Dân mạng Trung Quốc soi ra logo Huawei trên trán Hoa Mộc Lan trong trailer mới ra mắt

    Tấn Minh,  

    Đoạn trailer đầu tiên cho live-action Hoa Mộc Lan mà Disney vừa ra mắt, với Lưu Diệc Phi vào vai chính, đã khiến các fan Trung Quốc được một phen hào hứng.

    Bộ phim hoạt hình Hoa Mộc Lan nguyên bản của Disney từ năm 1998 không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các fan Trung Quốc. Đối với nhiều người, phim không phản ánh đúng văn hóa Trung Quốc, và ngoại hình cũng như tính cách của nhân vật Mộc Lan cũng không đủ "chất Trung Hoa".

    Tuy nhiên, sau màn ra mắt khá bất ngờ của trailer đầu tiên dành cho bộ phim Hoa Mộc Lan bản live-action, giới mê phim Trung Quốc dường như hào hứng hơn nhiều đối với nhân vật Mộc Lan mới do nữ diễn viên khá nổi tiếng ở nước này là Lưu Diệc Phi thủ vai. Đoạn trailer ngắn ngủi nhưng cũng đủ giúp bộ phim mới trở thành chủ đề của nhiều topic nóng trên các website mạng xã hội Trung Quốc như Weibo và Zhihu, nơi nhiều người dùng bày tỏ cảm nhận của họ về trailer.

    "Sau khi xem trailer... tôi biết chắc Mộc Lan sẽ là bộ phim live-action Disney yêu thích của tôi. Mọi câu thoại và mọi khoảnh khắc" - một người dùng Zhihu viết.

    "Các cảnh chiến đấu quá hoành tráng. Lần đầu tiên trong đời tôi xem video ở tốc độ 0.5! Tôi suýt khóc luôn" - một người dùng Zhihu khác chia sẻ.

    Tuy nhiên, không phải ai cũng đặt kỳ vọng cao như vậy. Một phần của điều đó là bởi dù khá nổi tiếng, nhưng khả năng diễn xuất của Lưu Diệc Phi lại không được đề cao cho lắm.

    "Thần tiên tỷ tỷ trông vẫn vô cảm quá" - một người dùng bình luận trên website đánh giá phim Douban. "Thần tiên tỷ tỷ" là nickname được các fan của Lưu Diệc Phi trìu mến đặt cho cô.

    Dân mạng Trung Quốc soi ra logo Huawei trên trán Hoa Mộc Lan trong trailer mới ra mắt - Ảnh 1.

    Một trong những chi tiết được dân mạng Trung Quốc chú ý nhất là lớp trang điểm trên mặt Mộc Lan khi bà mai nói với cô về những tiêu chuẩn của một người vợ tốt. Phong cách trang điểm ở đây sử dụng phấn màu vẽ lên trán người phụ nữ, được cho là một kiểu trang điểm phổ biến trong thời kỳ phong kiến ở phương Bắc và phương Nam (từ năm 386 - 589 sau Công nguyên), thời điểm câu chuyện về Mộc Lan lần đầu xuất hiện dưới hình thức một bài thơ ở Trung Quốc.

    Tuy nhiên, thay vì bàn luận về lịch sử Trung Quốc, một số fan lại để ý đến một thứ khác khi nhìn thấy lớp trang điểm màu sáng của Mộc Lan. Họ phát hiện ra rằng họa tiết màu đỏ vẽ trên nền màu vàng trên trán Mộc Lan trông rất giống logo của Huawei, hãng điện tử hàng đầu Trung Quốc đang chật vật giữa chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Chính chi tiết này đã dẫn đến sự xuất hiện của một loạt các meme "đá xoáy" sự kết hợp lạ lùng kia.

    "Với một bông cúc vẽ giữa hai hàng lông mày, trông Lưu Diệc Phi yêu nước đến quái lạ" - một người dùng Weibo trêu đùa, nhắc đến logo hình bông cúc của Huawei. "Cô ấy không quên ủng hộ Huawei, ngay cả khi đang nhập vai Mộc Lan".

    Khá trùng hợp là, một trong hai câu thoại Mộc Lan nói trong trailer càng khiến trò đùa thêm vui: "Con sẽ làm cả gia đình được vẻ vang" (I will bring honor to us all). Bạn có để ý thấy nàng Mộc Lan đang gợi nhắc đến Huawei thông qua thương hiệu con Honor không?

    Dân mạng Trung Quốc soi ra logo Huawei trên trán Hoa Mộc Lan trong trailer mới ra mắt - Ảnh 2.

    Một meme chế từ trailer Mộc Lan với dòng chữ "Ủng hộ Huawei bằng hành động"

    Dù nhiều người ấn tượng với trailer, một số đã chỉ ra nhiều chi tiết không nhất quán với câu chuyện gốc về Mộc Lan. Một trong những điểm không nhất quán được thảo luận nhiều nhất thể hiện trong trailer là gia đình của Mộc Lan sống trong một "tulou", một loại công trình có liên hệ với người Hakka sống ở tỉnh Phúc Kiến, miền Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, trong câu chuyện gốc, Mộc Lan lại được sinh trong triều đại Bắc Ngụy, vốn kiểm soát miền Bắc Trung Quốc.

    "Tôi chẳng có gì để phàn nàn cả, nhưng có một câu hỏi đây: tại sao Mộc Lan lại sống trong một cái tulou?" - một người dùng Weibo hỏi, và nhiều người khác cũng có câu hỏi tương tự.

    Một người dùng Weibo khác đưa ra câu trả lời rằng: "Vì studio thuê một ông tư vấn văn hóa đến từ Chinatown, và nhiều người ở Chinatown là dân Phúc Kiến nhập cư".

    Một số người khác nhanh chóng nhắc mọi người không nên quá nghiêm túc về bộ phim.

    "Nó là phim chuyển thể từ hoạt hình mà... Cứ xem nó như một bộ phim lịch sử thì chẳng vui tí nào" - một người dùng Weibo viết.

    Tham khảo: Abacus

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ