Đang ngụp lặn trong khủng hoảng, AMD bỗng chốc kiếm được cứu tinh từ Trung Quốc
Sau gần một thập kỷ ngụp lặn trong khủng hoảng, nhà sản xuất chip lớn thứ hai thế giới AMD đã bắt đầu phục hồi và đang trên đà phát triển, đe dọa vị thế của gã khổng lồ Intel.
AMD (Advanced Micro Devices), công ty sản xuất linh kiện tích hợp bán dẫn lớn thứ hai thế giới sau Intel và là một trong những nhà sản xuất bộ nhớ flash hàng đầu thế giới, sau nhiều năm vật lộn với khủng hoảng đang từng bước hồi phục. Các nhà đầu tư mất dần niềm tin khi giá cổ phiếu của công ty đã giảm 90% so với đỉnh điểm cách đây 10 năm. Nhưng những tín hiệu tích cực trong năm 2016 biến AMD thành mối đe dọa thật sự đối với Intel.
AMD cùng với Intel, NDIVIA là ba công ty hiếm hoi trên thế giới có khả năng tích hợp hàng triệu bóng bán dẫn vào trong một diện tích nhỏ như tờ tem để tạo ra bộ vi xử lý máy tính và chip đồ họa. Tuy nhiên trong vòng một thập kỷ qua, hãng không tạo ra được những sản phẩm và các con chip mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường khiến tình hình kinh doanh đi xuống. Năm 2012, giới phân tích còn cho rằng công ty đang cạn kiệt dần lượng tiền mặt.
Ngày 22/4, cổ đông AMD bất ngờ đón nhận tin vui sau thời gian dài thất vọng. Cổ phiếu công ty tăng 52% chỉ một ngày sau khi hãng công bố đạt được thỏa thuận cấp giấy phép công nghệ cho đối tác Trung Quốc.
“Tôi cá là không ai dự đoán trước được điều này. Nó xảy ra quá bất ngờ nhưng là bước đi đầy tiềm năng”, Hans Mosesmann, nhà phân tích đến từ công ty tài chính Raymond James của Mỹ thốt lên.
Lisa Su, Giám đốc điều hành AMD đích thân tham gia buổi ký kết với đối tác Trung Quốc với đầy vẻ tự tin. Bà bị nghi ngờ về khả năng thành công từ thương vụ nhượng quyền công nghệ kiểu này, cũng như tính khả thi về các khoản đầu tư mà ngay cả Intel cũng không mặn mà.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư và giới phân tích thích thú với động thái mới của AMD tại thị trường đông dân nhất thế giới, bởi đó là con đường giúp hãng có thể quay lại mảng kinh doanh máy chủ béo bở. AMD đang hợp tác với Công ty đầu tư và Phát triển công nghệ Thiên Tân, một doanh nghiệp được “chống lưng” bởi Viện Khoa học Hàn lâm Trung Quốc với mục đích cung cấp hệ thống máy chủ cho thị trường nước này.
AMD sẽ nhận được 293 triệu USD cho việc cấp phép quy trình tạo ra các bộ vi xử lý. Trong khi đó, thỏa thuận sẽ giúp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu công nghệ.
Mosesmann và nhiều nhà phân tích khác cho rằng, “mối lương duyên” giữa AMD và Thiên Tân là mối đe dọa lớn đối với Intel. Hãng chắc chắn sẽ gặp khó trong việc bán chip tại thị trường đông dân nhất thế giới thời gian tới.
Nhưng liệu động thái này là dấu hiệu của bước chuyển mình hay chỉ đơn thuần như một thỏa thuận vì lợi ích ngắn hạn? Intel đã thống trị mảng kinh doanh máy chủ trong nhiều năm, chiếm hơn 99% bộ vi xử lý máy chủ trên toàn thế giới. Năm 2006, chip máy chủ Opteron của AMD cũng chiếm 20% thị phần, nhưng việc chậm trễ trong thương vụ tại Barcelona đã khiến công ty trượt dài.
Ba tháng đầu năm nay, nhóm trung tâm dữ liệu của Intel, đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất chip máy chủ, đã mang về khoản lợi nhuận lên đến 1,8 tỷ USD. Trong khi đó, ADM lỗ 109 triệu USD quý đầu tiên, đánh dấu quý thua lỗ thứ sáu liên tiếp.
Nhưng theo bà Lisa Su, AMD đang bước vào cái được gọi là thời kỳ chip bán dẫn tùy chỉnh. Bằng cách thiết kế các sản phẩm cho khách hàng riêng rẻ, hãng trở thành nền tảng phần cứng chủ đạo cho Xbox One của Microsoft hay PlayStation 4 của Sony. Điều này giúp công ty ổn định khả năng tài chính dù một nửa doanh thu vẫn đến từ thị trường máy tính cá nhân và chip đồ họa, vốn đang bị Intel và Nvidia nắm giữ phần lớn.
Trong quý đầu tiên, khi tổng lô hàng máy tính toàn thế giới giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007, AMD lại gây bất ngờ cho giới phân tích vì không để mất thêm thị phần vào tay Intel. Điều đó giúp công ty hồi phục nhanh chóng và mở ra hy vọng cho bước phát triển mới, đặc biệt ở mảng chip đồ họa từng bị mất vào tay Nvidia.
Drew Prairie, phát ngôn viên của AMD cho biết công ty bắt đầu nghĩ tới kế hoạch dài hạn với triển vọng mang về lợi nhuận lâu dài. Tuy nhiên, các cổ đông dù đã ủng hộ kế hoạch vẫn muốn có nhiều hơn những kết quả tích cực, chứng minh cho thấy việc cải tổ mang tính bền vững. Ví dụ như trên thị trường máy tính, công ty phải đẩy mạnh doanh số bán hàng nhằm giải quyết tình trạng tồn kho.
AMD đang thiết kế bộ vi xử lý máy tính mới có tên Zen, dự kiến bán ra vào năm sau. Đây là cuộc thử nghiệm lớn đóng vai trò then chốt quyết định tương lai của công ty. Nếu Zen thành công, nó sẽ tạo đà cho AMD phát triển nhanh chóng trong thời gian tới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"