Đang tối mặt chuẩn bị IPO, Xiaomi lại bị Coolpad vác đơn kiện vi phạm bằng sáng chế

    Billvn,  

    Vụ tranh chấp này nổ ra vào thời điểm tương đối nhạy cảm khi Xiaomi đang chuẩn bị IPO tại Hồng Kông.

    Xiaomi, một công ty công nghệ của Trung Quốc đã quyết định IPO tại Hồng Kông đang tìm cách chống lại vụ kiện với cáo buộc vi phạm sở hữu trí tuệ từ Coolpad Group.

    Đang tối mặt chuẩn bị IPO, Xiaomi lại bị Coolpad vác đơn kiện vi phạm bằng sáng chế - Ảnh 1.

    Chiều thứ Năm tuần rồi, Coolpad cho biết Yulong đã nộp đơn khởi kiện vi phạm bằng sáng chế chống lại Xiaomi tại tòa án tỉnh Thâm Quyến.

    Đơn kiện cáo buộc rằng Xiaomi đã sử dụng các bằng sáng chế mà không có bất kỳ giấy phép nào từ Yulong. Coolpad cho rằng vi phạm bằng sáng chế liên quan đến cơ chế quản lý biểu tượng ứng dụng, thông báo và giao diện người dùng trên một số sản phẩm nhất định của Xiaomi.

    Coolpad đã yêu cầu tòa án ra lệnh ngừng bán và sản xuất 3 mẫu smartphone được cho là vi phạm bằng sáng chế của Xiaomi, bao gồm Mi Mix 2, Redmi Note 5 và Redmi 5 Plus.

    Yulong cũng yêu cầu Xiaomi phải đền bù “những mất mát kinh tế” mà họ phải gánh chịu và toàn bộ chi phí kiện tụng.

    Về phía mình, Xiaomi cho biết họ đã biết về vụ kiện vi phạm bằng sáng chế của Yulong nhưng cho biết: “Tuy nhiên, Xiaomi hiểu rằng việc nộp đơn vẫn chưa được chấp nhận bởi tòa án”.

    Các cuộc gọi và email từ Xiaomi đến Coolpad vẫn chưa được phản hồi.

    Ngoài tuyên bố này, người đại diện của Xiaomi từ chối cung cấp thêm thông tin về vụ việc.

    Vụ kiện diễn ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm với Xiaomi khi mà công ty đang chuẩn bị cho vụ IPO công nghệ lớn nhất kể từ năm 2014.

    Xiaomi dự kiến thu được khoảng 100 tỷ USD từ vụ IPO này. Nếu thành công, đây sẽ là vụ IPO lớn thứ 15 trong lịch sử và lớn thứ 4 của thị trường chứng khoán Hồng Kông.

    Đang tối mặt chuẩn bị IPO, Xiaomi lại bị Coolpad vác đơn kiện vi phạm bằng sáng chế - Ảnh 2.

    Vụ IPO đình đám này nhiều khả năng sẽ giúp cho Xiaomi – được thành lập từ năm 2010 bởi Lei Jun – vượt qua Baidu và JD.com để trở thành công ty công nghệ lớn thứ ba của Trung Quốc theo giá trị, sau Tencent Holdings và Alibaba Group Holding (công ty mẹ của South China Morning Post).

    Tháng trước, Xiaomi cũng thông qua một nghị quyết nội bộ với lời hứa chỉ đạt lợi nhuận 5% trên giá trị sản phẩm bán ra và nếu hơn sẽ trả lại tiền cho khách hàng ngay lập tức.

    James Yan, một nhà phân tích tại Counterpoint Research cho biết: “Vụ kiện nóng lên do nó xảy ra vào thời điểm chuẩn bị IPO của Xiaomi và Coolpad gây áp lực vì họ muốn gây sự chú ý trên thị trường”.

    So với các nhà sản xuất smartphone khác tại Trung Quốc, Coolpad rõ ràng đang tụt hậu cả về cải tiến kỹ thuật lẫn số lượng sản phẩm bán ra. Coolpad đã nằm ngoài top 10 nhà cung cấp smartphone ở Trung Quốc trong quý đầu năm nay. Theo Sino-Market Research, nhà phân phối thứ 10, Xiaolajia, đã bán được 1,3 triệu thiết bị cầm tay trong quý này.

    Theo Canalys, Huawei Technologies, Oppo, Vivo và Xiaomi đã kiểm soát 73% thị phần trong nước, trong khi các thương hiệu khác - bao gồm cả Apple - chiếm 27% còn lại.

    Những nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn đã chiếm lĩnh thị trường thông qua hoạt động tiếp thị mạnh mẽ, thiết kế và tính năng hấp dẫn hơn. Quan trọng hơn, những nhà sản xuất này tung ra các sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau để phục vụ cho nhiều đối tượng người dùng.

    Ngoài những cái tên dẫn đầu, có khoảng hơn 200 nhà sản xuất smartphone khác cạnh tranh với nhau cho phần thị phần nhỏ bé còn lại ở thị trường Trung Quốc. Chỉ cách đây 2 năm, có khoảng 300 nhà sản xuất như vậy tại Trung Quốc nhưng áp lực cạnh tranh đã khiến nhiều cái tên không còn trụ được tại thị trường đông dân này.

    Xiaomi cho biết họ đã "cam kết bảo vệ và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ", dựa trên các thỏa thuận sáng chế với các công ty công nghệ cao toàn cầu như Qualcomm, Microsoft và Nokia.

    Trong tuyên bố của mình, Xiaomi cho biết họ đã có hơn 3.600 bằng sáng chế đăng ký với SIPO và hơn 10.900 đơn xin cấp bằng sáng chế đang chờ giải quyết trên toàn cầu.

    Xiaomi cho biết: “Trên toàn cầu, chúng tôi có hơn 3.500 bằng sáng chế đã đăng ký và hơn 5.800 đơn xin cấp bằng sáng chế ở nhiều quốc gia và khu vực pháp lý khác nhau, chủ yếu được nộp tại Hoa Kỳ, Châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản và Nga”.

    Trong khi đó, LeEco - vốn nắm giữ 28,90% cổ phần của Coolpad – đã bán 17,83% cổ phiếu Coolpad hồi tháng Giêng.

    Yan của Counterpoint cho biết: “Việc bồi thường kinh tế (nếu Coolpad thắng trong vụ kiện Xiaomi) sẽ giúp ích nhiều cho các hoạt động của Coolpad nhưng nó không đủ để giúp hồi phục công ty”.

    Tham khảo: Scmp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ