Đại diện cấp cao Huawei tự thừa nhận Harmony OS không thể thay thế được Android, nếu cố thì chắc chắn thất bại
Khác hẳn với những lời khoe khoang của CEO Richard Yu cách đây 2 tuần.
Trước những sóng gió gặp phải với cuộc chiến tranh Mỹ - Trung, Huawei đã phải phát triển một hệ điều hành dành riêng cho mình mang tên Harmony OS. Thế nhưng cũng theo lời của hãng, thì đây không phải là hệ điều hành được làm ra để thay thế Android, nếu làm vậy thì nó chắc chắn sẽ thất bại.
Ông James Lu
Theo ông James Lu, quản lý cấp cao các sản phẩm EMUI của Huawei thì các smartphone và máy tính bảng sở hữu hệ điều hành Harmony OS chắc chắn sẽ phải chờ một thời gian nữa mới được bán ra thị trường.
Ông phải thừa nhận rằng hệ điều hành và hệ sinh thái của Android đã quá trưởng thành, đã được sử dụng bởi cả người dùng lẫn những nhà phát triển. Chính vì vậy, việc một hệ điều hành non trẻ muốn cạnh tranh với nó là một điều bất khả thi.
"Harmony OS sẽ không phải là hệ điều hành thay thế Android, nếu làm vậy thì chắc chắn nó sẽ thất bại."
Để giải thích cho câu nói này, ông chia sẻ rằng Harmony OS sẽ hướng tới một nhiệm vụ khác: trở thành hệ điều hành chung cho những thiết bị IoT, giúp chúng có thể 'nói chuyện' được với nhau. Hiện nay đã có nhiều sản phẩm có khả năng kết nối mạng, từ smartwatch, TV, drone và cả ô tô, việc mỗi sản phẩm có 1 hệ điều hành, hệ ứng dụng riêng là một trở ngại lớn.
Việc có một hệ điều hành chung, một hệ ứng dụng chung sẽ giúp người dùng có một trải nghiệm tốt hơn. Ứng dụng sẽ có khả năng thích ứng với từng sản phẩm, nhưng vẫn giữ nguyên những tính năng chính của nó. Ví dụ như lên xe ô tô, người dùng sẽ có một giao diện ứng dụng chơi nhạc đơn giản, không có khả năng hiển thị lời (để tránh gây xao nhãng), nhưng sẽ được kích hoạt lại khi chuyển sang TV chẳng hạn.
Liệu Harmony OS có thể trở con bài cứu cánh của Huawei?
Sự ra mắt của Harmony OS đã được nhiều người đoán trước, sau khi Huawei bị cấm giao thương với các công ty của Mỹ, trong đó có Google là hãng đang sở hữu Android. Kéo theo đó, hãng cũng không thể sử dụng các dịch vụ của Google như Gmail, Youtube và Maps. Hiện Mỹ cũng đã nới lỏng lệnh cấm thêm 90 ngày, nhưng tình hình sau đó vẫn là dấu hỏi lớn.
Ông Lu chỉ ra rằng trong buổi ra mắt Harmony OS, Huawei giới thiệu rằng sẽ ra mắt các sản phẩm như TV, smartwatch, xe hơi và PC. Smartphone và máy tính bảng không được nhắc tới cũng có lý do.
"Như tôi đã đề cập, hệ điều hành Android đã quá trưởng thành nên chúng tôi sẽ cố gắng sử dụng EMUI (giao diện Android của Huawei) càng lâu càng tốt. Sau đó, Harmony OS sẽ được phát triển để sử dụng trên smartphone và máy tính bảng khi chúng tôi không còn được dùng Android nữa."
Ông cũng cho biết hãng đang gấp rút phát triển các ứng dụng để thay thế cho dịch vụ Google đang có. Trong thời gian sắp tới, người dùng có thể mong chờ những sản phẩm đầu tiên sử dụng Harmony OS là smartwatch và TV. Còn khi được hỏi là bao giờ sẽ xuất hiện smartphone có Harmony OS, ông Lu không cho thời điểm chính xác, nhưng nói rằng "sẽ sớm thôi".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"