Đại chiến thế giới lần thứ II: Lịch sử những chiếc ô tô nổi tiếng của hai phe Xô – Đức (Phần 2)
Nguyên tắc thiết kế của những chiếc ô tô thời chiến của cả hai phe Xô - Đức đều giống nhau: loại bỏ tất cả những thứ không cần thiết khỏi một chiếc xe bình thường để biến chúng thành xe quân sự.
(Tiếp theo)
Phe Đức
Ở Đức, hầu như tất cả các nhà máy đều cung cấp ô tô cho Wehrmacht. Trong biên chế của quân đội Đức có đầy đủ các mẫu xe từ loại đại trà rẻ tiền, xe sedan cho đến những chiếc mui trần hay thậm chí là cả xe limousine. Khi Thế chiến II bắt đầu nổ ra thì việc sản xuất những chiếc xe du lịch thông thường dần dần bị loại bỏ. Nhà máy cuối cùng lắp ráp dòng xe này cho đến trước năm 1943 là Mercedes-Benz.
Cuộc chiến hóa ra khó khăn và kéo dài hơn nhiều so với dự kiến của các sĩ quan Đức. Và dần dần, những chiếc xe đặc chủng được thiết kế dành riêng cho mục đích quân sự cũng bắt đầu xuất hiện để thế chỗ cho những chiếc xe du lịch và xe tải dân dụng trong lực lượng xe cơ giới của quân đội Đức.
Kể từ giữa những năm 1930, rất nhiều công ty của Đức đã bắt đầu sản xuất các phương tiện cơ giới chỉ huy và xe trinh sát hạng nhẹ với phần thân được đơn giản hóa. Người Đức gọi những chiếc xe này là Kübelwagen (từ tiếng Đức kübel nghĩa là "cái chậu") do hình dạng khá buồn cười của chúng.
Nguyên tắc thiết kế của những "cái chậu gắn động cơ" này rất đơn giản: loại bỏ tất cả những thứ không cần thiết khỏi một chiếc xe bình thường. Thân xe càng đơn giản càng tốt, cửa và hai bên hông thẳng, thậm chí ở nhiều chiếc xe còn không có cửa; không có kính cửa sổ hai bên, mui xe được làm đơn giản bằng vải. Bù lại phần lốp xe thì trông dữ dằn hơn hẳn so với những chiếc xe dân dụng.
Có tin đồn rằng một mẫu xe tương tự như vậy đã từng được chế tạo tại nhà máy KIM ở Moscow từ một chiếc mui trần KIM-10-51 vào mùa thu năm 1941. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về chiếc xe này hiện không thể tìm lại được nữa.
Ý tưởng về một chiếc xe "hình cái chậu" ở Đức đã được phòng thiết kế của Ferdinand Porsche áp dụng và cải tiến. Trên cơ sở mẫu xe nhỏ gọn với động cơ đặt sau rất phổ biến là Volkswagen KDF Kafer (hay còn được biết đến với tên gọi Volkswagen Beetle - Bọ cánh cứng), người ta đã tạo ra chiếc KDF 82 bốn cửa với thiết kế tối giản. Chiếc xe này có các tấm panel trên thân và mui được làm thẳng, mỏng và động cơ đặt phía sau cho công suất 23,5 mã lực. Những yếu tố này giúp cho KDF 82 nổi bật hơn hẳn bởi khả năng sửa chữa đơn giản, độ tin cậy cao và rất nhẹ.
Phe Liên Xô
Quay trở lại với phe Liên Xô, nơi mà loại xe dẫn động toàn phần 4 bánh dựa trên mẫu "Emka" đã từng xuất hiện trước chiến tranh. Các nhà chế tạo ô tô Liên Xô đã xây dựng được cả một đại "gia đình" xe đa dạng gồm một mẫu sedan, một mẫu mui trần và một mẫu bán tải. Nhưng quá trình chuẩn bị tiền sản xuất tốn rất nhiều thời gian nên phải đến tận năm 1941 thì những chiếc sedan GAZ-61 đầu tiên được sản xuất mới xuất hiện. Và trong toàn bộ cuộc chiến thì chỉ có chưa đến 200 chiếc xe loại này được lắp ráp.
Nhờ khả năng vượt địa hình tuyệt vời và "sự khiêm nhường" của mình mà mẫu xe GAZ-61 đã để lại những ấn tượng ấm áp đặc biệt trong lòng người lái xe của Nguyên soái Zhukov, ông Alexander Buchin.
Trên nền tảng của chiếc sedan này, vào thời kỳ đầu chiến tranh, các kỹ sư Xô Viết đã chế tạo ra một phương tiện quân sự tuyệt vời là GAZ-61-417. Đây là mẫu xe bán tải mui trần dẫn động bốn bánh toàn thời gian, với cabin được giản lược tối đa: không có mui, cũng chẳng có cửa. Và mặc dù đã tối giản hết mức nhưng nhà máy ô tô Gorky cũng không thể đưa mẫu xe này vào sản xuất hàng loạt với quy mô lớn. Vì vậy mà trong năm 1941 chỉ có chưa đến bốn chục chiếc GAZ-61-417 được xuất xưởng.
Vấn đề tương tự cũng xảy ra với các mẫu SUV GAZ-64 và GAZ-67. Các nhà quản lý không đủ năng lực để có thể tổ chức sản xuất hàng loạt cùng một lúc nhiều mẫu xe như vậy nên họ đã tổ chức một cuộc thi vào năm 1941 nhằm chọn ra một mẫu xe để sản xuất trên quy mô lớn. Đối thủ cạnh tranh của GAZ-64 là mẫu xe NATI-AR với động cơ xăng có công suất 57 mã lực – được đánh giá là hoàn thiện hơn động cơ của chiếc GAZ-64.
Mẫu xe NATI-AR
Chiếc xe GAZ-64 với động cơ nối tiếp có công suất 54 mã lực, không có hộp số giảm tốc. Tuy nhiên, những điểm yếu này lại được bù đắp bởi khả năng hoạt động như một chiếc "máy kéo". Ban đầu người ta khuyến nghị chỉ sử dụng khả năng kéo pháo trên đường tốt. Về sau, các kỹ sư đã hoàn thiện thiết kế để tất cả các mẫu xe sản xuất hàng loạt đều có khả năng này.
Thế nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó. Tất cả sức lực của nhà máy đều dồn cho các mẫu xe GAZ-MM "tấn rưỡi", GAZ-AAA ba trục và các loại xe tăng hạng nhẹ. Cho đến năm 1943 mới chỉ có 762 xe GAZ-64 được chế tạo. Sau khi được nâng cấp và tăng khổ lốp thì mẫu xe này được định danh là GAZ-67, còn từ năm 1944 trở đi là GAZ-67B.
Dây chuyền sản xuất GAZ-67
Chiếc xe này không tệ, nhưng vai trò của nó trong chiến tranh không có gì nổi bật. Cho đến năm 1945 mới chỉ có chưa đến năm nghìn chiếc được sản xuất, trong khi có đến gần 40 nghìn chiếc Willys MB "lừng danh thế giới" của Mỹ được sử dụng trong Hồng quân Liên Xô dưới chính sách Lend-Lease* của Mỹ.
Willys MB là mẫu xe huyền thoại
Willys MB là mẫu xe cực kỳ thành công nhờ được trang bị hộp số giảm tốc, động cơ 60 mã lực mạnh mẽ, dễ điều khiển hơn GAZ-67 và hệ thống phanh cực tốt. Những chiếc xe Willys MB đậm chất Mỹ đã nhận được sự tôn trọng trên toàn thế giới - bao gồm cả những bác tài Xô Viết.
Sau chiến tranh, GAZ-67 tiếp tục được sản xuất cho đến tận năm 1952. Cùng với Willys MB của Mỹ, 2 mẫu xe này vẫn "cần mẫn" phục vụ trong nhiều thập kỷ tại các nhà máy, xí nghiệp hay thậm chí được các tư nhân mua lại.
*Lend-Lease là tên một đạo luật được quốc hội Mĩ thông qua vào ngày 11/03/1941, trong đó trao quyền cho Tổng thống Mĩ được phép viện trợ quân sự một lượng nhất định (do Quốc hội quy định) tiền và nguyên vật liệu, vũ khí cho bất cứ chính quyền và quốc gia nào mà Tổng thống cho rằng "an ninh của nước đó có tầm quan trọng đối với an ninh của nước Mĩ".
Theo đó, từ năm 1941 đến tháng 8 năm 1945, Mỹ đã cung cấp miễn phí rất nhiều thực phẩm, dầu, và trang thiết bị cho Vương quốc Anh, Pháp, Trung Quốc, và sau đó là Liên Xô cùng các nước đồng minh.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"