Đánh giá bo mạch chủ MSI B250M Mortar: Huyền thoại tầm trung một thời nay còn giữ được phong độ?

    Durian,  

    B150M Mortar đã từng được gamer tầm trung "gửi gắm" hi vọng có thể trải nghiệm những tựa game khủng một cách mượt mà. Liệu rằng đến khi nền tảng Kaby Lake ra đời, B250M Mortar còn được như xưa?

    Mortar vốn là một trong những bo mạch chủ được game thủ tầm trung lựa chọn nhiều nhất trong thời kì Sky Lake cho những PC Gaming dưới 20 triệu đồng bởi giá thành khá ổn cùng thiết kế đơn giản nhưng đẹp mắt. Mortar thể hiện một sự ổn định khi cân các cấu hình chơi game đòi hòi cường độ xử lý cao và thường xuyên. Khi bước lên nền tảng Kaby Lake, với sự cập nhật một cách nhanh chóng thiết kế cũng như công nghệ ở các hãng sản xuất bo mạch chủ tương đối đồng đều và B250M Mortar được sinh ra để thay thế người tiền nhiệm B150M nên được chúng tôi kì vọng khá nhiều vào thiết kế cũng như hiệu năng.

    Đập hộp sản phẩm:

    Chiếc vỏ hộp của B250M Mortar vẫn nhỏ nhắn như B150M chỉ khác rằng tone màu được trả lại thành đen đỏ trắng với một quả tên lửa rất bự ở giữa khá giống các phiên bản cao cấp hơn. Nhìn chung, thiết kế của B250M Mortar vẫn tôn trọng sự đơn giản của một sản phẩm có giá trị vừa phải, không tạo cho người mua cảm giác lo sợ một sản phẩm vượt quá giá trị thực khi thanh toán. Chúng ta có thể điểm qua những tính năng nổi bật của sản phẩm ngay trên vỏ hộp. VR Ready, Optane Ready, Turbo M.2.

    Ở mặt sau là hình ảnh trực quan về những thành phần của chiếc bo mạch chủ được MSI giới thiệu khá kĩ lưỡng.

    Ở bên trong chúng ta có thể thấy sản phẩm chính nằm gọn trong chiếc khay ở phía trên và một khoảng trống bên dưới để chứa các phụ kiện đi kèm như tấm chặn main, cáp SATA, sách hướng dẫn và CD Driver rất cơ bản.

    Chi tiết sản phẩm:

    Chỉ cần nhìn thoáng qua, chúng ta đã có thể nhận ra một sự thay đổi về diện mạo khá rõ ràng khi trông B250M Mortar trở tên chắc chắn hơn, hầm hố hơn. Đầu tiên là nước sơn trên PCB, B250M đã sơn lên bo mạch chủ một bản phối đen xám khá đẹp thay vì một màu đen nhàm chán trên phiên bản B150M. Tái hiện lại một vùng doanh trại với những ngôi nhà và xưởng, những họa tiết mà chúng ta vẫn thấy trong các khu quân đội Mỹ trên phim ảnh. MSI rất giỏi tạo nên cảm xúc này cho người sử dụng mỗi khi họ nhìn vào thùng máy của mình.

    Ở khu vực CPU, chúng tôi thấy những phiến tản mosfet cho cụm 6 phase nguồn được tạo hình lại trông giống một chiếc lô cốt hơn. Để khiến chúng nổi khối hơn, MSI đã sử dụng phối màu xám đỏ cho chúng. Cá nhân tôi thì thấy đây là một sự nâng cấp khá ổn khi mà phiên bản cũ chỉ toàn một màu đen buồn tẻ. Toàn bộ hoạt động của vùng mạch VRM được cấp điện bởi một chân nguồn CPU 8 pin nên việc có thể lèo lái một chiếc Core i7 non-K là điều hoàn toàn có thể. Trái lại thì ở PCH thì phiến tản ở đây vẫn nhỏ nhắn và đơn giản như trước chỉ khác đôi chút không đáng kể.

    B250M tiếp tục hỗ trợ DDR4 với 4 khe cắm ở 2 mức bus phổ thông là 2133 và 2400 MHz trên chế độ kênh đôi. Dung lượng tối đa của bộ nhớ trong có thể lên đến 64Gb tuy nhiên theo cảm nhận của tôi thì đây là một sự lo xa của MSI bởi vì ở trong một cỗ máy thuộc phân khúc tầm trung thì việc gắn tới 32Gb đã là một điều hiếm nhưng nếu có game thủ nào yêu cầu phải bật những ứng dụng ngốn ram thì có lẽ càng nhiều thì càng tốt.

    Ở khu vực khe cắm mở rộng của B250M cũng khá là đầy đủ với 2 khe PCIe 3.0 x16 trong đó có 1 khe đầu tiên thường được dùng để cắm card đồ họa thì được bọc khung hợp kim gia cố chắc chắn chống cong vênh, nhiễu và gãy. Khe còn lại có lẽ sẽ ít khi được dùng đến hơn bởi nó động chạm vào phần I/O nội bộ. 2 khe PCIe x1 còn lại có lẽ là khá đủ cho một hệ thống chơi game đơn giản cần ít những linh kiện bổ sung. Các chân cắm I/O nội bộ bao gồm 1 chân 4 pin cho CPU, 3 chân pin cho hệ thống quạt thùng máy, Lần này, MSI đã chú ý đến ngoại hình của hệ thống hơn bằng việc trang bị cho người sử dụng chân 4 pin hỗ trợ dây Led trang trí cho người sử dụng. 1 chân HD Audio, 2 chân hỗ trợ tối đa 4 cổng USB 2.0 và 1 chân hỗ trợ cổng 2 USB 3.0. B250M hỗ trợ đến 6 cổng SATA III 6Gb/s có phần là khá dư thừa bởi một hệ thống tầm trung hiện nay chỉ sử dụng từ 2-3 cổng là vừa đủ. Chưa kể một cổng Turbo M.2 ở phía trên giúp cho B250M mang dáng dấp cao cấp hơn và cũng đủ sức để cân những chiếc SSD M.2 xịn giúp hệ thống luôn chạy ở tốc độ cao.

    Ở khu vực I/O phía sau thùng máy, các cổng kết nối rất phong phú. Với kết nối các thiết bị hiển thị, B250M Mortar được trang bị một cổng DVI-D, 1 cổng HDMI và một cổng Display Port. Còn với các kết nối ngoại vi thì đã có 1 cổng PS/2 cho chuột hoặc bàn phím, 2 cổng USB 2.0, 2 cổng USB 3.0, 1 cổng USB 3.1 Type A và 1 cổng USB 3.1 Type C. 6 lỗ cắm audio hỗ trợ hệ thống âm thanh cao cấp nhưng tôi để ý rằng B250M Mortar không có cổng quang âm thanh. Có lẽ định vị thị trường nên MSI đã lược bỏ cổng này cho phù hợp với người dùng hơn. Một điểm nâng cấp trên B250M Mortar cực rõ ràng mà ai cũng nhìn ra được là khu vực I/O được bọc bởi một tấm shield góc cạnh để tăng độ ngầu của sản phẩm.

    Khu vực mạch âm thanh được làm độc lập để chống nhiễu cho chất lượng âm tốt hơn, chúng tôi cũng để ý thấy sự hiện diện của chip xử lý âm của Realtek cũng như có rất nhiều tụ vàng được trang bị để khiến hệ thống này hoàn hảo hơn.

    Để ý một chút để mặt sau của bo mạch chủ chúng ta có thể thấy các cụm led chạy vòng quay bo mạch chủ giúp thùng máy được sinh động hơn rất nhiều.

    Tổng kết:

    B250M Mortar đã có những nâng cấp đáng giá dành cho thị trường tầm trung ở cả ngoại hình lẫn chất lượng bên trong. Tuy nhiên việc có thể cạnh tranh với các đối trọng khác hay không còn phụ thuộc vào khả năng chấp nhận của thị trường dành cho sản phẩm nhưng tiềm năng dành cho B250M Mortar là rất lớn. Nếu ai đó là fan ruột của rồng đỏ MSI thì đây chắc chắn là một lựa chọn vô cùng hợp lý nếu hầu bao bị giới hạn.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ