Đằng sau sự phát triển rực rỡ của Amazon là những phận đời nhân viên khốn khổ, thất nghiệp, vô gia cư và tàn phế

    Billvn,  

    Kết quả điều tra của The Guardian cho thấy nhiều công nhân làm việc tại Amazon đã thất nghiệp, mất nơi ở và không được bồi thường sau khi bị chấn thương.

    Kết quả điều tra của The Guardian cho thấy nhiều nhiều trường hợp nhân viên của Amazon đã trở thành người vô gia cư, không thể làm việc hoặc không có thu nhập sau tai nạn tại nơi làm việc.

    Đằng sau sự phát triển rực rỡ của Amazon là những phận đời nhân viên khốn khổ, thất nghiệp, vô gia cư và tàn phế - Ảnh 1.

    Vickie Shannon Allen, 49 tuổi, bắt đầu làm việc tại Amazon với tư cách là nhân viên kiểm kê của kho hàng tại Hazle, Texas vào tháng 5 năm 2017. Lúc đầu, giống như nhiều nhân viên, Allen rất vui mừng vì ý tưởng làm việc cho một trong những tập đoàn phát triển nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, cảm giác đó tiêu tan nhanh chóng sau vài tháng.

    Allen nói: "Tôi nhận thấy các nhà quản lý sẽ hỏi bạn mọi lúc về bất kỳ hỏng hóc nào trong nhà tắm hay các vấn đề liên quan đến hiệu suất làm việc. Những gì họ làm là viết mã thời gian của bạn và họ được phép thay đổi theo ý họ. Với tôi, đó là cách họ mặc kệ mọi người".

    Amazon hiện là nhà bán lẻ có giá trị nhất thế giới. Khách hàng được phục vụ bởi hơn 140 trung tâm giống như nơi Allen làm việc từ khắp nơi trên đất nước Mỹ. Theo Bloomberg Billionaires Index, doanh thu từ các trung tâm này đã khiến cho nhà sáng lập Jeff Bezos trở thành người giàu nhất thế giới – giá trị tài sản hiện tại của ông khoảng 150 tỷ USD, nó khiến ông trở thành người giàu nhất trong lịch sử thế giới.

    Trong khi đó, Allen đã trở thành người vô gia cư sau khi gặp tai nạn tại nơi cô làm việc. Tai nạn này khiến cô không thể tiếp tục làm công việc của mình.

    Allen không phải là trường hợp duy nhất rơi vào hoàn cảnh này. Một cuộc điều tra của Guardian đã tiết lộ nhiều trường hợp công nhân Amazon bị tai nạn hoặc thương tích khi làm việc trong hệ thống kho khổng lồ của công ty. Cách Amazon đối xử sau đó khiến nhiều người trở nên vô gia cư, không thể làm việc hoặc có thu nhập.

    Câu chuyện của Allen bắt đầu vào ngày 24 tháng 10 năm ngoái lúc cô bị thương khi đếm hàng hóa trên một trạm làm việc thiếu các thiết bị an toàn nhằm ngăn sản phẩm rơi xuống sàn. Cô chỉ cố gắng sử dụng một thùng đựng đồ để thay cho thiết bị an toàn bị thiếu và điều này khiến cô bị đau lưng khi đếm hàng ở một vị trí khó. Bất chấp thương tích, cô vẫn tiếp tục làm việc tại Amazon. Trong vòng vài tuần sau đó, bộ phận y tế của Amazon đã cho cô sử dụng một miếng dán sưởi ấm trên lưng và quản lý đưa cô về mỗi ngày nhưng công ty không trả bất kỳ chi phí nào cho tới khi Allen đòi các chế độ bồi thường cho người lao động.

    Allen nói: "Tôi đã cố gắng làm việc một lần nữa, nhưng tôi không thể duỗi tay phải ra. Vì vậy, quãng thời gian đó tôi thật sự khó khăn để theo kịp công việc. Chuyện này xảy ra trong khoảng 3 tuần".

    Khi được bồi thường lao động, Allen bắt đầu điều trị vật lý. Vào tháng 1 năm 2018, cô trở lại làm việc và bị thương một lần nữa trên cùng một trạm làm việc mà vẫn không có dụng cụ bảo vệ.

    Allen đã đi nghỉ phép và nghỉ thêm hai tuần nữa vì không có tiền để đi làm. Vào tháng 4 năm 2018, kết quả chụp MRI cho thấy lưng cô vẫn bị thương. Allen chia sẻ: "Vào tháng 6 năm 2018, cuối cùng họ cũng đã sửa trạm đó. Phải mất tám tháng để đặt một cái chổi bảo vệ nhỏ trên trạm này". Vào ngày 2 tháng 7, cô gặp gỡ với ban quản lý tại nơi làm việc và họ đề nghị cô nghỉ 1 tuần vì những vấn đề cô phải đối phó trong 9 tháng vừa qua.

    Cô nói: "Họ cũng sẽ trả tôi thêm 24 giờ nữa trong tuần trước. Họ không nói gì khác. Họ đề nghị tôi nhận 3500 USD để ký một thỏa thuận không tiết lộ bất cứ điều gì ảnh hưởng đến Amazon hoặc liên quan đến trải nghiệm của tôi tại đây".

    Nhân viên trở thành người vô gia cư sau khi bị thương trong lúc làm việc cho Amazon - Allen cho biết cô đã từ chối đề nghị mua sự im lặng của Amazon. Cô hiện đang phải sống trong chiếc xe của mình tại bãi xe trung tâm Amazon.

    Trường hợp của Allen là một trong nhiều báo cáo từ các nhân viên của Amazon bị đối xử không đúng cách sau khi bị chấn thương trong công việc mà lẽ ra họ có thể tránh được. Các kho của Amazon đang được các nhà quản lý của Hoa Kỳ liệt kê vào danh sách những nơi làm việc không an toàn. Sự tập trung cao độ của Amazon vào lượng đơn đặt hàng và ít quan tâm đến điều kiện an toàn của người lao động khiến môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn.

    Vào tháng 4 năm 2018, Bryan Hill 43 tuổi ở Seffner, Florida đã đệ đơn kiện Amazon, cáo buộc các nhà quản lý gây khó khăn khi anh quay lại làm việc và cản trở việc nộp đơn yêu cầu bồi thường sau khi chấn thương. Theo vụ kiện, một người quản lý của Amazon đã nói với Hill rằng anh quá trẻ để có vấn đề về sức khỏe và anh ta đã bị sa thải trước khi nhân sự của Amazon cho phép một cuộc thăm khám của bác sĩ.

    Tại Amazon Fulfillment Center ở Pennsylvania, một cựu nhân viên đã bị sa thải năm tuần sau khi bị thương trong công việc. Christina Miano-Wilburn cho biết: "Tôi đang ở trên một cái thang và một người nào đó va chạm vào thang khiến tôi ngã và đập lưng mình xuống nền nhà. Họ từ chối cung cấp cho tôi các giấy tờ cần thiết. Họ cắt giảm tình trạng khuyết tật ngắn hạn của tôi sau năm tuần trong khi tôi dự định mình sẽ được hưởng chế độ trong 26 tuần". Sau tai nạn, bác sỹ nói rằng lưng của cô sẽ bị di chứng vĩnh viễn.

    Đằng sau sự phát triển rực rỡ của Amazon là những phận đời nhân viên khốn khổ, thất nghiệp, vô gia cư và tàn phế - Ảnh 3.

    Miano-Wilburn đã được thông báo về việc chấm dứt công việc của mình thông qua một bức thư vào tháng 5 năm 2017 sau khi làm việc tại Amazon trong hai năm. Cô mất nhà ngay sau khi bị sa thải khỏi Amazon.

    Các nhân viên khác của Amazon không chịu nổi mệt mỏi với môi trường làm việc tại các kho của Amazon. Lindsai Florence Johnson, người đã bị đưa đi trong xe cứu thương vào tháng Tư khi làm việc trong điều kiện nóng bức tại trung tâm Amazon ở San Bernardino, California nói: "Tôi cảm thấy họ nghĩ rằng tôi giả vờ. Tôi bị mất nước và chóng mặt. Tôi đã nhiều lần trở về nhà với vết bầm tím từ công việc ở Amazon và tôi bị thoát vị đĩa đệm đầu tiên ở đó".

    Trong nhiều trường hợp, Amazon chuyển gánh nặng trách nhiệm cho bên thứ 3 và khiến người lao động khó khăn hơn để nhận được sự đền bù và bồi thường hợp lý. Trong gần ba năm, Michael Yevtuck đã kiên trì kiện ra tòa để chống lại những người đã thuê anh làm việc tại trung tâm của Amazon ở Robbinsville, New Jersey.

    Yevtuck nói: "Tôi đã ngồi xổm hết tốc lực và đi lên bậc thang nhiều lần trong 1 giờ để cố gắng hoàn thành công việc hết công suất. Việc này làm đầu gối trái của tôi bị đau".

    Một bác sĩ của công ty Amazon đề nghị ông trở lại làm việc và băng bảo vệ 2 đầu gối của ông. Yevtuck cung cấp tài liệu chứng thực chẩn đoán y tế của mình từ các bác sĩ công ty của Amazon và bác sĩ tư nhân.

    Ông nói thêm rằng Amazon đã yêu cầu ông trở lại làm việc cũ, hoặc làm một công việc nhẹ nếu ông ký một mẫu đơn ghi rõ vết thương của ông đã xảy ra trước khi làm việc tại Amazon. Phim chụp MRI của ông vào tháng Tư năm 2016 từ một bác sĩ tư nhân lưu ý rằng ông đã bị rách màng bảo vệ đầu gối trái nhưng Amazon không trả chi phí y tế hoặc chấp nhận bồi thường cho công nhân của mình. Dự kiến, vụ kiện này sẽ tiếp tục vào tháng 9 năm nay.

    Trong khi đó, Amazon khẳng định rằng việc đảm bảo sự an toàn của người lao động là một ưu tiên và đó là "sự tự hào" của họ.

    Đại diện công ty cho biết: "Amazon đã tạo ra hơn 130.000 việc làm chỉ trong năm qua và hiện đang sử dụng hơn 560.000 người trên toàn thế giới. Đảm bảo sự an toàn của những cộng sự này là ưu tiên số một của chúng tôi.

    Các cuộc họp hoạt động, định hướng thuê mới, đào tạo quy trình và phát triển quy trình mới bắt đầu với sự an toàn. Chúng tôi có số liệu an toàn và kiểm toán tích hợp trong mỗi chương trình ... Khi có nhiều sự cố xảy ra, chúng tôi sẽ tìm hiểu và cải thiện các chương trình của mình để ngăn chặn sự cố trong tương lai".

    Tham khảo: The Guardian

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày