Đánh giá bo mạch chủ Asus Prime X370 Pro: Bậc thềm hoàn hảo cho Ryzen 7
Ryzen đang rất nóng trên thị trường, đặc biệt là với những người đang mong đợi một hệ thống với túi tiền vừa phải lại có thể chạy với tốc độ của những hệ thống đắt tiền hơn nhiều lần. Asus Prime X370 Pro là một trong những bo mạch chủ ra mắt thị trường khá sớm, vậy nó có đạt được kì vọng của nhiều người. Hãy cùng tôi tìm hiểu ngay sau đây.
Nếu như Ryzen trở thành chủ đề hot trong suốt thời gian vừa qua thì số lượng bo mạch chủ Ryzen tầm trung vẫn còn khá hiếm mà các hãng vẫn đang trong thời kì “khoe” công nghệ của mình trên các bo mạch chủ tầm cao. Cái mà người tiêu dùng kì vọng ở những hệ thống sử dụng chipset AMD không chỉ là một cỗ máy mạnh mẽ mà còn là một mức giá siêu mềm dành họ khi AMD được phổ biến rộng rãi trên thị trường. Vì thế nên ngày hôm nay thay vì những chiếc bo mạch chủ flagship, chúng tôi muốn đề cập đến một sản phẩm thực tế hơn, một chiếc X370 tầm trung có thể làm vừa lòng nhiều người dùng có túi tiền không được rủng rỉnh cho lắm nhưng vẫn có được những trải nghiệm xử lý tuyệt vời trên chiếc máy tính của mình.
Đập hộp sản phẩm:
Asus Prime thuộc dòng sản phẩm tầm trung dành cho người sử dụng đa dụng vì thế nên vỏ hộp của dòng này thường không cầu kì về hình thức. Được phối tone màu đen với các đường ánh xanh trắng khiến cho chúng ta liên tưởng đến bộ phim “Tron: Legacy” ngày nào. Hình ảnh 3D của chiếc bo mạch chủ cũng được lộ diện ngay trên mặt tiền của vỏ hộp giúp cho người sử dụng không phải tò mò quá nhiều về hình dáng của chúng nếu không được khui hộp. Các mặt còn lại như thường lệ là thông tin nổi bật về sản phẩm mà nhà sản xuất đưa ra ví dụ như tính năng Asus Aura Sync, USB 3.1, 5 – way Optimization v.v
Phía bên trong chiếc hộp bao gồm một chiếc bo mạch chủ là sản phẩm chính. Bên cạnh đó chúng ta còn có 2 cặp dây SATA III 6Gb/s, 1 cầu Sli HB, 1 bộ ốc gắn M.2, 1 cục nối các nút bấm và đèn trên vỏ máy một cách dễ dàng hơn, 1 tấm FE hay còn chúng ta vẫn thường gọi là tấm chặn main cuối cùng là một sách hướng dẫn và một đĩa CD driver của sản phẩm.
Chi tiết sản phẩm:
Nếu như bạn có dịp được chiêm ngưỡng Asus Prime Z270-A thì X370 Pro có thiết kế gần như giống hệt nhau chỉ sai khác một vài chi tiết để phù hợp với đặc tính kĩ thuật của vi xử lý AMD. Tuy nhiên có một điểm hơi tiếc ở đứa em sinh sau đẻ muộn này so với Prime Z270-A là X370 Pro không có I/O Shield nên độ ngầu của một sản phẩm có giảm đi chút ít. Thay vào đó với mức giá 5 triệu đồng cho Z270-A trên thị trường hiện nay thì chúng ta có thể kì vọng vào một mức giá mềm hơn dành cho X370 Pro.
Lớp PCB được sơn đen phối những họa tiết trắng theo dạng đường kẻ đậm cùng những sọc chéo rất hợp tone với phần tạo hình của các bộ phận khác và cũng khiến phần mạch trở nên sinh động và bớt “trơ” hơn.
Ở khu vực CPU, chúng ta thấy chân cắm của X370 hỗ trợ các dòng CPU AM4 tức là không chỉ có Ryzen mà các CPU thế hệ thứ 7 Athlon của AMD cũng có thể chạy trên chipset này. Toàn bộ năng lượng cho CPu được cung cấp bởi 10 phase nguồn để các nhân Ryzen có khả năng tung sức mạnh của mình khi chạy các tác vụ thông thường lẫn khi ép xung. Một chân nguồn 8 pin sẽ đảm nhiệm công việc cấp dòng điện cho khu vực này.
Phần heatsink trên mạch VRM vào gồm hai phiến tản bằng nhôm được đánh xước mang dáng vẻ rất kim khí. Các phiến tản này không chỉ được phân tầng mà còn được xẻ các rãnh chéo rất sắc bén, tinh xảo nhìn rất đẹp. Phần heatsink trên khu vực PCH thì lại được đóng nguyên khối nhôm 6 cạnh đơn giản và và được dán họa tiết lên trên để đồng bộ với phần bo mạch chủ. Mổ xẻ phần heatsink này chúng ta sẽ thấy bên dưới chúng luôn là một lớp băng tản nhiệt để tăng tiếp xúc với vùng sinh nhiệt.
Khu vực khe cắm mở rộng PCIe bao gồm 2 khe PCIe 3.0 x16, 1 khe PCIe 2.0 x16 và 3 khe PCIe 2.0 x1 như vậy là đủ nhu cầu cho khả năng xử lý đồ họa với việc hỗ trợ SLI của Nvidia và Crossfire của AMD lẫn các linh kiện hỗ trợ khác. X370 Pro hỗ trợ tối đa 64Gb bộ nhớ trong DDR4 non ECC thông qua 4 khe cắm ở chạy chế độ kênh đôi và hỗ trợ lên bus lên đến 3200MHz với các CPU Ryzen. Cũng giống như Z270-A, khe 2 khe PCIe 3.0 x16 nơi thường sử dụng để gắn các card đồ họa thì đều được bọc thép chống rỉ, chống cong gãy và chống nhiễu rất cẩn thận.
Số lượng khe cắm SSD M.2 chỉ dừng lại ở con số 1 thay vì 2 đối với các bo mạch chủ Z270 nói chung và Prime Z270-A nói riêng nhưng theo ý kiến cá nhân của tôi thì đối với một sản phẩm tầm trung như thế này thì chỉ cần 1 khe M.2 là đã đủ rồi. Bù lại, X370 Pro được trang bị tới 8 cổng SATA III 6Gb/s hỗ trợ chế độ RAID 0, 1, 10
Đối với hệ thống âm thanh tích hợp, Asus vẫn sử dụng các mạch độc lập để cho đầu ra có chất lượng âm thanh tốt nhất. X370 Pro sử dụng chip Realtek ALC S1220A hỗ trợ 8 kênh âm thanh chất lượng cao. Toàn bộ các tụ cho khu vực này đều là tụ vàng nichicon dành riêng cho âm thanh. Các kênh âm thanh trai phải cũng được chạy trên các lớp mạch riêng biệt để chống nhiễu rất tốt cho âm thanh đầu ra lúc nào cũng trong trẻo. Một line đèn led chạy dọc từ khu I/O xuống hết cổng âm thanh của khu vực frontpanel ôm trọn lấy khu vực mạch âm thanh này.
Các cổng cắm nội bộ của X370 Pro khá là dày đặc cho nhu cầu của đại bộ phận PC hiện nay. Tiêu biểu trong đó có một cổng dành cho các dây led RGB dùng để trang trí trong thùng máy. Khá nhiều chân cắm để hỗ trợ hệ thống làm mát bao gồm 1 chân cắm 4 pin cho quạt CPU và 1 chân dự phòng cho các hệ thống tản nhiệt CPU lớn đòi hỏi nhiều hơn một quạt, 2 chân cắm quạt gió cho thùng máy cũng thuộc loại 4 pin. 1 chân 4 pin được dành riêng cho bơm của các hệ thống tản nhiệt AIO và một chân khác thì được dành cho các máy bơm của hệ thống tản nhiệt bằng chất lỏng thường thấy.
Đối với hệ thống ở front panel, X370 được trang bị khá cơ bản như các loại bo mạch chủ khác bao gồm 1 chân cắm âm thanh, 1 chân cắm USB 3.0 hỗ trợ 2 cổng và 2 chân USB 2.0 hỗ trợ tối đã 4 cổng. Đặc biệt phải kể đến ở khu vực front panel có xuất hiện cả một cổng USB 3.1.
Ở khu vực I/O của bo mạch chủ, các chuẩn cắm cũng khá là đa dạng phục vụ nhu cầu phong phú của người sử dụng hiện nay. 1 cổng PS/2 dành cho chuột hoặc bàn phim vẫn được giữ lại trong khi đa phần người sử dụng lại dành cổng USB cho các thiết bị này. Các cổng xuất hình ảnh từ iGPU của Ryzen bao gồm 1 cổng DisplayPort, một cổng HDMI, các cổng xuất âm thanh thì vẫn giống như vậy bao gồm 5 lỗ cắm jack âm thanh và một cổng quang âm thanh. 1 cổng LAN RJ45 luôn luôn là vật bất ly thần với các loại bo mạch chủ hiện nay. Có đến 5 ổng USB 3.0 nhưng chỉ có 2 cổng USB 3.1 với màu sắc khá đặc biệt và một cổng USB 3.0 type C. Các game thủ hay kể cả những người binh thường có lẽ sẽ thích cái này khi họ có quá nhiều đồ cần phải treo lên cho gọn.
Một chút hình ảnh của X370 Pro trên hệ thống thực nghiệm thực tế.
Tổng kết:
Cho dù đây là một sản phẩm tầm trung nhưng vẫn mang đủ dáng dấp của một chiếc bo mạch chủ mạnh mẽ có thể làm hài lòng nhiều đối tượng sử dụng kể cả chơi game hay làm việc thì X370 Pro vẫn đáp ứng được mọi trải nghiệm cơ bản lẫn nâng cao hiệu quả. Một chút nhược điểm nho nhỏ về ngoại hình chắc chắn không thể ngăn cản người sử dụng lựa chon một chiếc bo mạch chủ được dự đoán là sẽ rất p/p trong thời gian tới.
Ưu điểm:
- Thiết kế ổn trên tone màu đen trắng.
- Nhiều tính năng tự động, thân thiện với người sử dụng.
- Sử dụng linh kiện chất lượng cao
Nhược điểm:
- Không giữ lại được phần I/O Shield cực ngầu trên Prime Z270-A
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?