Đánh giá bo mạch chủ Aorus Z270X – Gaming 7: Bo mạch chủ Kabylake sáng nhất hiện nay!

    Durian,  

    Gigabyte luôn biết cách làm hài lòng những người yêu công nghệ với loạt sản phẩm cao cấp của họ một cách toàn diện, cả về hình thức lẫn chất lượng bên trong. Một bo mạch chủ hoàn hảo cho nhiều mục đích, dù là bạn quan tâm đến hiệu năng hay là một tay chơi máy tính thực thụ thì đều khó có thể chối từ.

    Đứng đầu trong danh sách những nhà sản xuất bo mạch chủ hàng đầu thế giới, Gigabyte vẫn luôn mang đến người dùng cao cấp những sản phẩm ưng ý nhất từ thiết kế đến hiệu năng. Aorus Z270X Gaming 7, một sản phẩm nằm trong dải bo mạch chủ flagship của Gigabyte với cùng tầm giá với các sản phẩm chủ đạo của các đối thủ như Maximus IX Hero hay Gaming M7 của MSI không biết có điều gì khác biệt?

    Đập hộp sản phẩm:

    Cũng giống như các sản phẩm khác thuộc bộ nhận diện mới Aorus có diện mạo khá là đơn giản, một logo đầu chim nằm ngay chính giữa và rất lớn, bên dưới là dòng chữ Aorus. Có phần tên gọi của sản phẩm là được dán một lớp phản quảng giúp chiếc hộp nổi bật hơn trong ánh đèn khá dễ dàng để nhận ra. Bên cạnh là các tính năng phong phú của chiếc bo mạch chủ cao cấp chiếm một phần vô cùng khiêm tốn. Ở mặt sau thì các tính năng này được diễn giải đầy đủ hơn thông qua phần chú thích bằng hình ảnh.

    So với giá tiền bỏ ra thì cách đóng gói của Gaming 7 có phần hơi sơ sài, sản phẩm đặt trong chiếc khay bằng bìa mỏng manh, tuy nhiên thì ở dưới đáy, số lượng đồ chơi được trang bị cho Gaming 7 không hề ít và theo đánh giá sơ qua của tôi là khá cao cấp để lại dấu ấn Aorus khắp nơi trên dàn máy của người sử dụng. Một cầu Sli HB cứng được bọc kim loại trên tất cả các khe cắm có lẽ là điểm nhấn của sự cao cấp bên trong chiếc hộp này. Ngoài ra chúng ta có sticker Aorus, các sợi dây nối hỗ trợ hệ thống led RGB đi kèm, các sợi bó cáp mang dấu ấn Aorus.

    Thiết kế:

    Các bo mạch chủ Z270X Gaming 5, 7 và 9 có một vẻ ngoài đồng nhất. Phần đáng chú ý nhất vẫn là phong cách thiết kế I/O cover đang thịnh hành trong mùa này. Một miếng cover màu trắng lớn được thiết kế nổi theo phong cách nổi kim cương bao trùm phần I/O xuống đến khu vực audio tạo thành khối đồng nhất. Thiết kế này làm nổi bật khối cover lên khỏi lớp PCB đen và lại càng nổi bật hơn nữa với các dải led chạy dọc trên khối này. Gigabyte đã đánh trúng vào thị hiếu của khách hàng khi làm nổi trội lên những thứ mà họ muốn thấy đầu tiên.

    Các mosfet heatsink nằm trên khu VRM được tạo hình cho cảm giác liền mạch với thiết kế của I/O cover. Phần heatsink này còn san sẻ nhiệt độ cho nhau thông qua một ống kim loại nối 2 phiến tản lại với nhau. Thiết kế này chúng ta thường thấy trên các bo mạch chủ với mục đích ép xung, vậy thì chắc chắn hiệu năng là cái mà chúng ta sẽ mong đợi nhiều trên Z270X – Gaming 7. Còn đối với tấm heatsink trên PCH thì Gigabyte lại mang đến cho Gaming 7 một vẻ ngoài đơn giản tone đen chủ đạo và một mảng trắng kèm logo Aorus sáng loáng bên trên khá tinh tế và ton-sur –ton với các mảng khác trên bo mạch chủ. Điểm đặc biệt của Gaming 7 so với các sản phẩm cùng phân khúc khác là toàn bộ dàn heatsink đều có những hệ thống sáng trang trí chứ không phải chỉ có PCH mới có LED.

    Nghía nhanh qua các dàn khe cắm thì chúng ta cũng tìm ra được những điểm hấp dẫn giúp Gaming 7 xứng đáng với số tiền mà người dùng bỏ ra, đó là toàn bộ khe cắm RAM và PCIe X16 đều được gia cố vỏ kim loại và đều có các dải led đồng bộ với các hệ thống ánh sáng khác trên bo mạch chủ. Trên thị trường hiện nay thì có lẽ mới chỉ có Aorus mới làm được điều này. Duy chỉ có 2 khe cắm M.2 là 2 khe duy nhất không có hệ thống LED mà thôi.

    Số lượng cổng cắm nội bộ trên Gaming 7 cũng khá là nhiều giống như những hãng khác, rất nhiều chân 4 pin cấp nguồn cho hệ thống quat trên vỏ máy, hệ thống tản nhiệt và thậm chí là cả bơm cho hệ thống tản nhiệt nước. Ngoài ra, Gaming 7 có 1 chân HD Audio, 2 chân USB 2.0, 2 cổng USB 3.0 . Số lượng đèn báo và công tắc xuất hiện trên bo mạch chủ cũng khá dày đặc, một cụm đèn báo Turbo và XMP, một cụm 3 nút bấm chức năng dành cho các bench table. Ở bên dưới, một màn hình hiển thị kiểu 7 đoạn dùng để chẩn đoán lỗi và báo nhiệt độ giúp người sử dụng theo dõi chiếc bo mạch chủ của mình tốt hơn. Đặc biệt, các cổng cắm trên front panel như nút nguồn, reset vốn là mớ bòng bong với các tay mơ thì bây giờ viêc đánh dấu bằng màu sắc trên các chân pin giúp ngay cả newbie cũng có thể lắp được một cách dễ dàng.

    Khu vực I/O phía sau bo mạch chủ thể hiện được hết độ tỉ mỉ trong từng chi tiết của Aorus khi mà hầu hết các cổng tín hiệu nghe nhìn đều được mạ vàng chống nhiễu để đảm bảo tín hiệu tốt nhất có thể.

    Một thanh dẫn sáng trong suốt ở cạnh phải của bo mạch chủ cũng là một nét nổi bật của bo mạch chủ này. Nếu các bạn đã quá chán thanh dẫn sáng của nhà sản xuất thiết kế thì hoàn toàn có thể tự làm một tấm dấn sáng theo phong cách của riêng mình và dễ dàng show hàng với mọi người hơn.

    Đi sâu hơn về chất lượng….

    Khu vực VRM được cung cấp điện thông qua chân nguồn 8 pin. Một nguồn điện vừa phải, phù hợp với đa số các loại nguồn hiện nay. Mạch VRM được trang bị 10 phase cung cấp năng lượng cho CPU hoạt động và ép xung hiệu quả. Để nâng cao chất lượng ép xung, một chip điều khiển mang tên Turbo B Clock rất bóng bẩy ở bên ngoài sẽ điều khiển khả năng nâng xung của CPU một cách hiệu quả hơn. Tất nhiên còn tùy thuộc vào sức khỏe của vi xử lý.

    Âm thanh luôn là một mảng quan trọng trong chơi game, và với Gaming 7 Gigabyte đã trang bị cho bo mạch chủ này chip xử lý âm thanh 4 nhân cùng với sự hỗ trợ của 2 phần mềm Creative Sound Core 3D và Creative SBX Pro Studio tái hiện lại không khí trong các không gian ảo như trong game.

    Hiệu năng:

    Hệ thống thử nghiệm

    Main: Aorus Z270X – Gaming 7

    CPU: Intel Core i5 – 6500

    RAM: Kingston HyperX Fury DDR4 2 x 8Gb bus 2400MHz

    VGA: Galax GTX 1060 HOF 6GB

    SSD: Kingston HyperX Savage 240Gb

    Bài test 1: Hệ thống LED

    Hệ thống LED của Gaming 7 trông khá rực rỡ, các khu vực sáng khá đồng đều và nổi bật mặc dù bên trong máy đã có một hệ thống fan LED khá sáng. Các hiệu ứng led được thể hiện đồng đều hoặc theo từng khu với phần mềm điều khiển độc quyền RGB Fusion nằm trong App Center hoặc thông qua RGB Fusion trên điện thoại di động.

    Bài test 2: Ép xung

    CPU Intel Core i5-6500 của chúng tôi là một bài test khá nhẹ nhàng dành cho Gaming 7 khi chưa thể vận dụng hết sức mạnh của bo mạch chủ này. Tuy nhiên, với chất lượng build như thế này, Gaming 7 là một bo mạch chủ hoàn toàn có thể cân được Core i7 có mở hệ số xung cao một cách dễ dàng nhất.

    Đối với RAM thì việc ép xung cũng tương tự, việc sử dụng kit ram Kingston bus 2400MHz và Gaming 7 đã nâng mức xung của RAM lên 3200MHz một cách nhẹ nhàng với XMP profile mà chúng tôi chưa cần phải chỉnh tay bất cứ thứ gì. Đây là mức xung khá ổn cho một kit ram phổ thông và nếu ở những kit ram cao cấp hơn thì việc chạm mức 4100MHz trở lên là điều có thể tin tưởng được. Nên nhắc lại thì không phải tất cả những bo mạch chủ trong tầm giá này có thể nâng xung ram lên 4000MHz giống như Gaming 7 (trên cùng một kit ram và CPU)

    Bài test 3: PCMark 8

    Số điểm mà chúng tôi đạt được dành cho PCMark 8 là rất khá. Điều này chứng tỏ Gaming 7 kết hợp với các linh kiện khác rất hài hòa và đủ ổn định để có thể hỗ trợ mọi công việc cho một chiếc PC từ chơi game đến các tác vụ đồ họa khác.

    Tổng kết:

    Aorus Z270X – Gaming 7 đã hoàn thành đủ những bài test cơ bản để trở thành kình địch của những đối thủ trong phân khúc của mình. Khả năng ép xung CPU và RAM vượt trội cùng hệ thống LED màu mè là những điểm nhấn mạnh mẽ trên sản phẩm đáng gờm này của Gigabyte. Chỉ có những yếu tố về thiết kế thì sẽ để cho người dùng lựa chọn theo sở thích của mình nhưng suy cho cùng Aorus Z270X Gaming 7 là một bo mạch chủ toàn diện về hiệu năng, thiết kế lẫn mức giá của nó.

    Trong tháng này, khi mua bo mạch chủ Z270, H270 và B250 của Gigabyte, người sử dụng sẽ được tặng ngay một balo du lịch Aorus sành điệu bên cạnh việc sở hữu một chiếc máy tính cực ngầu. Thật là vẹn cả đôi đường.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ