Đánh giá 4 camera sau của Galaxy A9: Tiện dụng rất cao, màu ảnh đã nhẹ nhàng hơn, giống mắt người
Tính năng nổi bật nhất trên Galaxy A9 chính là hệ thống 4 camera ở mặt sau, giúp mắt trọn được mọi nhu cầu nhiếp ảnh. Nhưng chất lượng thực tế của tính năng này liệu có cao?
- Oppo bất ngờ chọn Huawei làm đối thủ, Galaxy A9 sẽ có đối thủ nào ở tầm giá 12 triệu đây?
- Thách thức smartphone Trung Quốc, Samsung ra mắt Galaxy A9 với 4 camera giá 12.49 triệu, tặng tai nghe Gear IconX (2018) giá 5 triệu
- Trải nghiệm nhanh Galaxy A9 tại Việt Nam: 4 camera, mặt lưng đổi màu và hơn thế nữa!
Trung thu đã qua lâu lắm rồi, nhưng tiết trời Hà Nội bây giờ mới thể hiện được đúng 'chất' mùa thu. Trời có nắng nhưng rất dịu, không nóng như mùa hè, có gió mát nhưng không lạnh cóng như mùa đông. Thời tiết đẹp như vậy cũng làm mình đỡ 'lười' hơn, và quyết định đem chiếc Samsung Galaxy A9 ra đường nhằm đánh giá chất lượng chụp hình trên hệ thống 4 camera sau đang được hãng quảng cáo rất nhiều trong thời gian vừa qua.
Điểm lại về phần cứng, thì Galaxy A9 không thuộc dòng 'S' hay 'Note' cao cấp, nhưng lại được hãng điện tử Hàn Quốc ưu ái trang bị cho hệ thống 4 camera đầu tiên trên Thế giới, bao gồm:
- Camera chính, góc nhìn thông thường với độ phân giải 24MP f/1.7.
- Camera phụ độ phân giải thấp 5MP f/2.2 để đo độ sâu ảnh, hỗ trợ cho tính năng chụp xóa phông.
- Camera góc siêu rộng 120 độ với độ phân giải 8MP f/2.4, được Samsung gọi là ‘camera chuẩn góc nhìn mắt người’.
- Camera cuối cùng có khả năng zoom quang học 2x với độ phân giải 10MP f/2.4.
3 bức ảnh được chụp từ 3 tiêu cự trên Samsung Galaxy A9.
Đây là một hệ thống camera mà dân Việt hay gọi vui là 'chụp từ nhà ra đường', với 3 dải tiêu cự rất hữu dụng cho tất cả các thể loại nhiếp ảnh khác nhau. Với phong cảnh, kiến trúc rộng mở ra sử dụng tiêu cự siêu rộng, với ảnh đời thường, chụp văn bản ta dùng tiêu cự thông thường và tiêu cự zoom ta dùng để chụp các vật ở xa. Quả thực là đem Galaxy A9 ra đường, mình cảm thấy không bị gò bó vì trong bất cứ trường hợp chụp nào cũng có được đúng góc nhìn thích hợp.
Ngoài ra hãng cũng cung cấp cho người dùng rất nhiều tùy chỉnh về mặt phần mềm, trong đó nổi bật là tính năng AI để Tối ưu bối cảnh (Scene Optimizer), có thể tự tinh chỉnh ảnh theo 19 chủ đề khác nhau, AR Emoji - thêm các hiệu ứng vui nhộn khi nhận diện được khuôn mặt người dùng và Pro - chế độ tùy chỉnh các thông số để tạo ra ảnh theo đúng nhu cầu chụp.
2 tính năng nữa ‘chờ đợi’ người dùng trong bước hậu kỳ đó là chỉnh sửa góc nhìn (dành cho camera góc rộng) và chỉnh bokeh khi chụp xóa phông.
Tiêu cự mình cảm thấy hữu dụng và thích sử dụng nhất trên Galaxy A9 là tiêu cự góc rộng 120 độ, giúp chụp những cảnh vật lớn mà không phải lùi lại quá xa. Tiêu cự này rất rộng, nên gặp hiện tượng mắt cá, làm ảnh lồi ra ở giữa và các viền ảnh bị đẩy ra xa. Sau khi chụp, máy cho phép người dùng chỉnh sửa hiện tượng này bằng một nút bấm, giúp ảnh trở nên 'phẳng' hơn.
Tính năng sửa góc nhìn cho ảnh từ camera góc rộng không bị hiện tượng 'mắt cá'.
Trong bài thử nghiệm Galaxy A7, mình cũng cho rằng hiệu ứng mắt cá trên smartphone đôi khi lại trở thành ưu điểm, vì tạo ra góc nhìn ấn tượng hơn rất nhiều so với ảnh chụp bằng camera thông thường.
Đôi khi hiện tượng 'mắt cá' lại làm cho ảnh góc rộng trở nên có cá tính!
Tính năng này cũng sẽ cắt vào phần rìa ảnh, làm giảm độ phân giải và đôi khi làm các sự vật ở đây méo đi nhiều, nên khi chụp ảnh góc rộng, người dùng nên thử cả 2 phiên bản xem cái nào đẹp hơn thì giữ lại.
Thay đổi độ lớn và hình dạng của vùng mờ (bokeh) với các ảnh xóa phông.
Tính năng điều chỉnh bokeh cũng rất hay ho, sẽ phát huy tác dụng nhất khi xuất hiện các bóng bokeh hình tròn. Ta có thể biến các bokeh tròn này thành hình trái tim, con bướm, ngôi sao và thậm chí máy bay!
Khả năng xóa phông của Galaxy A9 ở mức khá, đủ thông minh để không cắt vào chủ thể ở trong ảnh, nhưng phần mờ đôi lúc vẫn hơi cứng. Hãng cũng cho người dùng tùy chỉnh mức độ xóa, và theo mình thì mức 5/7 là tốt nhất, ít hơn thì không rõ hiệu ứng, nhưng nhiều hơn thì lại có phần 'ảo', mất tự nhiên.
Màu ảnh trên Galaxy A9 tươi nhưng không quá đậm.
Khác với các sản phẩm trước đây với xu hướng đẩy độ đậm của ảnh lên quá cao thì các smartphone gần đây của Samsung, trong đó có Galaxy A9 đã có màu ảnh nhẹ nhàng hơn, do vậy giữ được chi tiết tốt và nhìn cũng giống mắt người hơn. Đôi khi trong những bức ảnh HDR thì độ tương phản của ảnh lại thấp hơn so với các hãng khác, tuy vậy ta hoàn toàn có thể thêm bằng các phần mềm hậu kì như Snapseed hoặc Lightroom Mobile.
Camera tele không có độ phân giải cao như camera chính, nhưng vẫn sẽ nét hơn so với zoom điện tử trong những trường hợp chụp cảnh vật ở xa. Ảnh chụp từ camera này giữ được độ nét tốt, tương phản cũng khó có thể chê, nhưng tiếc là màu sắc bị khác so với 2 camera còn lại.
Như bức ảnh trên, bầu trời ngả về màu xanh Cyan hơn là màu xanh da trời (Blue). Vấn đề này có thể giảm thiểu được bằng phần mềm, qua các phần mềm chỉnh sửa hậu kì nhưng cũng sẽ mất thời gian và không thể triệt để 100% được.
Có vấn đề nho nhỏ với Galaxy A9, thể hiện trong quá trình chụp đêm, chụp thiếu sáng. Có 2 điểm hãng cần cải thiện đó là hệ thống đo sáng và độ nét của ảnh. Trong điều kiện thiếu sáng, Galaxy A9 thường cố đẩy giá trị sáng (exposure) lên để cứu lại những chi tiết ở vùng tối, nhưng cùng vì vậy mà làm các phần sáng bị cháy mất. Trong bức ảnh trên, mình phải lấy lại giá trị sáng để có bức hình dễ nhìn hơn.
Một vài hình chụp từ Samsung Galaxy A9:
Lời kết
Như đã đề cập ở tiêu đề, hệ thống 4 camera của Samsung Galaxy A9 có tính tiện dụng rất cao, và cần cải thiện nhiều hơn ở tính chuyên dụng. Tức nó có thể giúp người dùng chụp được rất nhiều thể loại ảnh, do kết hợp được hệ thống thay đổi tiêu cự linh hoạt và các phần mềm hỗ trợ thông minh. Nhưng khi đi về từng hạng mục như khả năng đo sáng, chụp đêm, sự thống nhất về màu sắc thì Galaxy A9 vẫn cần phải cải thiện khả năng một chút.
Galaxy A9 có thể coi là một 'bước đệm', là một sản phẩm mẫu để Samsung thử nghiệm khả năng chụp hình với 4 camera. Tuy nhiên hãng cũng cần phải cập nhật phần mềm, nhằm giúp người dùng có trải nghiệm chụp hình hoàn thiện hơn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI