Đằng sau “thứ miễn phí” trong những cửa hàng sô-cô-la đắt tiền “không cần mua gì, cứ đến lấy” của Marou

    Tri Túc - Hải An, Nhịp Sống Thị Trường 

    Không chỉ nổi tiếng là loại sô-cô-la ngon nhất thế giới, Marou được biết đến là thứ sô-cô-la hiếm hoi dùng hạt cacao của Việt Nam và sản xuất ngay tại Việt Nam, tạo kế sinh nhai bền vững cho những người nông dân. Nay họ đang muốn nảy mầm phong cách sống bền vững tại tại thành thị.

    Hồi tháng 8/2023, Marou mở một cửa hàng mới trên phố Nhà Thờ của thủ đô Hà Nội, nơi các vị khách có thể nhâm nhi một cốc sô-cô-la “ngon nhất thế giới” khi ngắm nhìn những người thợ chế biến sô-cô-la thủ công, hoặc ngồi bên ban công dưới gốc cây si già để ngắm nhà thờ lớn Hà Nội cùng dòng người tấp nập phía dưới.

    “Đây là cửa hàng song sinh với Marou ở trên đường Nguyễn Du gần nhà thờ Đức Bà trong Tp.HCM. Bề ngang 4m nằm trước nhà thờ lớn. Trải nghiệm một không gian rất thơ tại địa điểm tập trung đông nhất khách du lịch và giới trẻ, không có lý do gì lại không thành công ở đây” – Ông Nguyễn Trọng Nhân, Phó TGĐ của Maison Marou Việt Nam tự tin.

    Quả thực, không gian ấy tạo ra một môi trường kinh doanh F&B vô cùng sôi động tại phố Nhà Thờ, nhưng chỉ có Marou là một cửa hàng sô-cô-la.

    Trong cuộc nói chuyện về sô-cô-la Việt Nam, ông Nhân thừa nhận rằng đây là một thị trường rất nhỏ, nhỏ đến mức không có đơn vị nào thực hiện báo cáo nghiên cứu về nó để mà có những con số đo lường và đánh giá cụ thể. Cho nên với vai trò là người mở ra con đường “bean to bar” (từ hạt cacao Việt Nam đến thanh sô-cô-la Việt Nam) từ 10 năm trước, hay những mô hình cửa hàng sô-cô-la đem lại trải nghiệm đặc biệt trong giai đoạn gần đây, Marou đều là người độc hành.

    Đằng sau “thứ miễn phí” trong những cửa hàng sô-cô-la đắt tiền “không cần mua gì, cứ đến lấy” của Marou - Ảnh 1.

    Những nguyên liệu làm ra các thức uống và món ăn trong Maison Marou đều được làm từ những nguyên liệu tươi ngon nhất, hoàn toàn từ Việt Nam hoặc Pháp (với bơ, sữa, kem). Khi khách hàng gọi món, các đầu bếp của Marou làm thủ công tất cả mọi thứ, từ những hạt điều nghiền được dùng làm bánh cho đến mứt trái cây trong những ly kem. Cửa hàng cũng sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với người dùng trong nội thất, sàn nhà và thiết kế.

    Tại đây, các lớp học làm bánh, lớp nếm sô-cô-la… thường xuyên được tổ chức để các vị khách không chỉ thưởng thức mà còn hiểu các câu chuyện của sô-cô-la.

    “Nếu chỉ bán lẻ, cửa hàng của mình sẽ không có sinh khí, không có năng lượng tích cực. Trong khi đó, vừa thưởng thức, vừa thấu hiểu và tận hưởng những xúc cảm từ các sản phẩm này mang lại, người ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Những người khách bước chân vào cửa hàng, cảm nhận được nguồn năng lượng đó, cũng kích thích người ta mua nhiều hơn” - Ông Nhân nói.

    Đằng sau “thứ miễn phí” trong những cửa hàng sô-cô-la đắt tiền “không cần mua gì, cứ đến lấy” của Marou - Ảnh 2.

    Cửa hàng tại phố Nhà Thờ vừa được nhắc đến là một Maison Marou – mô hình cửa hàng trải nghiệm sô-cô-la đầu tiên tại Việt Nam. Đây là chuyến phiêu lưu tiếp theo của Vincent Mourou - Co-Founder và CEO, sau khi Samuel Maruta - người đồng sáng lập của ông mất vì Covid.

    Ngoài Maison Marou, công ty sô-cô-la này đang hoạt động với mô hình khác là trạm Marou (Marou station) trong các trung tâm thương mại.

    Marou Station đầu tiên được khai trương vào năm 2020 tại Thảo Điền Pearl (Quận 2). Không lâu sau đó, ba cửa hàng Marou Station mới đã được khai trương trong năm 2021 tại Trung tâm thương mại Crescent Mall (Quận 7), Gigamall (Tp.Thủ Đức) và Takashimaya, Saigon Center (Quận 1).

    Thay vì tập trung khai thác những trải nghiệm “sống” như dây chuyền làm sô-cô-la tại chỗ trong Marou Maison, Marou Station phục vụ nhu cầu mua mang đi (take-away). Ngoài các sản phẩm thanh sô-cô-la chủ lực, thực đơn của các “trạm” Marou bao gồm một số món gồm bánh ngọt và đồ uống với thiết kế khẩu phần nhỏ hơn nhằm tăng sự tiện lợi khi mang đi.

    Đồng thời, bàn ghế của Marou Station nhỏ gọn như 1 trạm dừng chân với không gian mở tối đa cho các khách hàng khi đi tham quan tại các khu mua sắm.

    Theo ông Nguyễn Trọng Nhân, Marou hiện có 3 nhóm khách hàng chính: Khách du lịch, người nước ngoài sống ở Việt Nam và nhóm người Việt thích sô-cô-la, có phong cách phương tây. Đó không phải là những người mới chỉ khám phá sô-cô-la hay không biết mình thích gì. Họ có phong cách sống rõ ràng, biết những thứ họ thích và muốn tận hưởng nó.

    Tuy nhiên khi mở ra các thị trường mới, Marou cũng phải thay đổi một chút. Tại Bình Dương - một thị trường thuần phong cách sống Việt Nam, Marou không đưa ra những sản phẩm quá khó ăn, có vị đắng dễ gây rào cản tâm lý cho khách hàng như dark chocolate. Họ tiếp cận bằng sô-cô-la sữa có độ ngọt cao hơn. Sau này, khi đã quen, các vị khách có thể sẽ dần dần muốn nếm thử những hương vị mạnh mẽ đột phá.

    “Việc này cần thời gian thẩm thấu và kiên nhẫn” - Ông Trọng Nhân nói - “Và thực tế, nếu kinh doanh chỉ nghĩ đến cơm áo gạo tiền thì không ai kiên nhẫn như anh Sam và Mourou khi khởi nghiệp với Marou”.

    Đằng sau “thứ miễn phí” trong những cửa hàng sô-cô-la đắt tiền “không cần mua gì, cứ đến lấy” của Marou - Ảnh 3.

    “Bạn không cần mua gì, cứ đến Marou để nhận hạt giống về trồng miễn phí” – Ông Vincent Mourou chia sẻ về những bao hạt giống trong các cửa hàng. Đây là cách họ khuyến khích tư duy trồng cây xanh cho các cư dân thành thị.

    Những người thành phố có thể trồng cây cacao ở ban công, nếu cây sống tốt, thậm chí nó có thể đơm hoa kết trái. Như thế, mọi người sẽ tư duy về những hoạt động có thể thực hiện để “xanh hóa” cuộc sống trong thành phố.

    Các cửa hàng Marou vẫn luôn có những mẻ hạt giống cacao đang tìm chủ nhân như vậy.

    Vào tháng 4, trên Facebook cá nhân, Vincent Mourou vui mừng chia sẻ một bài viết về chiếc bao bì tái chế được làm từ vỏ hạt cacao.

    “Chúng tôi đã nung nấu ý tưởng để làm sản phẩm gì đó thú vị từ vỏ cacao từ rất lâu rồi. Đó là sản phẩm thải ra duy nhất khi làm thanh sô-cô-la. Thông thường chúng tôi đưa vỏ cacao về hộ nông dân để họ làm phân bón nhưng giờ đây, nó đã có phương án mới” - Nhà sáng lập Marou vui mừng chia sẻ.

    Đằng sau “thứ miễn phí” trong những cửa hàng sô-cô-la đắt tiền “không cần mua gì, cứ đến lấy” của Marou - Ảnh 4.

    Marou đã thực hiện nhiều sáng kiến để đạt được những mục tiêu về phát triển bền vững và phát thải ròng bằng 0 (net zero), nhưng dùng vỏ cacao để làm bao bì là một trong những ý tưởng có tính thực nghiệm cao nhất.

    Mặc dù là hành động nhỏ nhưng sáng kiến này có thể truyền tải được tư duy về phát triển bền vững, giống như những hoạt động sinh hoạt tại nhà khi bạn phải có trách nhiệm với lượng nước, điện năng tiêu thụ cũng như rác thải thực phẩm.

    Marou còn có kế hoạch đưa ra sản phẩm mới là viên sô-cô-la với trọng lượng nhỏ 4gr hình vuông, sử dụng những hộp carton tái chế với thiết kế in ấn tối giản để giảm lượng mực in trên bao bì. Marou có một số sản phẩm sử dụng lượng mực in khá nhiều. Họ muốn cân bằng lại với những sản phẩm mới sử dụng ít mực in hơn.

    Theo khảo sát khách hàng, Marou là một trong những đơn vị Ngành F&B đầu tiên tại TP.HCM nói không với rác thải nhựa (Zero Plastic) và đang tiến rất gần tới mục tiêu này. Các cửa hàng của Marou cũng đang dùng điện năng lượng mặt trời.

    Đằng sau “thứ miễn phí” trong những cửa hàng sô-cô-la đắt tiền “không cần mua gì, cứ đến lấy” của Marou - Ảnh 5.

    Những sáng kiến trong các cửa hàng Marou đều thú vị. Nhưng sáng kiến lớn nhất về phát triển bền vững chính là sản xuất sô-cô-la tại Việt Nam.

    “Dấu chân Carbon (Carbon footprint) của Marou rất nhỏ vì chúng tôi thiết lập khoảng cách rất ngắn đến nguồn nguyên liệu cacao và duy trì hoạt động bán sô-cô-la trong Việt Nam. Chúng tôi không nhập cacao và sô-cô-la từ nước ngoài. Chúng tôi xem đây là cách tiếp cận thông minh và trách nhiệm đối với việc sản xuất sô-cô-la. Về mặt kinh tế, nó cũng tạo ra giá trị cho hạt cacao khi được sản xuất tại Việt Nam và được bán như một sản phẩm có giá trị gia tăng cao” - ông Vincent Mourou nói.

    Cách đây hơn 10 năm, hai nhà đồng sáng lập người Pháp Vincent Mourou và Samuel Maruta đã nhận giấy phép kinh doanh sản xuất sô-cô-la tại Tp.HCM và chính thức thành lập công ty vào năm 2012, đánh dấu sự ra đời của thương hiệu sô-cô-la nguyên bản và đầu tiên của Việt Nam.

    Vincent và Samuel từng làm việc cho những ngành công nghiệp chẳng liên quan gì đến sản xuất sô-cô-la, song đã nhanh chóng thành công với cửa hàng đầu tiên trên đường Calmette (Quận 1, Tp.HCM) ra đời năm 2016, thu hút lượng lớn người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới đến nếm thử sô-cô-la mang đậm hương vị Việt Nam.

    Đằng sau “thứ miễn phí” trong những cửa hàng sô-cô-la đắt tiền “không cần mua gì, cứ đến lấy” của Marou - Ảnh 6.

    Marou từng gây bão giới mộ điệu sô-cô-la, thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế từ Le Parisien, The New York Times đến Forbes, được ca ngợi là “Nhân tài mới trong ngành chocolate” tại sự kiện uy tín do Salon du Chocolat tổ chức ở Paris, cũng như gây ấn tượng sâu sắc với cố đầu bếp Michelin Michel Roux và Pierre Hermé.

    Đặc biệt, New York Times đã dành hẳn một bài viết với tựa đề "The best chocolate You’ve never tasted" (Bạn chưa bao giờ ăn loại socola ngon đến thế) để nói về thanh sô-cô-la Marou có những vị rất khác so với sô-cô-la trên thế giới.

    Đó là thành quả cho chặng đường dài lang thang ở 6 tỉnh tại Việt Nam để thu gom các hạt cacao chất lượng, lựa từng bao và mua với giá cao gấp đôi giá thị trường. Mỗi hạt cacao trồng tại vùng miền khác nhau lại cho hương vị khác nhau, Marou đã tạo ra 6 dòng sản phẩm dựa theo hương vị và địa điểm trồng loại cacao sản xuất ra vị sô-cô-la ấy: Đắk Lắk 70%, Tiền Giang 70%, Đồng Nai 72%, Lâm Đồng 74%, Bà Rịa 76% và Bến Tre 78%. Tất cả đều là sô-cô-la đen (nguyên chất) và không hề pha thêm phụ gia hay hương liệu khác.

    Tất cả những gì mà 2 người đàn ông ngoại quốc này làm chỉ xuất phát từ mục đích “tình cờ” duy nhất: Muốn chứng minh với thế giới rằng có thể tạo ra một loại sô-cô-la tuyệt hảo tại chính nơi sinh ra hạt cacao, mà không cần phải nhập khẩu nguyên liệu từ nơi khác.

    Đằng sau “thứ miễn phí” trong những cửa hàng sô-cô-la đắt tiền “không cần mua gì, cứ đến lấy” của Marou - Ảnh 7.

    Món ăn, đồ uống ở Marou Maison có giá không hề rẻ. Các loại bánh sô-cô-la chip, tiramisu... dao động từ 60.000 đồng đến 150.000 đồng/chiếc. Tương tự, những món đồ uống phổ biến như cà phê, sô-cô-la cũng được niêm yết với giá 60.000 - 100.000 đồng/ly.

    “Ông có nghĩ rằng sản phẩm xanh chỉ có thể là sản phẩm cao cấp? Nếu như vậy, nó chỉ có thể phục vụ cho một nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao?” - trả lời câu hỏi này, ông Vincent Mourou thừa nhận thực tế phải bỏ ra rất nhiều công sức để tạo ra một sản phẩm xanh. Phải kiểm soát nhiều hơn, làm việc chăm chỉ hơn, bao gồm làm việc với nhà cung cấp và người nông dân để đảm bảo sản phẩm xanh thực sự. Dĩ nhiên sản phẩm sẽ có giá cao hơn.

    “Nếu chỉ nói về tầm nhìn, sứ mệnh thì ai cũng nói được. Song để đồng hành trong từng chi tiết công việc như những người đứng đầu của Marou thì không phải ai cũng làm được. Dĩ nhiên sẽ rất cực, nhưng nếu không giữ được tinh thần startup như vậy, sẽ rất khó để truyền tải sự máu lửa cho anh em phía dưới. Đó là điều Marou hấp dẫn tôi” - Ông Nguyễn Trọng Nhân chia sẻ.

    Tuy nhiên, trong ngành thực phẩm, sản phẩm không chỉ được sản xuất bền vững mà phải có hương vị ngon lành thì mới đảm bảo thành công và thuyết phục khách hàng chi tiền nhiều hơn. Sản phẩm tốt nhất là sản phẩm vừa đảm bảo tính bền vững vừa đảm bảo hương vị ngon lành. Cách Marou kiên nhẫn thực hiện con đường của mình, rồi nhẹ nhàng tăng tốc mở rộng quy mô trong bối cảnh nhiều chuỗi F&B đang thu hẹp và chuyển đổi, đó là cách họ chứng minh vị trí trong lòng khách hàng.

    Trong bài phỏng vấn gần đây, ông Vincent nói rằng: “Đua có để làm gì đâu, đó là một hành trình, chúng tôi muốn tận hưởng nó”. Nhắc lại, người đàn ông này vẫn khẳng định mình đang tận hưởng hành trình với sô-cô-la mỗi ngày.

    Đằng sau “thứ miễn phí” trong những cửa hàng sô-cô-la đắt tiền “không cần mua gì, cứ đến lấy” của Marou - Ảnh 8.

    “Trong suy nghĩ của tôi Marou luôn luôn muốn tiên phong trong mọi việc, tìm kiếm những đổi mới sáng tạo và tạo ra điều khác biệt. Đây là một phần DNA của Marou. Đây là một hành trình khó tin nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục. Chúng tôi cần phải nuôi dưỡng trí tò mò và óc sáng tạo, đồng thời tiếp tục tìm kiếm cơ hội để mang đến niềm vui và hạnh phúc cho mọi người thông qua những sản phẩm mà Marou sản xuất. Sau 10 năm, chúng tôi rất tự hào vì mang sáng tạo với cacao Việt Nam ra thế giới cũng như xây dựng mối quan hệ với người nông dân. Tôi cũng tự hào sau 11 năm, chúng tôi cũng hoạt động với giá trị cốt lõi như những ngày đầu thành lập” - Nhà sáng lập mỉm cười.

    "Giải thưởng thành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do báo Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

    Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.

    Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!

    Website chính thức: https://humanactprize.org

    Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

     

    photo-1696466076551

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ