Dán mặt vào những chiếc màn hình đã làm suy giảm hạnh phúc của cả một thế hệ

    zknight,  

    Đặt điện thoại của bạn xuống và làm điều gì đó – bất cứ điều gì cũng được.

    Trong một nghiên cứu quy mô lớn, các nhà tâm lý học phát hiện mức độ hạnh phúc của mọi người đã suy giảm mạnh kể từ năm 2012. Không có một nguyên nhân nào giải thích hợp lý cho vấn đề này, kể cả Đại suy thoái kinh tế năm 2008.

    Nhưng có một điều mà các nhà khoa học nghi ngờ: Cuộc bùng nổ của công nghệ số cùng với các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và mạng xã hội đang khiến chúng ta ít hạnh phúc hơn.

    Mức độ hạnh phúc của thanh thiếu niên ngày nay đã suy giảm từ năm 2012, thấp hơn so với Thế hệ Y trước đó, những thanh thiếu niên của năm 2000. Trong khi đó, hạnh phúc của người trưởng thành cũng sụt giảm kể từ năm 2000.

     Dán mặt vào điện thoại đã làm suy giảm hạnh phúc của cả một thế hệ

    Dán mặt vào điện thoại đã làm suy giảm hạnh phúc của cả một thế hệ

    Thủ phạm là những chiếc màn hình

    Nghiên cứu được thực hiện bởi giáo sư Jean Twenge từ Đại học SanDiego và các đồng nghiệp. Trong đó, bà đã phân tích dữ liệu khảo sát quốc gia hàng năm ở Mỹ. Các cuộc khảo sát này tập trung vào đối tượng học sinh lớp 8, lớp 10, lớp 12 và đã được thực hiện suốt từ năm 1991.

    Dữ liệu từ quy mô 1 triệu người cho phép giáo sư Twenge đánh giá được mức độ hạnh phúc của thanh thiếu niên và theo dõi cách thế hệ trẻ sử dụng thời gian rảnh của mình. Đồng thời, bà cũng đối chiếu nó với các nghiên cứu của các nhà khoa học khác.

    Giáo sư Twenge cho biết: Thanh thiếu niên sẽ hạnh phúc hơn nếu họ dành nhiều thời gian để gặp gỡ bạn bè, tập thể dục, chơi thể thao, tham gia các hoạt động tôn giáo, đọc sách hoặc thậm chí làm bài tập về nhà. Ngược lại, thanh thiếu niên dành nhiều thời gian hơn trên Internet, chơi điện tử, dùng mạng xã hội, nhắn tin, video call hoặc xem TV, có vẻ ít hạnh phúc hơn.

    Nói một cách khác, mọi hoạt động gắn với những chiếc màn hình sẽ làm giảm độ hạnh phúc của giới trẻ. Lượng hóa một cách cụ thể thì những người dành nhiều hơn 5 tiếng mỗi ngày để online sẽ không hạnh phúc gấp đôi những người chỉ online ít hơn 1 tiếng/ngày.

    Tất nhiên, một lí do có thể ở đây là những người không hạnh phúc thì mới tìm kiếm đến các hoạt động online hoặc xem TV, chơi game... Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra bản thân việc dính chặt lấy một chiếc màn hình trực tiếp khiến mọi người không hạnh phúc.

    Trong một thử nghiệm, các nhà khoa học đã chọn ngẫu nhiên 2 nhóm người. Một nhóm được yêu cầu bỏ Facebook trong một tuần trong khi nhóm còn lại thì không. Kết quả là những người bỏ Facebook đã kết thúc thời gian thử thách của mình trong trạng thái hạnh phúc hơn, ít cô đơn và ít chán nản hơn so với những người vẫn sử dụng Facebook.

    Trong một nghiên cứu khác, người tham gia được yêu cầu không dùng Facebook để làm việc. Kết quả là họ cũng hạnh phúc hơn. Ngoài ra, một số nghiên cứu dài hạn cũng cho thấy dán mặt vào màn hình dẫn đến sự bất hạnh, nhưng ngược lại thì sự bất hạnh không khiến mọi người dán mặt vào màn hình.

    Bởi vậy, nếu bạn muốn một lời khuyên dựa trên những nghiên cứu này, rất đơn giản: Đặt điện thoại hoặc máy tính bảng của bạn xuống ngay lúc này và làm điều gì đó – bất cứ điều gì cũng được – rồi hãy trở lại và đọc tiếp.

     Thời gian online của giới trẻ đã tăng gấp đôi so với năm 2006

    Thời gian online của giới trẻ đã tăng gấp đôi so với năm 2006

    Không chỉ có thanh thiếu niên

    Trong một cuốn sách mới xuất bản của mình, giáo sư Twenge gọi thế hệ trẻ ngày nay là iGen, ám chỉ thế hệ dành nhiều thời gian trước màn hình hơn bất kỳ một thế hệ nào trước đây. Giữa năm 2006 và 2016, thời gian online của họ đã tăng gấp đôi. Có 82% học sinh lớp 12 ngày nay sử dụng mạng xã hội, so với chỉ 51% vào năm 2008.

    Mức hạnh phúc của thanh thiếu niên đột ngột sụt giảm sau năm 2012, năm mà đa số người Mỹ sở hữu điện thoại thông minh. Sự tự tin và sự hài lòng của thanh thiếu niên đối với cuộc sống của họ, đặc biệt là sự hài lòng của họ với bạn bè, số lượng niềm vui mà họ có và hạnh phúc nói chung trong cuộc sống cũng suy giảm.

    Đồng hành với xu hướng này là những nghiên cứu phát hiện ra nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần trong thế hệ iGen, bao gồm các triệu chứng trầm cảm, trầm cảm nặng, tự gây tổn thương và tự tử. Đặc biệt trong so sánh với thế hệ Y trước đó, những thanh thiếu niên ở năm 2000, thế hệ iGen ngày nay ít tự tin hơn và cũng buồn rầu nhiều hơn.

    Một xu hướng tương tự có thể xảy ra đối với cả người lớn. Nghiên cứu của giáo sư Twenge và đồng nghiệp trước đây đã phát hiện ra người trên 30 tuổi kém hạnh phúc hơn so với 15 năm trước, và họ cũng quan hệ tình dục ít thường xuyên hơn.

    Có thể có nhiều lý do để giải thích xu hướng này, nhưng người trưởng thành cũng đang dành nhiều thời gian hơn so với trước đây để dán mắt vào màn hình. Điều đó cũng có nghĩa là họ ít phải đối mặt với người khác, kể cả bạn đời của mình. Kết quả: người lớn ít quan hệ tình dục và ít hạnh phúc hơn.

    Để loại trừ các nguyên nhân khác, giáo sư Twenge đã dẫn chứng một số bằng chứng thuyết phục:

    Trong những năm đại suy thoái kinh tế (2008-2012), tỷ lệ thất nghiệp tăng đã khiến mức độ hạnh phúc của cả người lớn và thanh thiếu niên tụt giảm. Nhưng xu hướng không hề được cải thiện sau năm 2012, khi nền kinh tế đã hồi phục trở lại. Thay vào đó, hạnh phúc tiếp tục suy giảm chứng tỏ kinh tế không phải là yếu tố chính tham gia và điều này.

    Sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập cũng có thể được loại trừ. Bởi nếu nó đóng vai trò chính, hạnh phúc lẽ ra đã phải giảm liên tục kể từ những năm 1980, khi bất bình đẳng về thu nhập bắt đầu phát triển. Nhưng thực tế là, hạnh phúc chỉ bắt đầu giảm từ những năm 2000 ở người lớn và từ năm 2012 với thanh thiếu niên.

     Làm thế nào để hạnh phúc hơn?

    Làm thế nào để hạnh phúc hơn?

    Cuối cùng, một kết quả đáng ngạc nhiên mà giáo sư Twenge chỉ ra: mối quan hệ giữa thời gian sử dụng các thiết bị kỹ thuật số với hạnh phúc của thanh thiếu niên không phải là mối quan hệ tuyến tính. Nghĩa là không phải những người hạnh phúc nhất là người không bao giờ dùng điện thoại.

    Mức độ hạnh phúc cao nhất được ghi nhận ở những người dùng các thiết bị kỹ thuật số ít hơn 1 tiếng/ngày. Ở mức độ cao hơn, khi thời gian dán mắt vào màn hình càng tăng, hạnh phúc của mọi người càng giảm.

    Do đó, bí quyết để hạnh phúc không phải là từ bỏ hẳn công nghệ của cuộc sống hiện đại, mà là sử dụng các thiết bị kỹ thuật số trong thời gian giới hạn. Chẳng hạn như, đọc bài viết này trên điện thoại là một điều nên làm còn hãy đặt nó xuống nếu ngày hôm nay bạn đã dùng hết thời gian để tiêu khiển.

    Hãy đi tiếp tục đi đâu đó, làm một thứ gì đó khác, có thể bạn sẽ hạnh phúc hơn với nó.

    Tham khảo Theconversation

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ