Đằng sau cái chết của CyanogenMod và tương lai của cộng đồng lập trình ROM cho Android
Cyanogen Inc cuối cùng cũng đã “găm một viên đạn vào đầu”, nhưng không phải là của Google.
Cyanogen Inc cuối cùng cũng đã “găm một viên đạn vào đầu”, nhưng là găm vào chính đầu của mình chứ không phải của Google như tuyên bố hùng hồn trước đây. Sau một khoảng thời gian kinh doanh đầy biến động, công ty chuyên phát triển ROM tùy biến cho Android này đã tuyên bố chấm dứt dự án CyanogenMod từ ngày 31/12.
Tuyên bố này đồng nghĩa với việc hệ điều hành CyanogenMod cũng bị khai tử, sẽ không có bất kỳ một phiên bản nào được phát triển cũng như các dịch vụ hỗ trợ cũng chính thức bị chấm dứt. Sau tuyên bố này, nhiều người đặt câu hỏi cho tương lai của nhóm phát triển CyanogenMod và cộng đồng lập trình ROM cho Android.
Đằng sau cái chết của CyanogenMod
Sau khi công ty Cyanogen Inc công khai tuyên bố trên, nhóm phát triển của hệ điều hành CyanogenMod cũng đăng tải một bài viết trên blog riêng của mình để làm rõ tất cả mọi chuyện. Bài viết trên blog này cũng tiết lộ tương lai của nhóm phát triển và tương lai của hệ điều hành CyanogenMod.
Đầu tiên, như tuyên bố thì mọi khoản hỗ trợ từ cơ sở hạ tầng đến chi phí của Cyanogen Inc cho dự án CyanogenMod sẽ chấm dứt. Do đó mà nhóm phát triển sẽ không thể tiếp tục dự án này, nếu như không có cơ sở hạ tầng và tiền. Họ buộc phải dừng các bản cập nhật mới của CyanogenMod từ ngày 31 tháng 12.
Ngay cả khi nhóm phát triển tìm được một nguồn vốn đầu tư mới, có thể là từ cộng đồng, thì cái tên CyanogenMod cũng không thể được sử dụng. Bởi thương hiệu này đã thuộc về công ty Cyanogen Inc và không một đơn vị nào khác có quyền sử dụng.
CyanogenMod có thể được hồi sinh dưới cái tên mới là Lineage OS, do tên thương hiệu cũ không thể sử dụng. Nhóm phát triển của hệ điều hành CyanogenMod cũ đã lên ý tưởng cho một Lineage OS hoàn toàn mới nhưng chưa có nhiều thông tin được tiết lộ.
Họ hoàn toàn có thể sử dụng mã nguồn mở cũ của CyanogenMod để tạo ra một bản ROM tương tự, nhưng dưới một cái tên mới là Lineage OS. Tuy nhiên vấn đề cần giải quyết là cơ sở hạ tầng, nguồn vốn và mục đích cuối cùng để nhóm phát triển này tiếp tục gắn bó với dự án ROM tùy chỉnh cho Android của mình.
Vì vậy tương lai của Lineage OS vẫn còn rất mơ hồ. Trong khi đó, công ty Cyanogen Inc không thực sự đóng cửa như nhiều người hiểu sai. Công ty này chỉ cắt giảm bộ phận phát triển CyanogenMod và tập trung vào việc tạo ra phần mềm hỗ trợ cho hệ điều hành Android.
Tương lai của cộng đồng phát triển ROM tùy chỉnh cho Android đi về đâu?
Thất bại của CyanogenMod trước gã khổng lồ Android là lời cảnh báo đối với cộng đồng phát triển ROM tùy chỉnh. Nó cũng chứng mình rằng để đánh bại Android bằng chính mã nguồn mở của Android không phải là điều dễ dàng.
Với một nguồn lực hùng hậu từ Cyanogen Inc, dự án phát triển ROM tùy chỉnh này vẫn thất bại. Vậy một khi không còn nguồn lực hùng hậu đó, liệu rằng Lineage OS có thể thay đổi số phận? Có thể có hoặc cũng có thể không.
Lineage OS có thành công hay thất bại vẫn là một dấu hỏi lớn, nó phụ thuộc vào việc cộng đồng có ủng hộ nhiệt tình hay không, có kêu gọi được những nguồn vốn mới hay không, có tạo nên được sự khác biệt lớn hay không.
Nhưng trước một thực tế là CyanogenMod đã từng là ROM tùy chỉnh ổn định nhất và tốt nhất cho smartphone Android, được một số nhà sản xuất điện thoại di động sử dụng, nhưng kết quả vẫn là thất bại. Thật khó để Lineage OS có thể làm được điều gì đó khác biệt, khi mà mọi nguồn lực đều giảm sút.
Có lẽ cộng đồng phát triển ROM tùy chỉnh cho Android vẫn sẽ chỉ dừng lại ở mức chia sẻ, tạo cho nhau những bản ROM mới để chia sẻ. Còn nếu đặt mục tiêu cao hơn, kiểu như tách biệt khỏi Android và trở thành một hệ điều hành độc lập, hay giết chết Android, tất cả vẫn chỉ là ảo tưởng.
Tham khảo: xda-developers
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"