Đằng sau nhóm máu hiếm được ví như vàng là mối nguy hiểm không phải ai cũng biết

    NAPHM,  

    Những người sở hữu nhóm máu hiếm Rhnull (Rh vô giá trị) được ví như “vàng ròng” nên buồn nhiều hơn vui và đây là lý do.

    Đằng sau nhóm máu hiếm được ví như vàng là mối nguy hiểm không phải ai cũng biết - Ảnh 1.

    Máu "vàng ròng" không hề chứa vàng. Thực ra, đó chỉ là cách nói ví von các nhà khoa học gọi Rhnull - nhóm máu hiếm nhất thế giới.

    - Chỉ có khoảng 50 người trên thế giới sở hữu máu "vàng ròng"- hay Rhnull (Rh vô giá trị).

    - Nhóm máu Rhnull hoàn toàn không có bất cứ kháng nguyên nào thuộc hệ Rh.

    - Rhnull không hề đem đến một cuộc sống "vàng ròng" sanh chảnh như tên gọi, thậm chí còn nguy hiểm.

    Theo các báo cáo Mosaic, Rhnull hiếm đến mức trên thế giới chỉ mới có khoảng 43 người mang nó và chỉ vài người trong số này đồng ý hiến tặng. Vào năm 1961, Rhnull được tìm thấy đầu tiên từ một sản phụ là người thổ dân Australia. Các bác sĩ lúc ấy khẳng định, phôi thai mang máu Rhnull sẽ không thể sống khi ra khỏi bụng mẹ.

    Câu hỏi được đặt ra là điều gì làm cho Rhnull trở nên hiếm có, và tại sao sống cùng lại nguy hiểm đến vậy? Trước khi quan tâm đến câu trả lời, chúng ta phải tìm hiểu bằng cách nào và tại sao các nhà huyết học lại phân biệt máu thành nhiều nhóm khác nhau đã.

    Tóm tắt lịch sử "đẫm máu" của ngành huyết học

    Đằng sau nhóm máu hiếm được ví như vàng là mối nguy hiểm không phải ai cũng biết - Ảnh 2.

    Hãy quay trở về thời Trung cổ, thời điểm mà ngay cả những vết thương gây xuất huyết nhỏ cũng có thể khiến con người mất mạng. Lúc bấy giờ, các nhóm máu và truyền máu là một khái niệm xa lạ với người xưa, nếu không muốn nói là điên rồ.

    Hạn chế thời đại luôn gắn liền với những lý thuyết không tưởng, y học và máu cũng không ngoại lệ. Đáng chú ý trong số này là thuyết thể dịch (học thuyết bốn khí chất hoặc chất lỏng) của Hippocrates. Ông tin rằng máu là một trong bốn thể dịch (bên cạnh mật đen, mật vàng và niêm dịch), hình thành nên sơ đồ sinh lý cơ thể con người, đồng thời cũng là 4 yếu tố mấu chốt xác định sức khỏe thể chất, tinh thần, thậm chí quyết định tính cách của một ai đó.

    Máu với phẩm chất nóng, ẩm nên càng có nhiều máu trong người, bạn sẽ càng sôi nổi, lôi cuốn và bốc đồng. Điều đó giải thích vì sao thanh niên thích "quẩy" nhiều hơn người lớn tuổi. Đàn ông cũng được cho là có nhiều máu hơn phụ nữ. Người xưa tin rằng, khi sự cân bằng 4 thể dịch vì một lý do nào đó mà mất đi thì cũng là bệnh tật kéo tới.

    Đến thời của Galen, ông tiếp tục phát triển học thuyết thể dịch và hướng đến các phương pháp điều trị bằng cách tái lập lại sự cân bằng này. Học thuyết cứ để máu chảy là một trong số đó. Người bị sốt được cho là cơ thể quá dư máu nên cần phải để máu chảy bớt ra ngoài.

    Bằng cách này hay cách khác, phương pháp chữa bệnh điên rồ này tồn tại đến tận thế kỷ 19 cho đến khi phát hiện về sự tuần hoàn máu của bác sĩ người Anh, William Harvey, ra đời vào năm 1628. Lúc này, nhân loại xem như đã đặt một chân trên con đường huyết học hiện đại.

    Ngay sau công bố của Harvey, việc truyền máu đầu tiên đã được thực hiện, nhưng mãi đến năm 1665, trường hợp truyền máu thành công đầu tiên mới được ghi nhận bởi bác sĩ người Anh Richard Lower. Thí nghiệm truyền máu của Lower thực hiện trên động vật (giữa những con chó với nhau) bất ngờ thành công. Hy vọng lại được nhen nhóm, tiếp lửa cho các bác sĩ khác như Jean Baptiste Denis thực hiện truyền máu từ động vật sang người (hay còn gọi là quá trình xenotransfusion). Tuy nhiên, tỉ lệ sống sót của người nhận máu động vật truyền sang rất ít, biến chứng gây tử vong ngày càng nhiều khiến việc truyền máu từ động vật sang người bị cấm sau đó vài năm.

    Đằng sau nhóm máu hiếm được ví như vàng là mối nguy hiểm không phải ai cũng biết - Ảnh 3.

    Lần truyền máu từ người sang người đầu tiên trong lịch sử được thực hiện bởi bác sĩ James Blundell.

    Lần truyền máu từ người sang người thành công đầu tiên được ghi nhận vào năm 1818, khi bác sĩ sản khoa người Anh James Blundell truyền máu cho một người phụ nữ bị băng huyết sau sinh. Kết quả thu được cho thấy Blundell không hề sai trong việc con người chỉ có thể nhận máu từ người truyền sang, nhưng thế vẫn chưa đủ. Người phụ nữ nọ và nhiều bệnh nhân nhận truyền máu vẫn tử vong một cách bí ẩn trong những thập niên sau đó.

    Năm 1901 đánh đấu bước đột phá của nền y học thế giới với công trình: tìm ra các nhóm máu được thực hiện bởi bác sĩ người Áo, Karl Landsteiner. Ông phát hiện ra rằng, khi các tế bào hồng cầu của một loài được đưa vào một loài khác, chúng sẽ xảy ra hiện tượng vón cục. Landsteiner lập tức nghĩ đến phản ứng tương tự có thể xảy ra với máu người, đồng thời cũng vỡ lẽ lý do tại sao truyền máu thành công nhưng kết quả lại không như mong đợi. Năm 1909, lần đầu tiên nhóm máu A, B, AB và O được thừa nhận. Phát hiện này mang về cho Landsteiner giải Nobel vào năm 1930.

    Điều gì tạo ra các nhóm máu?

    Đằng sau nhóm máu hiếm được ví như vàng là mối nguy hiểm không phải ai cũng biết - Ảnh 4.

    Máu và bức màn bí ẩn về nó, tuy chưa thể (dám) khẳng định rằng đã vén lên hết hay chưa. Nhưng ngày nay, với "người bạn đồng hành" mang tên khoa học, ít nhất chúng ta cũng đã tường tận "chất lỏng duy trì sự sống" có gì bên trong nó:

    - Các tế bào hồng cầu - các tế bào mang oxy và đảo thải carbon dioxide khỏi cơ thể.

    - Tế bào bạch cầu - tế bào miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và tác nhân bên ngoài.

    - Tiểu cầu - các tế bào giúp đông máu.

    - Huyết tương - chất lỏng chứa muối và enzyme.

    Đằng sau nhóm máu hiếm được ví như vàng là mối nguy hiểm không phải ai cũng biết - Ảnh 5.

    Có 8 nhóm máu phổ biến trên thế giới.

    Mỗi thành phần đảm nhận vai trò riêng, nhưng tế bào hồng cầu mới là yếu tố quyết định sự khác nhau giữa các nhóm máu. Bao phủ bề mặt những tế bào hồng cầu là kháng nguyên, và sự hiện diện hay vắng mặt các kháng nguyên đặc thù này sẽ phân biệt từng nhóm máu. Ví dụ: nhóm máu A chỉ có kháng nguyên A, nhóm B chỉ có kháng nguyên B, O không có kháng nguyên, trong khi AB có cả hai kháng nguyên A và B. Bên cạnh đó, các tế bào hồng cầu còn có một kháng nguyên khác là Rhesus D – hay RhD, được phân biệt dựa trên sự tồn tại của kháng nguyên D. Nếu có kháng nguyên D là nhóm Rh (dương), nếu không có là Rh- (âm). Sự kết hợp của kháng nguyên A, B và RhD tạo nên 8 nhóm máu phổ biến (A , A-, B , B-, AB , AB-, O và O-).

    Vì những lý do nhất định, mỗi mẫu máu có thể có kháng thể chống lại nhóm còn lại. Do đó, khi truyền máu khác nhóm vào, thay vì nhận ra đó là "thứ cứu mạng", hệ thống miễn dịch lại sản sinh kháng thể tấn công tiêu diệt "kẻ xâm lược", gây ra những tác hại tiêu cực cho cơ thể. Đây là lý do tại sao rất nhiều người đã chết trong lúc truyền máu, mãi cho đến khi khám phá tuyệt vời của Landstein ra đời.

    Điều này cũng lý giải tại sao những người có máu O- lại được gọi là "nhà tài trợ toàn cầu". Bởi lẽ, tế bào hồng cầu của nhóm O thiếu các kháng nguyên A, B và RhD. Kết quả là hệ thống miễn dịch không có cách nào để nhận biết các tế bào ngoại lai.

    Nhóm máu Rhnull hiếm như thế nào?

    Đằng sau nhóm máu hiếm được ví như vàng là mối nguy hiểm không phải ai cũng biết - Ảnh 6.

    Quay trở về với máu "vàng ròng" và câu hỏi nó hiếm đến mức nào. Khi nói về nhóm máu, chúng ta thường biết đến 4 hay nhiều cũng 8 nhóm mà thôi. Đúng nhưng chưa đủ. Trên thực tế, từ 8 loại cơ bản này, máu được chia thành hàng triệu loại khác nhau, được phân biệt dựa trên vô số các kết hợp kháng nguyên.

    Đến đây thì câu chuyện bắt đầu trở nên hơi phức tạp. Như đã đề cập, kháng nguyên D được biết đến là một trong số 61 kháng nguyên trong hệ thống Rh. Máu Rhnull hiếm ở chỗ nó không chứa bất cứ kháng nguyên nào thuộc hệ Rh. Điều này đồng nghĩa với việc những người sở hữu nhóm Rhnull có thể truyền máu cho tất cả các nhóm máu khác, kể cả những người thuộc hệ máu hiếm Rh.

    Đây là lý do tại sao nó được gọi là máu "vàng ròng". Bởi lẽ, giá trị mỗi đơn vị máu nhóm Rhnull có thể đong đếm bằng vàng.

    Báo cáo Mosaic khẳng định, "máu vàng" cực kỳ quan trọng đối với y học nhưng cũng rất nguy hiểm nếu sống cùng nó. Với tỉ lệ cực ít và số lượng rải rác khắp thế giới, nếu mang máu Rhnull khi gặp vấn đề y tế bạn sẽ vô cùng khó khăn trong việc xác định vị trí của người hiến, chưa kể vận chuyển máu theo đường quốc tế không hề dễ dàng. Chính vì vậy, những người mang Rhnull được khuyến khích hiến máu như một biện pháp bảo hiểm cho chính họ. Tuy nhiên, số đồng ý hiến tặng trên khắp thế giới cũng như mức độ giới hạn mỗi lần họ có thể hiến vẫn còn rất ít so với nhu cầu hiện nay.

    Một vài câu hỏi hay về máu

    Đằng sau nhóm máu hiếm được ví như vàng là mối nguy hiểm không phải ai cũng biết - Ảnh 7.

    Y tá đang lấy mẫu máu từ một phụ nữ mang thai tại bệnh viện Bắc (Hopital Nord) ở Marseille, miền Nam nước Pháp.

    Vẫn còn nhiều bí ẩn liên quan đến các nhóm máu đơn cử như việc chúng ta vẫn không biết tại sao máu người lại sản sinh ra kháng nguyên A và B. Một vài người tin rằng, hai kháng nguyên này là sản phẩm của quá trình tiến hóa và tiếp xúc lẫn nhau giữa quần thể khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Nhưng đây chỉ là giả thuyết, mà giả thuyết thì chẳng gì có thể đảm bảo tính xác thực của nó cả.

    Trong lúc chờ đợi câu trả lời chính thức từ các nhà khoa học, chúng ta cứ tạm thỏa mãn với những khái niệm về các nhóm máu phổ biến thông qua những câu hỏi thú vị dưới đây.

    Nhóm máu có ảnh hưởng đến tính cách không?

    Người Nhật Bản tin rằng nhóm máu có ảnh hưởng trực tiếp đến tính cách của con người. Ví dụ, những người có nhóm máu A là người tốt tính, hơi khó chịu, trong khi những người mang nhóm B là người lạc quan nhưng lại ích kỷ và thích làm theo ý mình. Tuy nhiên, một nghiên cứu được thực hiện năm 2003 với 180 mẫu máu của nam và nữ đã cố gắng tìm ra mỗi liên hệ giữa nhóm máu và tính cách con người. Câu trả lời cuối cùng, như bạn cũng đã đoán được, là không!

    Dù vậy, nhiều người vẫn tin rằng nhóm máu có ảnh hưởng đến tính cách, công việc, cuộc sống, thậm chí cả chuyện tìm đối tượng kết hôn nữa.

    Có nên thay đổi chế độ ăn uống theo nhóm máu không?

    Trở lại một chút với ông Galen ở thời Hy Lạp cổ. Ngoài phương pháp "chữa bệnh đổ máu" như đã nêu ở trên, ông còn căn dặn bệnh nhân của mình ăn một số loại thực phẩm giúp duy trì sự cân bằng cho cơ thể. Ví dụ, những người bị cảm lạnh sẽ được khuyến khích dùng nhiều thức uống nóng, khô và ngược lại.

    Ở một góc độ khác, tiến sĩ Peter J. D'Adamo với học thuyết "Eat Right 4 Your Type" (Ăn theo nhóm máu) cho rằng, ăn uống theo nhóm máu sẽ rất tốt cho sức khỏe và giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả. Theo đó, người có nhóm máu A nên ăn chế độ ăn không có thịt gồm ngũ cốc, các loại đậu, trái cây và rau quả, trong khi người mang nhóm máu B được khuyến khích ăn rau xanh, một số loại thịt và sữa ít béo, v.v.

    Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Đại học Toronto với 1.455 mẫu phân tích từ các đối tượng tham gia đã bác bỏ quan điểm này. Vậy đấy, thay vì lăn tăn với việc nhóm máu nào nên ăn gì, có lẽ chúng ta nên cố gắng tăng khẩu phần rau quả hàng ngày là tốt nhất.

    Nhóm máu nào phổ biến nhất thế giới?

    Đằng sau nhóm máu hiếm được ví như vàng là mối nguy hiểm không phải ai cũng biết - Ảnh 8.

    Ở Mỹ, nhóm máu phổ biến nhất là O . Nó "đại trà" đến nỗi cứ 3 người lại có 1 người sở hữu nhóm máu này. Bên cạnh đó, trong 8 nhóm máu nổi tiếng, ít phổ biến nhất là AB-, với tỉ lệ 1/167 người Mỹ sở hữu.

    Động vật có nhóm máu không?

    Chắc chắn có, nhưng máu động vật không giống máu người. Trên thực tế, nhóm máu là điểm khác biệt giữa các loài. Các nhà khoa học đôi khi khá lằng nhằng khi sử dụng cùng một danh pháp để chỉ những thứ không cùng loại. Có vẻ phức tạp, nhưng bạn chỉ cần hiểu đơn giản rằng tên gọi giống nhau nhưng bản chất lại hoàn toàn khác. Ví dụ, máu mèo cũng có kháng nguyên A và B, nhưng đó không phải kháng nguyên A và B được tìm thấy ở người.

    Thời gian gần đây, xenotransfusion (hoặc cấy ghép tế bào sống, mô hoặc cơ quan từ loài này sang loài khác) có vẻ đang được quan tâm trở lại. Trên cơ sở đó, nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu để tạo ra một loại máu tổng hợp có thể tương thích với tất cả mọi người.

    Nếu thành công, nghiên cứu này sẽ giải quyết phần nào tình trạng khan hiếm máu hiện tại. Khi ấy, "máu vàng" sẽ bớt vàng và chắc chắn đó sẽ là tin vui đối với cộng đồng những người mang nhóm máu hiếm.

    Tham khảo: bigthink.com

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ