Đại gia in tiền lớn nhất thế giới phá sản: Từng in 1/3 tiền mặt toàn cầu cho 140 quốc gia, nay chao đảo vì thanh toán điện tử
Kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh cao và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh, De La Rue - công ty Anh quốc ký hợp đồng in tiền giấy cho 140 quốc gia trên thế giới vừa ra thông cáo về khả năng sắp phá sản, với ''những nghi ngờ đáng kể'' về tương lai của hãng
Thời kỳ huy hoàng hàng thế kỷ
De La Rue là công ty in tiền lớn nhất thế giới với tuổi đời 198 năm có trụ sở ở Basingstoke, Anh quốc. Ngoài in tiền, De La Rue còn thầu các hợp đồng in trái chiếu, hộ chiếu, tem thuế cho các ngân hàng trung ương các quốc gia. Ba nhà máy lớn nhất của công ty hiện đặt tại Team Valley ở Gateshead, Debden ở Essex và Bathford ở Somerest.
Đến nay, De La Rue là công ty in tiền thương mại lớn nhất thế giới, in ra khoảng 1/3 tiền mặt toàn cầu thông qua các hợp đồng với 140 ngân hàng trung ương trên thế giới. De La Rue cũng chính là doanh nghiệp thiết kế 36% các mệnh giá tiền giấy lưu hành.
Trong quá khứ, De La Rue từng có thời kỳ huy hoàng kéo dài hàng thế kỷ. Công ty được thành lập năm 1860 bởi Thomas de la Rue - một thợ in ở đảo nhỏ Guemsey giữa eo biển Anh-Pháp.
Ban đầu công ty nhận in các tín phiếu ngân hàng cho Mauritius, sau đó là in tiền cho nước Anh. Đến năm 1921, gia tộc De La Rue bắt đầu bán cổ phần cho các nhà đầu tư. Việc in ấn giấy bạc hầu như không gặp đối thủ đáng kể. Năm 1947, De La Rue chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán Luân Đôn.
Sau đó, công ty đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Ý, Thụy Sỹ và thâu tóm những hợp đồng in tiền béo bở từ ngân hàng trung ương hai quốc gia này. Ở Trung Đông, kể từ năm 1960, công ty nhận in tiền cho Ngân hàng Trung ương Iran.
Đối thủ cạnh tranh của De La Rue bấy giờ là Portal Limited, một công ty có tuổi đời gần 300 năm và in giấy bạc cho Ngân hàng Anh từ năm 1724. Cả hai sát nhập trong thương vụ đình đám năm 1995 và De La Rue chính thức nắm hơn 30% nguồn cung giấy bạc cho toàn cầu.
Hai năm sau, trên đà làm ăn thuận lợi, công ty mua lại Harrison and Sons - một hãng chuyên in tem và tín phiếu ngân hàng ở nước Anh. Nhưng thương vụ này mang lại khoản lỗ hàng triệu USD và nhà máy tại đây phải đóng cửa vĩnh viễn năm 2003.
Khi đại vận đi xuống...
Kể từ đó đến nay, vận làm ăn của công ty lên xuống thất thường. Mặc dù vẫn tiếp tục nhận các hợp đồng in giấy bạc cho những ngân hàng trung ương các quốc gia, nhưng tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài cộng với sự gia tăng sử dụng thanh toán điện tử và sự thay đổi chính sách tiền tệ, chính sách hộ tịch, đã khiến De La Rue chao đảo.
Năm 2018, công ty gặp phải trở ngại lớn khi chính phủ Anh quyết định ngưng hợp đồng và chuyển sang in hộ chiếu tại một nhà máy ở Pháp. Việc vuột mất hợp đồng trị giá 525 triệu USD này đã đánh mạnh vào cán cân tài chính của De La Rue nên tháng 10/2019 vừa qua, công ty phải bán hẳn mảng Identity Solutions cho HID Global với giá hơn 50 triệu USD để cân đối chi phí.
Khó khăn chồng chất khó khăn, giá cổ phiếu của De La Rue chỉ còn 130 Bảng trong phiên giao dịch gần nhất, so với mốc đỉnh điểm hồi tháng 10/2019 là 226 Bảng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường của De La Rue chỉ còn 158 triệu USD.
Ông Russ Mould, Giám đốc đầu tư A.J. Bell, cho biết với NBC News: "Không thể phủ nhận tình hình tài chính của De La Rue có vẻ đang rất bấp bênh".
Khoảng 2.500 nhân viên của De La Rue có thể đứng trước rủi ro nếu công ty này không tránh được nguy cơ phá sản.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming