Đằng sau những khuyến mại giảm giá 30%, hoàn tiền 10% của các ví điện tử như Momo, Moca, VNPay...: Cuộc chiến đốt tiền 'khô máu' chưa biết khi nào và ai là người chiến thắng!
Chạy đua khuyến mãi không ngớt, các ví điện tử như Momo, Moca, VNPay liệu có thể hái trái ngọt?
Những tấm biển đầy màu sắc của các ứng dụng ví điện tử phổ biến ở Việt Nam được đặt khắp trên quầy thanh toán tại những cửa hàng, quán cà phê ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Không chỉ muốn gây sự chú ý, những tấm biển này còn hứa hẹn mang lại những lợi ích bất ngờ. Cái thì giảm giá tới 30%, một cái khác cam kết sẽ hoàn tiền 10%... Tất cả những gì bạn cần chỉ là quét mã QR code.
Với vô số những lựa chọn đó, khách hàng đôi khi bị nhầm lẫn, không biết nên sử dụng ứng dụng nào có lợi nhất. Cảm giác bị ngợp trong quá nhiều thứ, nhiều người cuối cùng lại quyết định sẽ quay về với phương thức thanh toán truyền thống là trả tiền mặt.
Tiền mặt hiện vẫn là "vua" ở Việt Nam, chiếm khoảng 80% lượng giao dịch trong cả nước. Con số đó thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đạt được lượng giao dịch không tiền mặt tới 90% mà chính phủ đề ra trong năm nay.
Tuy nhiên, tiềm năng lĩnh vực công nghệ tài chính đang nổi lên ở Việt Nam là rất lớn. Giá trị giao dịch dự kiến sẽ tăng lên 22 tỷ USD trong năm 2025 từ mức hiện tại là 9 tỷ USD. Ở thời điểm này, thanh toán kỹ thuật số chiếm một lượng lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ tài chính của Việt Nam.
Hiện tại đã có 37 nhà cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính được cấp phép khiến thị trường trở nên vô cùng đông đúc. Trong số đó, 34 nhà cung cấp ví điện tử hiển nhiên đều có giấc mơ sẽ lặp lại thành công giống như Alipay hay Wechat Pay ở Trung Quốc.
Cùng thời điểm, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có người dùng smartphone tăng nhanh nhất trong khu vực. Số lượng người dùng điện thoại thông minh ở Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ năm 2014 lên mức 51 triệu người dùng. Giống như Trung Quốc 1 thập kỷ trước, Việt Nam có thể sớm có một cuộc cách mạng thanh toán kỹ thuật số.
Huy Pham – một giảng viên tài chính từ Đại học RMIT Việt Nam tin rằng giai đoạn này đang thiết lập "một cuộc chạy đua vũ trang" của những tay chơi ví điện tử. Sự cạnh tranh trên thị trường sẽ khá khốc liệt và những người chơi mới chỉ còn một cơ hội rất mong manh để giành được lợi thế.
Lĩnh vực công nghệ tài chính của VIệt Nam, đặc biệt là thanh toán điện tử đã thu hút một lượng đáng kể sự chú ý từ các nhà đầu tư nước ngoài. Năm ngoái, Momo và VNPay đã nhận được những khoản đầu tư khổng lồ, giúp họ đứng vào hàng ngũ những công ty giá trị cao nhất trong khu vực.
Một vài gã khổng lồ quốc tế thì tìm cách gia nhập vào thị trường Việt Nam bằng cách mua cổ phần ở những công ty địa phương.
Ví dụ điển hình là Ant Financial. Công ty này đã mua cổ phần tại eMonkey vào mùa hè năm ngoái.
Hiện tại, 34 công ty ví điện tử của Việt Nam đang cạnh tranh để khiến hàng triệu người ở đây thanh toán thông qua điện thoại thông minh. Trong khi điều này đã trở nên quá phổ biến ở Trung Quốc, thì để thay đổi thói quen này của người Việt Nam là không dễ dàng.
"Cuộc chạy đua vũ trang" tốn kém
Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu tài khoản ví điện tử, tức là chiếm 14% dân số cả nước. Dù chưa chắc về tỷ lệ thị phần nhưng ngân hàng nhà nước vào tháng 11 năm ngoái nói rằng Momo, Payoo, AirPay, Moca và SenPay đang dẫn đầu về mặt lượng giá trị giao dịch. Còn về mặt sự phổ biến với người dùng thì một cuộc khảo sát cho thấy Momo, ZaloPay, AirPay, Moca và ViettelPay đang dẫn đầu.
Tuy nhiên, cuộc chiến đến giờ vẫn chưa kết thúc. "Lo ngại chính với các đơn vị hoạt động ví điện tử là làm sao để giành được sự trung thành của khách hàng nếu không cần tới những khuyến mại và sự liên kết với các ngân hàng và chuỗi cửa hàng", Huy Doan - một giảng viên khác tới từ trường RMIT nói. Hiện tại, người dùng di động chỉ đang tìm đến ví điện tử nào mang lại những lợi ích tốt nhất cho họ mà thôi.
Sử dụng ví điện tử để nhận khuyến mại đã trở thành thói quen yêu thích của nhiều nhân viên văn phòng Việt Nam. Nó phổ biến khi thanh toán các dịch vụ cần thiết như hàng hóa đồ dùng...
Dịch Covid-19 đã giúp việc thanh toán không tiền mặt được thúc đẩy mạnh mẽ. Khoảng 225 triệu giao dịch ví điện tử được thực hiện trong quý đầu tiên của năm 2020. Tuy nhiên trong khi số lượng các giao dịch tăng thì giá trị các giao dịch lại giảm 7% vì dịch bệnh đã gây ra ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không giống Alipay hay WeChat Pay – vốn có thể tận dụng hàng triệu người dùng đã có của Alibaba và WeChat, những công ty ví điện tử của Việt Nam phải mua người dùng "từng chút một", theo Varun Mittal – người đứng đầu mảng công nghệ tài tính tại E&Y.
Ông giải thích rằng Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầu của cuộc cách mạng thanh toán kỹ thuật số giống Trung Quốc và họ vẫn thiếu một công ty internet tiêu dùng thống trị. VNG là công ty gần với đặc điểm này khi họ sở hữu Zalo – một ứng dụng nhắn tin với hàng chục triệu người dùng và ví điện tử ZaloPay.
Tuy nhiên, "tại Trung Quốc, về cơ bản bạn không thể sống thiếu WeChat". Điều này khiến WeChatPay có một lợi thế độc tôn khi ra đời vào năm 2013.
Để thu hút được người dùng và các nhà buôn, các nhà cung cấp ví điện tử ở Việt Nam phải "đốt tiền" để giảm giá và tiếp thị. Sự cạnh tranh tập trung vào việc công ty nào có thể xây dựng một hệ sinh thái đủ thu hút với cả người dùng và người bán.
Sau khi tuyên bố hợp tác vào năm 2018, Moca đã phụ thuộc vào hệ sinh thái Grab – tập trung vào mảng giao thông và giao đồ ăn. Tuy nhiên, đại điện Grab Việt Nam nói rằng "quảng cáo và khuyến mại chỉ là một phần trong chiến lược của chúng tôi".
"Chúng tôi đã chứng kiến việc người tiêu dùng cảm thấy ác cảm với việc sử dụng tiền mặt trong bối cảnh dịch bệnh. Chính vì vậy, thanh toán kỹ thuật số sẽ là một xu hướng dài hạn ở Việt Nam".
ZaloPay có thể tận dụng người dùng từ Zalo trong khi AirPay tiềm năng tiến xa hơn khi tận dụng vị thế dẫn đầu thương mại điện tử của Shopee ở Việt Nam. Chỉ Momo là đứng riêng trong nhóm này và họ đang mở rộng mạng lưới của mình với các nhà buôn trên toàn quốc.
Một người phát ngôn của Momo từ chối đưa ra bình luận về kế hoạch của công ty trong dài hạn.
Dĩ nhiên, những đơn vị dẫn đầu cũng nhận được nguồn tài chính dồi dào. Ví dụ, Momo đã huy động được 132,7 triệu USD từ Goldman Sachs, Standard Chartered và Warburg Pincus. Moca thì hưởng lợi từ Grab còn ZaloPay được chống lưng bởi Tencent và VNG.
Ai sẽ chiến thắng?
Hiện tại khi chưa rõ ai là người chiến thắng, những công ty khác có thể vẫn gia nhập đánh chiếm thị trường.
SmartPay là một ví điện tử thuộc SmartNet – một công ty có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh bán các dịch vụ tài chính và bảo hiểm. Để thu hút người dùng và người bán, SmartPay sử dụng 2.500 đại lý sales trực tiếp của SmartNet. Sau khi hoạt động 15 tháng, SmartPay đã có 1,5 triệu người dùng.
Marek Forysiak - Chủ tịch SmartPay nói rằng SmartPay phải “hiệu quả hơn nhiều về thời điểm và cách thức chúng tôi đầu tư vốn”. Khi những chuỗi cửa hàng lớn và những doanh nghiệp vừa và nhỏ bị thu hút bởi những đối thủ cạnh tranh khác, SmartPay nhắm tới những doanh nhân nhỏ lẻ và những người bán hàng trên đường phố.
Những doanh nghiệp tầm cỡ ở Việt Nam cũng không bỏ qua cơ hội này. Vingroup đã ra mắt VinID vào năm 2018. Sau khi công ty mua ví MonPay vào tháng 3/2019, VinID hiện trở thành ứng dụng thanh toán chính thức.
Viettel cũng sở hữu ViettelPay đã đạt hơn 10 triệu người dùng. Một nguồn tin cho biết Viettel sẽ ra mắt dịch vụ tiền điện tử ngay khi được cấp phép.
Cạnh tranh khốc liệt là vậy nhưng sự thật là những khuyến mại không thể tồn tại mãi. Để có được lợi nhuận, các công ty ví điện tử vẫn cần phải chờ rất lâu nữa và người chiến thắng phải là người có nguồn tài chính bền vững để cạnh tranh và quan trọng là làm sao để tạo ra tiền từ dữ liệu khách hàng.
"Một vài công ty phá sản hoặc sáp nhập cũng sẽ là viễn cảnh có thể xảy ra".
Cho đến khi đó, cuộc chơi vẫn chưa kết thúc và những người chơi vẫn phải tiếp tục chiến đấu để giành chiến thắng.
"Chúng tôi hy vọng trở thành một người thắng cuộc, dĩ nhiên rồi. Tôi tin rằng cuối cùng, bạn sẽ thấy một kết quả như đã diễn ra ở Trung Quốc. Có thể 10 năm tới, những người bán bánh mì trên đường phố ở Việt Nam sẽ không nhận tiền mặt nữa. Chúng tôi chỉ là chưa biết sự chuyển đổi đó sẽ diễn ra như thế nào mà thôi".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI