Đang làm việc ở Google lương 10 tỷ/năm có nên từ bỏ để làm startup?

    Comet,  

    Hãy lắng nghe câu chuyện của một người trong cuộc khi anh ta từ bỏ công việc ở Google để làm startup.

    Khởi nghiệp là một con đường vô cùng hấp dẫn nhưng cũng có không ít chông gai. Đã không ít người (nếu không muốn nói là phần lớn) các startup ra đời nhưng mãi mãi chẳng thể tìm đến thành công. Vậy một câu hỏi rất đỗi quen thuộc với các "nhà khởi nghiệp" được đặt ra: bạn sẽ tiếp tục làm công việc tốt đẹp hiện tại hay từ bỏ tất cả để làm startup?

    Mới đây, trên Quora - một trang web chuyên về hỏi đáp, một nhân viên Google đã đăng một câu hỏi như sau: "Năm nay tôi 28 tuổi, đang có một công việc ổn định với mức thu nhập 450.000 USD/ năm tại Google. Tôi yêu thích công việc của mình và được nói rằng mình đang được chú ý để thăng chức trong thời gian tới. Liệu tôi có nên từ bỏ chúng để tìm thứ có ý nghĩa hơn với một startup?"

    Có vẻ như anh chàng này không phải là nhân viên đầu tiên của Google nghĩ đến việc đó. Ali Aydar - một người từng nói không với Google và hiện đang là CEO của Sporcle đã đưa cho anh ta những lời khuyên sau. Nếu bạn đang có một công việc ổn định và cũng đang suy nghĩ về việc làm startup, hãy đọc chúng bởi biết đâu đấy bạn sẽ thấy bản thân mình trong câu chuyện.

    "Tôi sẽ cho bạn lời khuyên với tư cách là một người đã từ bỏ Google để làm startup.

    Tôi được tuyển dụng vào Google vào mùa thu năm 2002, khi đó tôi 27 tuổi và vừa trải qua thất bại cùng Snapter. Lúc đó sự nghiệp của tôi đang ở giữa 2 sự lựa chọn: tìm một công việc vừa sức nào đó để vừa làm vừa chuẩn bị cho việc xây dựng một startup sau này hoặc lao đầu vào việc làm startup như một người sáng lập và sống chết với nó. Mặc dù không hoàn toàn giống với bạn khi tôi không có một lời hứa nào về việc thăng chức hay tăng lương cả, thế nhưng về cơ bản thì chúng ta giống nhau. Chúng ta đều phải quyết định việc tiếp tục làm một công việc ổn định, lương tốt và có cơ hội thăng tiến ổn định hoặc dành cuộc đời cho một thứ vừa mơ mồ vừa thiếu ổn định.

    Và tôi chọn làm startup. Dưới đây là những lời khuyên chân thành mà tôi có thể dành cho bạn với 13 năm làm việc vừa qua của tôi khi chọn startup.

    1. Hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân

    Hãy chọn một không gian yên tĩnh, tự mình đặt ra các câu hỏi và trả lời chúng một cách chân thực nhất. Bạn mong muốn điều gì trong cuộc sống, trong những năm sắp tới của cuộc đời? Bạn muốn lấy vợ, muốn có một đứa con trai, muốn làm tổng thống, muốn ở nhà lầu và có những chiếc xe hơi đắt tiền? Phải, bạn "chỉ mới" 28 tuổi thôi, nhưng nháy mắt thôi bạn sẽ bước vào tuổi 40 trước khi bạn kịp nhận ra điều đó. Vậy nên không có gì quan trọng hơn việc tự hỏi mình muốn những điều gì.

    Tại sao ư, vì nếu bạn chọn startup, rất có thể bạn sẽ không có được những điều đó. Hãy tiếp tục để biết tại sao.

    2. Startup rất, rất khó

    Điều này thì có lẽ không cần tôi nói bạn cũng đã biết rồi. Làm một startup không giống như bạn bước đi trên một con đường và cứ thể tiến về phía trước. Nó giống với một ván bài đặt cược hơn. Bạn luôn phải đối mặt với rủi ro và có nguy cơ mất tất cả. Mỗi ngày, bạn sẽ phải làm việc quần quật, gặp gỡ nhiều đối tác, chạy đi chạy lại khắp nơi để tìm cơ hội. Bạn sẽ phải gặp nhiều người, nói chuyện với những kẻ mà bạn cực kỳ ghét nhưng vẫn phải cố nở nụ cười trên môi.

    Làm startup là một hành trình độc đáo, và bạn sẽ có cảm giác như mình đang tham gia một cuộc thám hiểm thực sự chứ không chỉ đơn giản là việc xây dựng sự nghiệp. Và hãy nhớ là đừng làm điều này vì tiền, bởi nếu vậy thì thành công sẽ không bao giờ đến. Hãy theo đuổi niềm đam mê, và thành công sẽ tìm đến với bạn.

    3. Đừng ảo tưởng

    Xã hội hiện đại giúp con người ta nắm bắt tin tức rất nhanh, và cũng rất dễ trở thành nạn nhân của chúng. Mỗi ngày bạn sẽ được nghe về hàng tá startup tỷ đô, về những cô bé cậu bé mười bảy tuổi đã tạo nên điều thần kỳ cho làng công nghệ,... Tất nhiên, chúng đều là thật, nhưng bên cạnh những sự thành công đó là hàng trăm, hàng ngàn startup chết đi từng ngày, từng giờ. Tôi dám cá với bạn rằng nếu truyền thông chỉ kể về những startup thất bại thay vì thành công, chúng ta sẽ có nhiều thứ thú vị để nói chuyện với nhau hơn nhiều.

    Xin nhắc lại: làm startup cũng giống như một canh bạc. Và bạn biết đấy, số người thắng bạc chẳng đáng là bao so với những kẻ thất bại.

    4. Đừng xem thường công việc hiện tại

    Kể cả khi bạn chọn con đường startup, đừng bao giờ xem nhẹ những gì bạn đang có hiện tại. Có thể người ta nhầm tưởng rằng khi bước ra làm chủ, các mối quan hệ sẽ cao cấp hơn và "xứng tầm" với một người khởi nghiệp thành công. Thế nhưng các mối quan hệ bạn đang có tại Google có giá trị rất lớn, lớn hơn nhiều những người chưa từng làm việc tại đây.

    Tôi có một người bạn đã từng làm việc tại Google và sau đó bước ra làm khởi nghiệp. Nhờ những năm tháng làm việc tại Google mà anh ta có những mối quan hệ vô cùng tuyệt vời trong công việc. Rõ ràng chúng vượt xa những mối quan hệ của tôi dù rằng cả 2 chỉ tương đương nhau về địa vị xã hội. Vậy nên hãy cân nhắc thời điểm bạn quyết định làm startup. Việc tạo dựng các mối quan hệ trong Google sẽ là tài sản vô giá, kể cả khi bạn quyết định làm startup ở cái tuổi 32-35.

    Tôi luôn nhìn việc làm startup với tâm lý rộng mở. Những thành công là không có gì để đảm bảo, trong khi những thất bại thì cứ hiển hiện trước mắt. Từu năm 1999 đến năm 2009, tôi là nhân viên đầu tiên hoặc đồng sáng lập của 3 startup tại Thung lũng Silicon. Các công ty này huy động được tổng cộng hơn 200 triệu USD trong thời gian hoạt động, thế nhưng giờ thì chúng đều thất bại và không còn tồn tại. Có lẽ tôi không có được "vận may" như các startup được báo chí lăng xê suốt thời gian qua.

    Tôi đã có một cuộc hành trình tuyệt vời, và tôi sẽ không đánh đổi nó dù cho có tất cả tiền trên thế giới.

    Ở công ty thứ 2, tôi đã gặp một người phụ nữ tuyệt vời - người giờ đây đã là vợ và là mẹ của các con tôi. Đó mới thực sự là những gì quan trọng với tôi.

    Hãy tìm ra những gì quan trọng nhất với bản thân bạn. Khi đó bạn sẽ biết mình cần phải làm gì".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày