 450/550 USD.
Ai sẽ là kẻ chiến thắng? Câu trả lời chưa thể sớm xuất hiện. Song, sự thật chắc chắn là phân khúc cận cao cấp sẽ sớm thay thế phân khúc tầm trung để trở thành mảnh đất trọng điểm. Cuộc chiến mới sẽ chứng kiến những khó khăn mới và những cơ hội mới cho tất cả các đối thủ, và kẻ chiến thắng sẽ nắm giữ một lợi thế quan trọng khi thị trường buộc phải thực hiện bước tiến cuối cùng: dịch chuyển hẳn lên “đầu bảng”.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI