Đằng sau những chiếc iPhone hoành tráng là những khu ký túc xá tồi tàn và xập xệ

    Neo,  

    Chào mừng bạn tới với ký túc xá chật chội và khắc nghiệt, nơi ở của nhân viên lắp ráp những siêu phẩm iPhone cho Apple.

    Đây là khu ký túc xá bốn tòa nhà bị bỏ hoang sau khi nhân viên của Pegatron, đối tác thân cận của Apple, chuyển đi tám tháng trước. Các bức tường đầy rêu mốc và các căn phòng chật kín giường tầng cho thấy cuộc sống cực kỳ vất vả của những người lao động tỉnh lẻ.

    6.000 nhân viên đã sống trong ký túc xá này trong thời gian mà iPhone 6 bán chạy nhất, khoảng 1.000 nhân viên đã bỏ việc sau kỳ nghỉ tết cổ truyền Trung Quốc. Trong khi đó, những người còn lại được chuyển tới ký túc xá trong khu phức hợp gần nhà máy chính.

    Những gì còn sót lại ở tòa nhà trên đường Kangqiao Road East, Thượng Hải, cung cấp cho chúng ta góc nhìn hiếm thấy về điều kiện sống khắc khổ của các nhân viên làm việc cho Pegatron, những người làm việc liên tục trong vòng 12 tiếng, lắp ráp một nửa iPhone 6 trên toàn thế giới.

    Gần đây, Apple và Pegatron đã cho phép sử dụng camera trong nhà máy iPhone ở Thượng Hải đáp lại cáo buộc cho rằng nhân viên của họ phải làm việc tăng ca nhiều giờ với mức lương bèo bọt.

    Tuy nhiên, Pegatron không cho phép sử dụng camera cũng như cấm nhà báo bước vào các ký túc xá, nơi ở của hàng ngàn người lao động. Gần như tất cả công nhân đều tới từ các khu vực tỉnh lẻ và mức lương bèo bọt khiến họ phải chấp nhận sống quanh năm trong ký túc xá chật chội của nhà máy. Mức lương của công nhân Pegatron ở mức 8 triệu đồng mỗi tháng và nếu tăng ca hàng ngày công nhân có thể kiếm thêm 6,4 triệu đồng mỗi tháng.

    Bên trong ký túc xá bị bỏ hoang, có những phòng có tới 12 giường tầng và để được ở đây hàng tháng mỗi công nhân phải trả phí hơn 500 ngàn đồng. Số tiền này được trừ trực tiếp vào lương của công nhân. Pegatron khẳng định mỗi phòng chỉ có 8 nhân viên.

    Giường tầng và tủ đồ của công nhân chiếm gần như toàn bộ không gian khiến căn phòng không còn khoảng trống cho bất cứ thứ gì khác. Không hề có phòng tắm hoặc cơ sở vệ sinh trong các phòng.

    Thay vào đó trong bốn tòa ký túc mỗi tầng 50 phòng này có phòng tắm công cộng ở mỗi tầng. Công nhân sẽ tắm chung với khoảng 20 người khác, sử dụng bàn đạp để xả nước.

    Nhà vệ sinh chung ở mỗi tầng cũng không có sự riêng tư. Nhà vệ sinh khá tồi tàn, được thiết kế theo kiểu ngồi xổm trên rãnh thoát nước chạy dọc theo chiều dài của khối nhà vệ sinh. Trong phòng giặt đồ là bồn giặt theo hàng dài.

    Những vũng nước xanh bẩn thỉu đọng lại ở góc nhà vệ sinh. Khắp tòa nhà, nơi đâu cũng có những biển hiệu, quy tắc cho người lao động.

    Ký túc xá của nam và nữ tách biệt nhau và chỉ dùng chung khu phơi quần áo trên sân thượng. Những đồ vật nằm ngổn ngang, trên góc cầu thang có những cây thông bằng nhựa bị bỏ lại. Vỏ đệm của công nhân cũng nằm ngay trên những bậc cầu thang.

    Bên ngoài, trong sân nằm giữa các tòa nhà, là vô số tủ sắt, khung giường sắt, quần áo lót và nhiều đồ đạc khác của công nhân bị bỏ lại.

    Quán cà phê, quầy hàng thực phẩm, cửa hàng tạp hóa phục vụ hàng ngày cho công nhân đã đóng cửa nhưng vẫn còn hàng trên kệ. Tuy vậy, một cửa hàng bán các sản phẩm Apple cho người lao động đã được dọn sạch như thể người ta sơ tán trong tình trạng khẩn cấp.

    Trạm kiểm soát điện tử ngoài cổng ngăn những người không có thẻ vào khu vực trái phép vẫn sáng đèn nhưng không còn hoạt động.

    "Lúc đỉnh điểm có khoảng 6.000 công nhân ở đây nhưng đơn đặt hàng của Apple cứ giảm dần giảm dần trong vòng hai năm qua thế nên công ty quyết định đóng cửa toàn bộ ký túc xá này", một nhân viên bảo vệ cho biết.

    "Có rất ít cảnh báo. Tất cả diễn ra rất nhanh chóng bởi kỳ nghỉ năm mới sắp tới và họ làm cho mọi người nghĩ rằng ký túc xá đóng cửa vì không có đủ việc làm cho công nhân".

    Vào tháng Tư, Apple thông báo số iPhone mà hãng bán ra ít hơn 16% so với cùng kỳ năm 2015 và số tiền hãng này kiếm được từ iPhone cũng ít hơn 18%. iPhone chiếm 2/3 tổng doanh thu của Apple.

    Hiện Pegatron, cùng với Foxconn là hai đối tác lắp ráp iPhone chính, vẫn đang sử dụng hơn 50.000 lao động sống trong sáu ký túc xá lớn nằm trong khu phức hợp cạnh nhà máy chính và các ký túc xá khác bên ngoài công ty.

    Điều kiện sống khủng khiếp tại ký túc xá bỏ hoang nằm ở Kangquiao Road đã được một điều tra viên bí mật của China Labor Watch báo cáo từ trước. Anh này xin vào làm công nhân trong dây chuyền lắp ráp bo mạch chủ cho máy tính của Apple để bí mật điều tra điều kiện sống của công nhân.

    Điều tra viên, 28 tuổi, người trải qua 10 ngày sống trong khu ký túc xá hồi tháng Chín năm ngoái chia sẻ: "Khu ký túc xá cực kỳ khủng khiếp. 12 công nhân sống trong một căn phòng nhỏ và nhông có nhà vệ sinh lẫn phòng giặt đồ".

    "Hàng trăm công nhân ở mỗi tầng nhưng chỉ có một nhà tắm và nhà vệ sinh chung cho mỗi tầng. Buổi sáng hoặc cuối ca làm việc, công nhân phải xếp hàng dài để chờ đi vệ sinh, giặt đồ hoặc tắm".

    "Nhà vệ sinh thì bẩn thỉu còn nhà tắm thì phải chia sẻ vòi hoa sen, chẳng có bất kỳ sự riêng tư nào. Không cách nào để thư giãn sau một ngày làm việc và không có sự riêng tư. Công nhân không được đối xử như một con người".

    Anh nói thêm: "Hàng ngày có rất nhiều công nhân nghỉ việc. Họ không thể tiếp tục sống, làm việc tại đây. Hầu hết công nhân bỏ việc vì điều kiện làm việc khắc nghiệt và điều kiện sống tồi tệ trong các ký túc xá chứ không phải vì lương thấp".

    Theo tính toán, mỗi tầng có 602 công nhân nhưng chỉ có nhà vệ sinh chia làm 30 ô, 30 vòi hoa sen và 50 vòi giặt cho mỗi tầng. Khoảng một nửa số ô vệ sinh không dùng được trong bất cứ thời điểm nào khiến một ô vệ sinh phải phục vụ tới 40 người lao động.

    Trong lúc điều tra viên sống tại ký túc xá, nó đã bị rêu mốc, ẩm ướt và thậm chí có cả rệp. "Rất nhiều nhân viên bị rệp cắn tới mức nổi mẩn đỏ trên người", điều tra viên cho biết.

    Khi tan ca làm thêm vào ngày thứ bảy, một số công nhân đã gặp phóng viên MailOnline tại quán cà phê khuất tầm nhìn của nhân viên an ninh công ty để chia sẻ thêm về điều kiện sống, lao động.

    Một công nhân 28 tuổi tới từ tỉnh Giang Tây đã làm việc và sống 4 năm tại ký túc xá cho biết: "Các ông chủ coi chúng tôi như những con robot kiếm tiền cho họ".

    "Chúng tôi giúp họ kiếm được nhiều tiền nên đáng ra họ phải chăm sóc chúng tôi và cho chúng tôi sống trong những điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên, họ lại bắt chúng tôi phải trả 160 nhân dân tệ mỗi tháng cho một căn phòng nhỏ. Tám công nhân trong mỗi phòng nên tổng cộng họ thu về 1.280 nhân dân tệ mỗi tháng từ chúng tôi".

    Một cặp vợ chồng trẻ tới từ tỉnh Hà Nam tỏ ra khá mệt mỏi nhưng vẫn đồng ý trả lời phỏng vấn trong khi tranh thủ ăn mỳ. Họ đã làm việc liên tục 12 tiếng.

    Người chồng 22 tuổi đã làm việc cho Pegatron 18 tháng cho biết: "Chúng tôi đã chuyển ra ngoài và thuê một căn hộ gần nhà máy. Căn phòng ký túc xá không dành cho con người, nó không khác gì cái chuồng lợn".

    "Ra ngoài ở chúng tôi phải trả 850 nhân dân tệ mỗi tháng, gấp rưỡi so với 320 nhân dân tệ khi ở ký túc, nhưng nó xứng đáng bởi chúng tôi có thể sống như con người".

    Một công nhân khác sống ở một trong chín ký túc xá bên ngoài khu phức hợp gần nhà máy chính chia sẻ: "Vấn đề lớn nhất tại các ký túc không phải là bẩn thỉu và chật chội mà là vấn đề tội phạm. Chúng không an toàn và bảo vệ không thể kiểm soát nổi".

    "Một số công nhân ngổ ngáo thông đồng với nhau để bắt nạt các công nhân khác. Họ ăn cắp tiền bạc và vật dụng có giá trị của công nhân. Một số công nhân bị trộm hết tiền ngay trong ngày nhận lương và phải lục thùng rác tìm đồ ăn thừa để sống trong những ngày tiếp theo".

    Năm 2014, BBC sau khi điều tra đã buộc tội Pegatron bóc lột sức lao động của công nhân trong nhà máy ở Thượng Hải. Apple chia sẻ rằng hãng này kịch liệt phản đối kết quả của cuộc điều tra trên.

    Nhằm đáp lại cáo buộc từ phía BBC và China Labor Watch, đầu năm nay Pegatron đã mời phóng viên và nhiếp ảnh gia tới thăm nhà máy ở Thượng Hải nhưng không cho phép họ thăm ký túc xá mà chúng ta đang thấy.

    Mặc dù khối lượng công việc hiện tại cho Apple dường như đang giảm nhưng theo một công nhân 28 tuổi tới từ Tứ Xuyên cho rằng sẽ có thay đổi trong vài tháng tới.

    "Chúng tôi nghe đồn rằng Apple sẽ đặt nhiều hàng hơn và có nhiều việc sẵn sàng nếu bạn bè ở quê chúng tôi muốn tìm việc làm", một công nhân 21 tuổi khác nói. "Chúng tôi chẳng hiểu tại sao công ty không nói những điều đó với chúng tôi".

    Đơn hàng tăng đột biến có thể xuất phát từ những tin đồn iPhone 7 sẽ ra mắt vào mùa thu. Nếu iPhone 7 được khách hàng đón nhận, ký túc xá này hoàn toàn có thể được đưa vào sử dụng trở lại.

    Luật Lao động của Trung Quốc không có bất cứ quy định nào liên quan tới tiêu chuẩn nhà ở cho công nhân. Mặc dù vậy, những ngôi nhà cho người lao động thuê phải tuyên thủ một loạt các quy định về xây dựng, vệ sinh và an toàn.

    Pegatron nhấn mạnh rằng ký túc xá đáp ứng tất cả các quy tắc kể cả các quy tắc do đối tác như Apple yêu cầu. Hãng cũng chia sẻ rằng công nhân được di chuyển đi bởi họ muốn sống trong khu phức hợp gần với nhà máy chính của công ty.

    "Ký túc xá Huei Yang gồm bốn tòa nhà với tối đa 8 người trong một phòng. Mỗi tòa nhà ký túc và cơ sở đều đáp ứng các tiêu chuẩn của chúng tôi và đối tác".

    "Để đảm bảo hiệu quả công việc, chúng tôi đã chuyển công nhân vào khu ký túc cạnh nhà máy Pegatron Thượng Hải", Pegatron chia sẻ.

    "Ngoài ra, các ký túc xá mới đang được xây dựng trong khu vực. Do vậy, tất cả các công nhân trong ký túc xá Huei Yang sẽ được chuyển vào ký túc xá mới gần nhà máy vào đầu năm 2016".

    Apple không hề hay biết việc Pegatron chuyển nhân viên ra khỏi ký túc xá Huei Yang và cho biết họ đang điều tra vụ việc.

    "Các đối tác đã tuân thủ quy định về giờ làm việc nghiêm chỉnh hơn 97%, tăng 5% so với năm 2014. Và kể từ năm 2008 tới nay, hơn 9,25 triệu người lao động đã được đào tạo về quyền của họ và hơn 1,4 triệu người đã tham gia vào các chương trình giáo dục của Apple", Apple chia sẻ.

    Tham khảo DailyMail

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ