Đánh giá bo mạch chủ Gigabyte H270 Gaming 3: Sản phẩm tầm trung ấn tượng mà game thủ nên có

    Durian,  

    Nếu mùa hè này bạn có ý định sắm PC hay nâng cấp thì Gigabyte H270 Gaming 3 là sự lựa chọn vô cùng chính xác

    Nếu bạn đang tận hưởng một mùa hè đầy thú vị mà vẫn còn chưa thỏa mãn với hệ thống chơi game lỗi thời của mình lại cộng thêm cái ví tiền mỏng manh không đủ sức chi trả cho những cỗ máy khủng thì bạn yên tâm là những máy tính tầm trung thế hệ mới vẫn có thể cân được những game hạng nặng hiện nay. Bo mạch chủ Gigabyte H270 Gaming 3 là một gợi ý cực hợp lý với những linh kiện tầm trung hiện nay.

    Tổng quan sản phẩm

    Vỏ hộp khiêm tốn bớt phô trương đó là cảm nhận đầu tiên chúng tôi thấy được trên H270-Gaming 3, tuy nhiên nó vẫn toát lên được vẻ gì đó là một sản phẩm dành cho game thủ qua điểm nhấn họa tiết nằm ngay chính giữa hộp. Mặt sau là một sự liệt kê khá chi tiết và đầy đủ các tính năng nổi bật trên sản phẩm dành cho những ai quan tâm.

    Phía bên trong, sản phẩm cũng được đóng gói hết sức đơn giản với phần phụ kiện được tối giản hết mức chỉ có một tấm Fe, một cặp dây SATA III dành cho ổ cứng và vài tờ hướng dẫn đơn giản. Có lẽ rằng sản phẩm được định vị ở tầm trung của Gigabyte sẽ chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm mà thôi.

    H270 Gaming 3 là một bo mạch chủ khá thực dụng trong thiết kế với những sự cắt giảm vô cùng chính xác ở những mảng “làm đẹp” có lẽ là để hạ giá thành sản phẩm nhưng vẫn giữ lại những điểm nhấn ấn tượng gợi nhắc đến những đặc điểm riêng biệt chỉ có trên bo mạch chủ Gigabyte như thanh dẫn sáng bên góc trái sản phẩm hay hệ thống LED nằm giữa các khe RAM

    Chi tiết hơn…

    Sự khác biệt dễ nhận thấy nhất trên các bo mạch chủ có lẽ là hình dáng của các phiến tản. Trên H270 Gaming 3, các tấm heatsink có thiết kế đồng nhất về hình dáng và các đường rãnh. Heatsink được sơn tone đen kèm line đỏ và logo Gigabyte được đặt dọc theo thân, khi tất cả kết hợp lại nhìn khá giống chủ đề xe đua.

    Ở khu vực VRM của bo mạch, chúng tôi thấy sự hiện diện của 7 phase nguồn và được cung cấp bởi một đầu cáp 8 pin. Là sản phẩm dành cho những CPU từ i5 đến i7 không mở hệ số xung, lượng điện cung cấp cho vi xử lý như vậy là hợp lý không đòi hỏi nhiều hơn.

    Ở các khe cắm linh kiện, Gigabyte thế hiện đặc tính Ultra Durable của mình thông qua hệ thống giáp hợp kim sáng loáng cho các khe cắm RAM cũng như PCIe vừa chống cong vênh vừa có khả năng làm đẹp cho bo mạch chủ trông vững chắc và sang trong hơn.

    Hệ thống khe cắm dành cho các thiết bị lưu trữ cũng khá cơ bản, 6 slot dành cho các kết nối SATA III trong đó có 2 slot cho phép người dùng liên kết SATA express tuy rằng chuẩn này không phổ biến cho lắm. Ngoài ra, 2 khe M.2 là quá đủ cho nhu cầu sử dụng lưu trữ tốc độ cao hiện tại bởi SSD NVMe còn khá đắt đỏ và chưa thực sự phù hợp với người dùng tầm trung.

    Để hoàn thiện trải nghiệm cho người sử dụng, Gigabyte sử dụng chip mạng Killer Ethernet E2500 đã quá quen thuộc với game thủ với khả năng tối ưu hóa băng thông dành cho game, chống lag vô cùng hiệu quả. Cùng với đó là khả năng nghe nhìn được tăng cường bởi hệ thống mạch âm thanh AMP-UP Audio độc quyền của Gigabyte cho những trải nghiệm âm thanh chuẩn và sắc nét cho những trải nghiệm về game.

    Điểm mặt tại khu vực I/O, tuy hơi buồn vì không được trang bị cover nhưng có rất nhiều cách để che đi khoảng trống đó. H270 Gaming 3 được trang bị 6 cổng USB 3.0, 2 cổng USB 3.1 trong đó có cả Type A và C. Để xuất hình từ đồ họa tích hợp trong CPU, Gigabyte trang bị 2 cổng digital phổ biến là cổng DVI-D và HDMI. Cuối cùng là một cổng Gigabit LAN và một cổng âm thanh.

    Cấu hình gợi ý:

    H270 Gaming 3 khá hợp với những cấu hình tầm trung trong khoảng 15-20 triệu đồng. Cấu hình tầm trung này khá ổn áp với đại đa số người dùng và cũng khá dễ dàng để nâng cấp sau khoảng 1 năm sử dụng.

    CPU: Intel Core i5 – 6500/7500 (Tầm giá: 4,8 triệu đồng)

    Loại CPU có 4 nhân và 4 luồng này có giá khoảng 4,8 triệu đồng, đây là CPU tầm trung có mức xung nhịp khá cao, đáp ứng được yêu cầu của hầu hết mọi loại game cũng như phần mềm phổ thông. Trong tương lại, để có tốc độ làm việc chung cao hơn hay chơi game tốt hơn thì người sử dụng hoàn toàn có thể đổi lên i5 6600/7600 hoặc i7 6700/7700 tùy theo nhu cầu nhưng tốt nhất vẫn là 6700/7700 do có số luồng cao hơn.

    Ngoài ra nếu người sử dụng có ý định nâng cấp để có một HDD nhanh hơn bằng cách sử dụng Intel Optane thì các CPU i5 hay i7 Kabylake là điều kiện cần và đủ để có thể kích hoạt tính năng này.

    RAM: Adata DDR4 XPG Z1 Kit 2x4Gb bus 2400 RED (Tầm giá: 1,7 triệu đồng)

    Với thương hiệu RAM đến từ Đài Loan này, các bạn sẽ có một bộ nhớ trong tin cậy, với 8Gb chạy ở chế độ kênh đôi mọi tác vụ sẽ được xử lý mượt mà, tuy nhiên một bộ nhớ trong lý tưởng hiện nay sẽ là 16Gb để có thể vừa chơi game nặng vừa thực hiện các úng dụng khác mượt mà. Khi có điều kiện, nâng cấp dung lượng bộ nhớ trong là một việc nên làm.

    VGA: Gigabyte GeForce GTX 1050Ti/1060 Windforce OC 3G (Từ 4 – 6 triệu đồng)

    Một chiếc card đồ họa rất p/p như GTX 1060 3G chắc chắc không thể thiếu trong cấu hình của bộ máy tầm trung này. Nó đáp ứng một điều kiện là hoàn toàn có thể chơi được hầu hết các game hiện nay ở độ phân giải 1080p. Tuy không phải ở mức độ hình ảnh đẹp nhất nhưng đối với tầm giá này thì như vậy cũng là rất tốt rồi. Nếu có hầu bao không dư giả là bao thì GTX 1050Ti có thể là người thay thế khá ổn Hơn thế nữa, tone màu đen cam đậm cũng khá hợp với màu bo mạch chủ và các linh kiện khác

    PSU: Antec BP400PX hoặc nguồn 400W tương tự (Dưới 1 triệu đồng)

    Với cấu hình này, lượng điện năng tiêu thụ là không cao đến 400W như gợi ý trên. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho trái tim của bộ máy cũng như những ảnh hưởng mang tính lâu dài từ nguồn cấp, việc chọn một PSU có tải cao hơn là vô cùng cần thiết. Việc chọn những hãng nguồn uy tín như Antec sẽ giúp nâng cao tuổi thọ linh kiện hơn rất nhiều, tránh những rủi ro không đáng có

    Ổ cứng lưu trữ và vỏ case là sự lựa chọn không ảnh hưởng sau sắc đến hiệu năng nên chúng tôi sẽ không đưa vào gợi ý nên độc giả hoàn toàn có thể cân đối sao cho có một bộ case hoàn chỉnh ưng ý.

    Tổng kết:

    Gigabyte H270 Gaming 3, không quá phô trương về hình thức nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn nếu người sử dụng biết cách phối hợp. Hiệu năng tuy không thực sự nằm trên đỉnh cao như dòng Z270 nhưng với khả năng điều chỉnh cấu hình linh hoạt với tầm giá của mình đây có thể là một sự lựa chọn hot trên thị trường mùa hè và thu này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ